Sở Công Thương Đắk Lắkhttps://socongthuong.daklak.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ tư - 12/04/2023 05:28
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 cũng như thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Đắk Lắk về thực hiện nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 và hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 của Chính phủ. Năm 2020 và 2021, Sở Công Thương đã tiến hành cắt giảm 142 đơn vị so với kế hoạch được phê duyệt, nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Cũng trong thời gian này, tình hình vi phạm các qui định của pháp luật trong lĩnh vực quản lý Nhà nước của ngành Công Thương ở lĩnh vực điện lực, an toàn thực phẩm, bán hàng đa cấp, khuyến mại, khí dầu mỏ hóa lỏng, xăng dầu, … được phát hiện và xử lý kịp thời. Kết quả đã phát hiện 57 vụ vi phạm hành chính và đã ban hành 55 quyết định xử phạt theo thẩm quyền và tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh ban hành 2 quyết định xử phạt. Các quyết định xử phạt vi phạm hành chính đều được 100% tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm túc chấp hành thực hiện và đã nộp vào ngân sách Nhà nước với số tiền 735.930.870 đồng, không phát sinh việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Mức độ tuân thủ pháp luật của tổ chức và cá nhân ở lĩnh vực công thương chấp hành tương đối tốt, các trường hợp xử lý nêu trên chỉ là mang tính cá biệt, có trường hợp chưa nắm bắt được với các quy định của pháp luật nên vi phạm, không phải là các trường hợp cố tình vi phạm pháp luật. Việc thi hành pháp luật có tác động tích cực đối với đời sống kinh tế, xã hội, mức độ tuân thủ pháp luật của tổ chức và cá nhân đã có sự chuyển biến tích cực, không có các hành vi vi phạm hành chính mang tính tái phạm. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại tình trạng một số cá nhân, tổ chức chưa tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật về ngành nghề sản xuất, kinh doanh có điều kiện như ở lĩnh vực hóa chất, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, an toàn trong khai thác mỏ lộ thiên, kinh doanh khí, kinh doanh xăng dầu, hoạt động bán hàng đa cấp, sử dụng điện và việc chấp hành nghĩa vụ của doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh ở lĩnh vực khuyến mại... Sau khi được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, phát hiện, xử lý, hướng dẫn, nhắc nhở, thì hầu hết các cá nhân, tổ chức vi phạm đã khắc phục và chấp hành đúng theo quy định.
Việc tuân thủ pháp luật về xử lý vi phạm hành chính được thực hiện kịp thời, đầy đủ và chính xác, thống nhất trong hướng dẫn và trong áp dụng pháp luật về xử lý vi phạm hành chính của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Các hành vi vi phạm hành chính được phát hiện và xử lý kịp thời, đúng về trình tự, thủ tục, thẩm quyền trong xử phạt vi phạm hành chính. Tuân thủ đầy đủ quy định về nguyên tắc trong thực hiện, áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ; áp dụng và thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính theo qui định.
Cũng trong giai đoạn này, việc phổ biến, tuyên truyền và hướng dẫn các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính luôn được quan tâm thực hiện, như thường xuyên tuyên truyền trên Trang thông tin điện tử dưới nhiều hình thức như viết tin bài, chuyên mục hỏi đáp pháp luật…, cụ thể đã tuyên truyền, phổ biến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (Luật số 64/2020/QH14), Nghị định số 19/2020/NĐ-CP ngày 12/02/2020, Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ và các văn bản pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực có liên quan nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của công chức trong thực thi công vụ cũng như việc chấp hành pháp luật của tổ chức cá nhân trong hoạt động sản xuất kinh trong thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Ngành./.
Tác giả: Tin: Nguyễn Ngọc Lâm - Thanh tra Sở.