Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp trong xử lý vi phạm hành chính

Chủ nhật - 19/02/2023 20:50
Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính là một trong những biện pháp khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm hành chính gây ra. Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính, ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật. Ở lĩnh vực công thương, tùy theo từng hành vi vi phạm hành chính, pháp luật quy định cụ thể các biện pháp khắc phục hậu quả, trong đó có biện pháp buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính gây ra.
Việc buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp này của từng hành vi, ở từng lĩnh vực có thể hoàn trả cho tổ chức, cá nhân bị chiếm đoạt hoặc để sung vào ngân sách nhà nước theo quy định. Ví dụ như số lợi bất hợp pháp có được từ hành vi trộm cắp điện là số lợi mà bên vi phạm có được từ sản lượng điện năng trộm cắp, số lợi này phải được tính toán và buộc hoàn trả lại cho bên bán điện. Số lợi bất hợp pháp được xác định từ khi tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính đến thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm hoặc có quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả. Việc xác định số lợi bất hợp pháp do người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thực hiện và được ghi trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.
1
Kiểm tra công tác an toàn trong hoạt động hóa chất
Theo dõi tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong thời gian qua của Ngành, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đã ban hành nhiều quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức và cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật trong phạm vi quản lý nhà nước. Đã áp dụng nhiều biện pháp khắc phục hậu quả, trong đó có biện pháp buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính, cụ thể năm 2018, 2019 ở lĩnh vực kinh doanh xăng dầu đã đình chỉ hoạt động kinh doanh xăng dầu có thời hạn đối với 04 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc 03 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và truy thu số lợi bất hợp pháp đối với 02 tổ chức vi phạm về hoạt động kinh doanh xăng dầu và nộp vào ngân sách nhà nước với tổng số tiền hơn 61 triệu đồng. Năm 2022, ở lĩnh vực thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng đã xử lý và buộc 01 tổ chức nộp vào ngân sách nhà nước hơn 160 triệu đồng thu lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính.
Tìm hiểu nội dung này, ở lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp, các hành vi vi phạm hành chính có biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp được quy định tại các Điều 16 (khoản 2, 5, 6), Điều 17 (khoản 2, 5, 6), Điều 18 (khoản 2), Điều 31 (khoản 2, 4), Điều 51 (điểm a, khoản 2) Nghị định 71/2019/NĐ-CP ngày 30/8/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 17/2022/NĐ-CP). Số lợi bất hợp pháp có được theo quy định trong lĩnh vực này là vật, tiền, giấy tờ có giá hoặc tài sản khác có được từ vi phạm hành chính mà cá nhân, tổ chức đó đã thực hiện. Việc xác định số lợi bất hợp pháp này phải tuân thủ theo qui định để tính số lợi bất hợp pháp thu được bằng tiền, số lợi bất hợp pháp thu được bằng giấy tờ có giá và số lợi bất hợp pháp là vật, tài sản khác. Số lợi bất hợp pháp này ở hầu hết các hành vi vi phạm buộc phải được nộp vào ngân sách Nhà nước.
2
Kiểm tra sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trong khai thác mỏ lộ thiên
Ở lĩnh vực điện lực, các hành vi vi phạm hành chính có biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp được quy định tại các Điều 10 (khoản 1, 3, 4), Điều 11 (khoản 5, 7, 9), Điều 12, Điều 14, Điều 15 (điểm a, e khoản 6), Điều 22, Điều 28 và Điều 31 Nghị định 134/2013/NĐ-CP ngày 13/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 17/2022/NĐ-CP). Những hành vi vi phạm các qui định về mua, bán buôn điện; vi phạm các qui định về bán lẻ điện; vi phạm các qui định về sử dụng điện (kể cả trộm cắp điện) và vi phạm các qui định về dán nhãn năng lượng và sử dụng năng lượng… nếu xác định được tổ chức, cá nhân bị chiếm đoạt thì số lợi bất hợp pháp này phải được hoàn trả lại cho tổ chức, cá nhân đó, bao gồm cả mọi chi phí phát sinh do hành vi vi phạm gây ra. Nếu không xác định được thì nộp vào ngân sách nhà nước. Các hành vi còn lại, số lợi bất hợp pháp này phải được nộp 100% vào ngân sách nhà nước. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính căn cứ hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước để xác định sản lượng điện trộm cắp và số lợi bất hợp pháp có được từ hành vi trộm cắp điện để trả lại cho tổ chức, cá nhân bị chiếm đoạt và cách thức tổ chức thực hiện, thi hành hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi trộm cắp điện.
3
Vận chuyển thiết bị của dự án điện gió tại huyện Krông Búk
Trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu và khí có 27 điều có qui định biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp đối với các hành vi như bán lẻ xăng dầu tại cơ sở không có giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu; kinh doanh xăng dầu mà không có giấy phép kinh doanh xăng dầu theo quy định; tự ý điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu không đúng thời điểm thương nhân đầu mối hoặc thương nhân phân phối xăng dầu quy định; mua hoặc bán xăng dầu với đối tượng ngoài hệ thống phân phối; vi phạm quy định về giao, nhận đại lý kinh doanh xăng dầu …. được quy định tại Nghị định 99/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 17/2022/NĐ-CP).
4
Tuân thủ pháp luật đối với việc kinh doanh mặt hàng có điều kiện trong hoạt động thương mại
Trong lĩnh vực thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, biện pháp khắc phục hậu quả được qui định khá chi tiết, có khoảng 10 hình thức. Trong đó có hình thức buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính hoặc buộc nộp lại số tiền bằng giá trị tang vật, phương tiện vi phạm đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật. Các hành vi vi phạm về kinh doanh theo giấy phép; kinh doanh dịch vụ thuộc danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh; sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, giao nhận hàng cấm; buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng; buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; vi phạm về đăng ký bán rượu có độ cồn từ 5,5 độ trở lên tiêu dùng tại chỗ, kinh doanh rượu có độ cồn dưới 5,5 độ và sản xuất rượu thủ công có độ cồn từ 5,5 độ trở lên bán cho cơ sở có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại; vi phạm về cung cấp dịch vụ liên tục; hành vi vi phạm về bảo vệ thông tin cá nhân trong hoạt động thương mại điện tử; vi phạm về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; hành vi về khuyến mại … khi bị xử phạt vi phạm hành chính thì có biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp.
                Từ những qui định nêu trên về xử phạt vi phạm hành chính ở lĩnh vực công thương có qui định biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp. Những người làm công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính ở lĩnh vực công thương, xin khuyến nghị một số nội dung:
                - Thứ nhất, tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh và cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực công thương, cần tìm hiểu, nắm bắt các quy định của pháp luật có liên quan để thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình trong suốt quá trình sản xuất, kinh doanh và cung cấp dịch vụ. Trong nhiều trường hợp vi phạm hành chính, ngoài biện pháp xử phạt chính, biện pháp khắc phục hậu quả được quy định bằng việc buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do hành vi vi phạm hành chính gây ra được xác định đôi khi lớn rất nhiều lần so với mức phạt (tiền) vi phạm hành chính đối với hành vi đó. Đối với số lợi bất hợp pháp này khi nộp vào ngân sách nhà nước hoặc hoàn trả lại cho bên bị thiệt hại thì không được hạch toán vào chí phí bán hàng, cung cấp dịch vụ của tổ chức, cá nhân.   
                - Thứ hai, cơ quan, người có thẩm quyền trong xử phạt vi phạm hành chính, cần tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn cho tổ chức, cá nhân biết các quy định của pháp luật, hiểu rõ các quy định về quyền và nghĩa vụ của mình để chấp hành cho đúng qui định. Đồng thời tăng cường công tác hậu kiểm, xem xét, áp dụng các phương pháp tính toán thu hồi số lợi bất hợp pháp này, trong từng trường hợp ở từng lĩnh vực cần tuân thủ đầy đủ quy định, không để thất thoát và xem xét đến các yếu tố khấu trừ chi phí hợp lý mà tổ chức, cá nhân vi phạm chứng minh tính hợp pháp, hợp lệ của các chi phí đó do tổ chức, cá nhân vi phạm cung cấp.
                - Thứ ba, trong lĩnh vực thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc xác định số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính. Tuân thủ phương pháp xác định số lợi bất hợp pháp là tiền; là giấy tờ có giá; là vật, tài sản khác; là số tiền phải nộp đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật. Trong đó cần lưu ý số lợi bất hợp pháp đối với vật, tài sản khác, phải xác định theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015./.

Tác giả: Nguyễn Ngọc Lâm - Thanh tra Sở Công Thương

Tổng số điểm của bài viết là: 18 trong 6 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây