Ngay từ đầu năm ngành Công Thương đã xây dựng kế hoạch và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nhằm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao. Kết quả năm 2023, cơ bản đã hoàn thành các chỉ tiêu được giao, góp phần trong việc hoàn thành nhiệm vụ của năm, công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng, tiêu cực cũng đạt được kết quả đáng khích lệ. Đối với công tác thanh tra, kiểm tra đã thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, trong năm đã triển khai 14 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành theo kế hoạch đối với 75 đơn vị, qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện 26 tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính ở một số lĩnh vực như hoá chất, xăng dầu, an toàn thực phẩm, điện lực, tài nguyên nước và khoáng sản... Đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 26 trường hợp vi phạm với số tiền hơn 500 triệu đồng nộp vào ngân sách nhà nước.
Mặc dù số lượt công dân đến kiến nghị phản ánh, khiếu nại, tố cáo phát sinh không nhiều so với các năm trước, nhưng công tác tiếp dân, tiếp nhận đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo luôn được quan tâm, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc tiếp công dân được trang bị đầy đủ, cán bộ được phân công làm công tác tiếp dân có kiến thức chuyên ngành, có trách nhiệm, chu đáo khi tiếp dân. Các quy định, quy trình, lịch tiếp công dân được niêm yết công khai, rõ ràng tại nơi tiếp công dân và được đăng tải trên trang thông tin điện tử. Công tác tiếp nhận đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng đã xử lý theo thẩm quyền, đúng qui định của pháp luật và đảm bảo thời gian giải quyết, với phương châm là giải quyết tại cơ sở, không để phát sinh khiếu nại, tố cáo vượt cấp, góp phần ổn định an ninh trật tự. Trong kỳ đã tiếp nhận 07 đơn/07 vụ việc tố cáo, khiếu nại và kiến nghị, phản ánh, trong đó có 01 đơn/01 vụ việc khiếu nại đủ điều kiện xử lý và đã giải quyết dứt điểm; 06 đơn/06 vụ việc tố cáo, kiến nghị, phản ánh không thuộc thẩm quyền giải quyết và không đủ điều kiện xử lý, đã chuyển đơn đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết.
Nhìn chung, trong năm 2023 Ngành Công Thương đã thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 18/5 2012 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chính và nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và Quy định số 11- QĐ/TW ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân.
Đối với công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Ngành Công Thương cũng đã tập trung triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng, Nghị định số 134/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ và Kế hoạch của UBND tỉnh về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về phòng chống tham nhũng, tiêu cực cũng như thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Trong năm 2023, đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo, điều hành về công tác này, đồng thời cũng đã tổ chức thực hiện theo dõi tình hình thi hành pháp luật về phòng chống tham nhũng tại một đơn vị trực thuộc, hướng dẫn và tổ chức lập danh sách những người có nghĩa vụ kê khai tài sản theo qui định,… chấp hành nghiêm túc việc báo cáo đánh giá công tác phòng chống tham nhũng, báo cáo kết quả thực hiện chỉ số kiểm soát tham nhũng (B2), báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ,... phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy và UBND tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.