Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân ở lĩnh vực công thương

Thứ tư - 30/08/2023 05:09
Quán triệt, triển khai kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân
Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân  ở lĩnh vực công thương
Quán triệt, triển khai kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội và các tổ chức hành nghề trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận pháp luật, đặc biệt là đối tượng đặc thù, trẻ em, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Xác định tiếp cận pháp luật không chỉ là quyền mà còn là trách nhiệm chủ động của mỗi người dân để bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, thực hiện nghĩa vụ của mình theo quy định pháp luật. Đây là quan điểm chỉ đạo được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 977/QĐ-TTg ngày 11/8/2022 về đề án "Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân".
Hội nghị sơ kết công tác ngành Công Thương 6 tháng đầu năm 2023
 Hội nghị sơ kết công tác ngành Công Thương 6 tháng đầu  năm 2023

Thực hiện chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về công thương, cụ thể về cơ khí; luyện kim; điện; năng lượng mới; năng lượng tái tạo; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; dầu khí; hoá chất; vật liệu nổ công nghiệp; công nghiệp khai thác mỏ và chế biến khoáng sản; công nghiệp tiêu dùng; công nghiệp thực phẩm; công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp môi trường; công nghiệp chế biến khác; tiểu thủ công nghiệp; khuyến công; hoạt động thương mại và lưu thông hàng hoá trên địa bàn; sản xuất và tiêu dùng bền vững; xuất khẩu, nhập khẩu; thương mại biên giới; dịch vụ logistics; xúc tiến thương mại; thương mại điện tử; dịch vụ thương mại; quản lý cạnh tranh; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; phòng vệ thương mại; hội nhập kinh tế quốc tế; quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn. Theo đó hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh ở các lĩnh vực này là rất nhiều, đòi hỏi công chức, viên chức của Sở phải nổ lực nghiên cứu, áp dụng và hướng dẫn cho doanh nghiệp, người dân thực hiện.
 Một trong những thông tin mà cơ quan nhà nước phải cung cấp rộng rãi, công khai cho người dân được biết theo qui định của Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 (điều 17) là văn bản quy phạm pháp luật; văn bản hành chính có giá trị áp dụng chung; điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là một bên; thủ tục hành chính, quy trình giải quyết công việc của cơ quan nhà nước. Trong những năm qua, Sở Công Thương đã tổ chức phổ biến, hướng dẫn, tập huấn, cung cấp nhiều văn bản qui phạm pháp luật, các hiệp định thương mại tự do (FTA), các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia chuyên ngành cho người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có liên quan đến hoạt động quản lý nhà nước của ngành một cách kịp thời và thường xuyên. Qua đó góp phần giúp cho doanh nghiệp, người dân nắm bắt được các quy định của pháp luật, hạn chế rủi ro về mặt pháp lý trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Phổ biến pháp luật chuyên ngành cho các doanh nghiệp năm 2023
 Phổ biến pháp luật chuyên ngành cho các doanh nghiệp năm 2023

Tuy nhiên để hình thành thói quen tìm hiểu, sử dụng và tuân theo pháp luật của người dân, doanh nghiệp thì cơ quan và các đơn vị thuộc Sở phải bảo đảm các điều kiện để thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận pháp luật. Bên cạnh đó các tổ chức, đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Công đoàn ngành Công Thương, Hội Cơ khí tỉnh, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh và các phòng, đơn vị trực thuộc Sở theo chức trách, nhiệm vụ được giao cần phát huy trách nhiệm xã hội trong việc hỗ trợ thông tin pháp luật, tư vấn pháp luật cho người dân, doanh nghiệp ở lĩnh vực hoạt động của mình một cách kịp thời và hiệu quả. Với mong muốn các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước ở lĩnh vực công thương được người dân, doanh nghiệp tiếp cận, nắm bắt và tuân thủ trong quá trình sản xuất, kinh doanh, cũng như việc triển khai kịp thời và có hiệu quả những nội dung của đề án, cần làm tốt một số nhiệm vụ để góp phần thực hiện có hiệu quả dề án "Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân" ở lĩnh vực công thương, như sau:
Tuyên truyền, phổ biến pháp luật được thực hiện dưới nhiều hình thức
Tuyên truyền, phổ biến pháp luật được thực hiện dưới nhiều hình thức

          Thứ nhất, phối hợp rà soát, nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện chính sách, thể chế bảo đảm, hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật: Các phòng và đơn vị thuộc Sở chủ động rà soát, nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện các quy định pháp luật về phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở (việc tổ chức đối thoại với người dân, doanh nghiệp trong phạm vi quản lý nhà nước của Ngành), chuẩn tiếp cận pháp luật, tiếp cận thông tin để đổi mới nội dung, phương thức thực hiện theo hướng Nhà nước thiết lập các điều kiện cần thiết cho người dân chủ động tiếp cận thông tin pháp luật.
Thứ hai, tuyên truyền, phổ biến bằng các hình thức phù hợp về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của pháp luật đối với đời sống xã hội; sự cần thiết của việc chủ động nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật của người dân: xác định nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là việc làm thường xuyên, liên tục của những người làm công tác báo cáo viên pháp luật và công chức, viên chức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình. Việc tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn này được xem là nhiệm vụ gắn liền với việc thực thi công vụ, thông qua nhiều hình thức như lồng ghép trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; công tác xử lý vi phạm hành chính; công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật; công tác tiếp nhận, trả kết quả khi giải quyết các thủ tục hành chính và thông qua hoạt động của người phát ngôn của cơ quan nhà nước.
Thứ ba, cung cấp, hướng dẫn các kiến thức, kỹ năng tìm hiểu, khai thác pháp luật bằng các hình thức phù hợp: Tăng cường việc cung cấp thông tin, mở các chuyên mục về phổ biến, hướng dẫn thực hiện các qui định của pháp luật, giới thiệu các hiệp định thương mại tự do (FTA) trên Trang thông tin điện tử của Sở và một số nền tảng mạng xã hội; chủ động phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Đắk Lắk thực hiện chương trình Truyền hình Công Thương, chương trình “Dân hỏi - Thủ trưởng cơ quan hành chính trả lời” nhằm cung cấp thông tin pháp luật chuyên ngành để người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, khai thác phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu hàng hóa. Sở và các đơn vị trực thuộc chủ động bố trí nguồn lực, đầu tư cho các chương trình, đề án, nhiệm vụ về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm bảo đảm việc cung cấp thông tin pháp luật cho người dân được đầy đủ, kịp thời, nhanh chóng và thuận lợi.
Kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ
Kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ

Thứ tư, nâng cao năng lực, trách nhiệm của các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc Sở: Nâng cao nhận thức, thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ được giao của các phòng chuyên môn, đơn vị có trách nhiệm thi hành pháp luật, tăng cường hoạt động tự giám sát, tự kiểm tra quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Thực hiện đầy đủ trách nhiệm cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật, tăng cường hiệu quả cung cấp thông tin theo yêu cầu. Bên cạnh đó cần tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Sở, đơn vị bảo đảm, hỗ trợ việc tiếp cận pháp luật, đặc biệt trong hoạt động giải quyết các công việc liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp. Thường xuyên rà soát, kiện toàn nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên pháp luật có kiến thức pháp luật chuyên ngành, có kỹ năng hỗ trợ thông tin pháp luật, để thực hiện phổ biến giáo dục pháp luật và tư vấn, trợ giúp pháp lý phù hợp với từng đối tượng ở lĩnh vực thương mại và công nghiệp. 
Việc bảo đảm điều kiện, hướng dẫn, hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận các thông tin pháp luật liên quan đến lĩnh vực quản lý Nhà nước của ngành Công Thương là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Việc chủ động, tích cực kết hợp thực hiện việc phổ biến, hướng dẫn pháp luật thông qua các hoạt động chuyên môn, thực thi nhiệm vụ là trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và các tổ chức đoàn thể có liên quan... Do vậy, những chủ thể này cần phát huy và tăng cường hơn nữa năng lực phản ứng chính sách trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật, nhất là trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp. Thường xuyên lắng nghe, đối thoại với doanh nghiệp, người dân về vướng mắc, bất cập trong thực thi chính sách, pháp luật chuyên ngành để có cách tiếp cận và hướng dẫn cho người dân, doanh nghiệp chủ động hơn trong việc tiếp cận, nắm bắt các quy định của pháp luật để phục vụ cho quá trình sản xuất, kinh doanh./.

Tác giả: Ngọc Lâm - Thanh tra Sở

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây