Công Thương Đắk Lắk: Một năm nhìn lại công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật và giải pháp thực hiện trong thời gian đến 

Thứ hai - 09/01/2023 03:26
Ngay từ đầu năm 2022, triển khai kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật của UBND tỉnh Đắk Lắk, ngành Công Thương đã kịp thời ban hành kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật để triển khai thực hiện trong toàn Ngành. Qua đó đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng phòng, đơn vị để sớm chủ động xây dựng phương án, bố trí công chức, đảm bảo các điều kiện cần thiết và tổ chức thực hiện theo từng lĩnh vực được giao trong quy chế làm việc. 
Kiểm tra, giám sát hoạt động phát điện tại Nhà máy thủy điện Ea M’Đoan3
Kiểm tra, giám sát hoạt động phát điện tại Nhà máy thủy điện Ea M’Đoan3
Việc chủ động thực hiện nhiệm vụ về theo dõi thi hành pháp luật có tác động tích cực, qua đó giúp cho phòng chuyên môn, đơn vị được giao nhiệm vụ có phương án, giải pháp kịp thời, đồng bộ để thực hiện các nội dung về theo dõi thi hành pháp luật. Là cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, có chức năng tham mưu quản lý nhà nước trong lĩnh vực công thương, trong năm qua Sở Công Thương đã tham mưu trình UBND tỉnh ban hành 03 văn bản qui phạm pháp luật qui định về chức năng, nhiệm vụ; sửa đổi, bổ sung một số qui định về thời gian bán hàng, quản lý thương nhân trong hoạt động kinh doanh xăng dầu và hoạt động xúc tiến thương mại. Việc xây dựng các văn bản qui phạm pháp luật này đã tuân thủ chặt chẽ quy trình, qui định của Luật ban hành văn bản qui phạm pháp luật và được tổ chức lấy ý kiến các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản cũng như các cơ quan, tổ chức có liên quan, đồng thời được đăng tải toàn văn trên cổng thông tin điện tử của tỉnh đảm bảo thời gian qui định để các cơ quan, tổ chức, cá nhân góp ý kiến. Đối với nội dung đảm bảo điều kiện cho thi hành pháp luật, Sở đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho phòng, đơn vị liên quan trong việc bố trí công chức có đủ năng lực, trình độ để thực hiện nhiệm vụ và được ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí hoạt động từ nguồn chi thường xuyên hàng năm.
1
Kiểm tra hoạt động kinh doanh xăng dầu
Đánh giá việc tuân thủ pháp luật của các chủ thể trong công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật có thể được phân thành 2 nhóm chủ thể. Thứ nhất, đó là nhóm chủ thể về cơ quan quản lý nhà nước và người có thẩm quyền trong việc tuân thủ pháp luật về thanh tra, kiểm tra đó là việc tổ chức xây dựng kế hoạch và ra quyết định thực hiện. Kết quả là trong năm 2022, đã triển khai 17 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 92 đơn vị (trong đó có 07 cuộc thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch với 29 đơn vị; 08 cuộc kiểm tra theo kế hoạch đối với 39 đơn vị và 02 cuộc kiểm tra đột xuất, kiểm tra giám sát đối với 24 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu). Đồng thời cũng tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành làm việc để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại khu, cụm công nghiệp; đoàn kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu và các đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán, Tháng hành động vì an toàn thực phẩm và Tết Trung thu… Nhóm chủ thể thứ hai là tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công thương, đây là nhóm chủ thể tuân thủ pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhất là đối với nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện, phải thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình trong suốt quá trình hoạt động. Tuy nhiên trong quá trình thanh tra, kiểm tra đã phát hiện một số trường hợp chưa chấp hành đầy đủ các qui định của pháp luật và đã bị cơ quan, người có thẩm quyền ban hành 31 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 31 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền 478 triệu đồng, trong đó bao gồm cả việc tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 02 trường hợp vi phạm về an toàn điện và bán hàng đa cấp. 
Nhận xét chung về nhóm chủ thể thứ nhất có thể thấy, việc tuân thủ pháp luật đã kịp thời, đầy đủ và chính xác, thống nhất trong hướng dẫn áp dụng pháp luật và trong áp dụng pháp luật của cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền. Việc thi hành pháp luật qua công tác thanh tra đối với cơ quan và người có thẩm quyền đã tuân thủ theo quy định của pháp luật về thanh tra từ việc xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, rà soát tránh chồng chéo, trùng lắp về nội dung đến ban hành quyết định thanh tra, xây dựng kế hoạch tiến hành thanh tra và ban hành kết luật thanh tra. Các hành vi vi phạm hành chính được phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra, đã được người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật trong thực thi nhiệm vụ được giao, việc xử lý vi phạm hành chính đúng về trình tự, thủ tục, thẩm quyền trong xử phạt vi phạm hành chính. Qua đó nhằm tăng tính răn đe, tính nghiêm minh của pháp luật, tạo môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 
Mức độ tuân thủ pháp luật của tổ chức và cá nhân ở lĩnh vực công thương chấp hành tương đối tốt, các trường hợp xử lý nêu trên chỉ là mang tính cá biệt, có trường hợp chưa nắm bắt được với các quy định của pháp luật nên vi phạm, không phải là các trường hợp cố tình vi phạm pháp luật. Việc thi hành pháp luật có tác động tích cực đối với đời sống kinh tế, xã hội, mức độ tuân thủ pháp luật của tổ chức và cá nhân đã có sự chuyển biến tích cực, không có các hành vi vi phạm hành chính mang tính tái phạm. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại tình trạng một số cá nhân, tổ chức chưa tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật về ngành nghề sản xuất, kinh doanh có điều kiện như ở lĩnh vực hóa chất, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, an toàn trong khai thác mỏ lộ thiên, kinh doanh khí, kinh doanh xăng dầu, hoạt động bán hàng đa cấp, sử dụng điện và việc chấp hành nghĩa vụ của doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh ở lĩnh vực khuyến mại. Sau khi được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, phát hiện, xử lý, hướng dẫn, nhắc nhở, thì hầu hết các cá nhân, tổ chức vi phạm đã khắc phục và chấp hành đúng theo quy định. 
2
Hoạt động điện lực cũng là lĩnh vực trọng tâm trong TDTHPL năm 2022
Ngoài ra, công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong năm qua còn được thực hiện ở một số nhiệm vụ trọng tâm, đó là việc theo dõi tình hình thi hành pháp luật về an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, qua đó đã có báo cáo về thuận lợi cũng như khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi Luật An toàn thực phẩm và các văn bản hướng dẫn tại địa phương để kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương có giải pháp sửa đổi, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn. Bên cạnh đó, Ngành cũng đã tổ chức tổng kết 10 năm công tác theo dõi thi hành pháp luật thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Ngành và tổ chức kiểm tra việc thi hành pháp luật ở lĩnh vực kinh doanh xăng dầu và lĩnh vực điện lực, cũng như tình hình sử dụng điện, an toàn điện trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân. Đã tổ chức đối thoại, gặp gỡ với các thương nhân kinh doanh xăng dầu và một số đại lý bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh, qua đó đã khuyến nghị, đề xuất để tổ chức thực hiện nội dung này ngày càng tốt hơn trong bối cảnh lĩnh vực xăng dầu có nhiều biến động trong thời gian qua. 
Công tác tuyên truyền, tập huấn, phổ biến pháp luật dưới nhiều hình thức đã giúp các cơ quan, tổ chức, công dân nâng cao nhận thức, góp phần nâng cao ý thức chấp hành, thực thi pháp luật và hạn chế, giảm dần các hành vi vi phạm pháp luật của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Có thể kể đến các lớp tập huấn về qui định pháp luật trong kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, lớp tập huấn về kiểm tra viên điện lực và lớp tập huấn về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đã thu hút gần 500 lượt người tham dự. Bên cạnh đó việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, phổ biến đã được các phòng, đơn vị áp dụng triệt để như sử dụng mạng xã hội zalo, facebook… và trang thông tin điện tử của Ngành cũng đã mở các chuyên mục, giới thiệu các bài viết hướng dẫn, phổ biến các qui định của pháp luật có liên quan như hỏi đáp về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, hướng dẫn sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, an toàn điện ... Đội ngũ cán bộ, công chức của Ngành đã có nhiệu nỗ lực trong công tác hướng dẫn, tuyên truyền các quy định của pháp luật có liên quan đến hoạt động, sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công thương, qua đó hình thành ý thức tuân thủ pháp luật của tổ chức và cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh ở lĩnh vực này. Do vẫn hạn chế về kinh phí nên việc phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn vẫn chưa được rộng khắp, chưa hướng đến nhiều đối tượng có liên quan, nhất là các đối tượng ở cơ sở. Bên cạnh đó đã có nhiều văn bản hướng dẫn chi tiết quy định của pháp luật được ban hành, nhưng ở một số lĩnh vực chưa cụ thể, chưa phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, nên còn khó khăn vướng mắc trong việc tổ chức thực hiện. 
    Những kết quả đạt được trong năm qua là sự nổ lực lớn của toàn Ngành, đó là nguồn động viên, khích lệ cho những người làm công tác theo dõi thi hành pháp luật, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn. Để công tác này thật sự có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, chúng ta cần tập trung làm tốt một số nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng phòng, đơn vị thuộc Sở tổ chức rà soát lại các văn bản qui phạm pháp luật đã tham mưu cho UBND, HĐND tỉnh ban hành trong thời gian qua trong lĩnh vực công thương, qua đó xem xét các văn bản quy phạm pháp luật này có thống nhất, đồng bộ, khả thi trong thực tế hay có nhiều mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp để kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới. Đồng thời xem xét các văn bản qui phạm pháp luật của Trung ương có yêu cầu địa phương hướng dẫn hoặc quy định chi tiết thi hành thì chủ động phối hợp với các ngành có liên quan xây dựng và tham mưu cho UBND, HĐND tỉnh ban hành theo thẩm quyền. Đây chính là thực tiễn quan trọng để bảo đảm việc gắn kết giữa xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật.
Thứ hai, tăng cường, bảo đảm các điều kiện cho thi hành pháp luật như về tổ chức bộ máy, biên chế và kinh phí thực hiện. Hiện nay, công tác theo dõi thi hành pháp luật tại Sở chưa có tổ chức bộ máy riêng để thực hiện mà được giao kiêm nhiệm, sau khi sắp xếp lại phòng Pháp chế (theo Nghị định 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế) nên gặp rất nhiều khó khăn về tổ chức thực hiện. Do đó, cần bố trí, sắp xếp bảo đảm có công chức chuyên trách về tổ chức thi hành pháp luật, đồng thời xem xét đảm bảo các điều kiện về phương tiện, trang thiết bị phục vụ cho nhiệm vụ này cũng như bố trí kinh phi đảm bảo cho các hoạt động theo dõi thi hành pháp luật.
Thứ ba, làm tốt hơn nữa công tác đối thoại với doanh nghiệp, người dân về những vướng mắc, bất cập trong thực thi chính sách, pháp luật chuyên ngành công thương để có cách hướng dẫn cho người dân, doanh nghiệp chủ động hơn trong việc tiếp cận, nắm bắt các quy định của pháp luật, phục vụ cho quá trình sản xuất, kinh doanh. Chú trọng việc tiếp nhận, xử lý phản ảnh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là khi tiếp nhận rồi phải thực hiện xử lý kịp thời, có trách nhiệm và đúng qui định pháp luật.  
Thứ tư, việc phổ biến, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước phải được chú trọng và tăng cường, nhất là các qui định pháp luật có liên quan đến ngành, để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, ý thức tự giác tìm hiểu pháp luật và tuân thủ pháp luật của tổ chức và cá nhân có liên quan. Đồng thời củng cố, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên pháp luật của Sở, để mỗi mỗi lĩnh vực quản lý nhà nước của Sở đều có báo cáo viên pháp luật, đây cũng chính là việc tăng cường nguồn lực về con người cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Thứ năm, tổ chức thực hiện đầy đủ các nội dung về theo dõi thi hành pháp luật theo qui định tại Nghị định số 59/2012/NĐ-CP và Nghị định số 32/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Qua đó yêu cầu đơn vị, phòng và người được giao nhiệm vụ phải tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc trong theo dõi thi hành pháp luật phải khách quan, công khai, minh bạch; thường xuyên, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm; bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức trong quá trình theo dõi tình hình thi hành pháp luật; không trùng lắp, chồng chéo với các hoạt động thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan nhà nước đã được pháp luật quy định. Bên cạnh đó cần huy động sự tham gia của các tổ chức đoàn thể và người lao động trong toàn ngành về công tác này./.

Tác giả: Nguyễn Ngọc Lâm - Chánh Thanh tra Sở Công Thương

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Hoi dap
Idesk
Email
Chuyen doi so
ISO
LICH TIEP CONG DAN
Code Buy Transfer Sell
AUD 16,121.66 16,284.50 16,820.26
CAD 18,077.48 18,260.08 18,860.83
CNY 3,423.46 3,458.04 3,572.35
EUR 26,475.36 26,742.79 27,949.19
GBP 30,873.52 31,185.37 32,211.36
HKD 3,153.19 3,185.04 3,289.82
JPY 156.74 158.32 166.02
SGD 18,143.91 18,327.18 18,930.14
USD 25,088.00 25,118.00 25,458.00
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây