Đến nay, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Quyết định công nhận 72 sản phẩm OCOP (08 sản phẩm đạt 4 sao, 64 sản phẩm đạt 3 sao). Các sản phẩm đạt 4 sao đều có tiềm năng để hoàn thiện, chuẩn hóa các tiêu chí để nâng cấp chất lượng đạt chuẩn 5 sao (cấp quốc gia) để tham gia vào thị trường quốc tế, như Cà phê, Ca Cao, Mắc Ca,....
Chương trình OCOP tỉnh Đắk Lắk đã có những bước đi căn bản, định hình rõ hơn về giải pháp phát triển kinh tế khu vực nông thôn. Nguồn lực tại địa phương/cộng đồng (tri thức, văn hóa truyền thống, tài nguyên thiên nhiên, đặc sản vùng/miền/địa phương,...) được xác định là rất lớn. Thêm vào đó, xu hướng tiêu dùng trong những năm gần đây đã có sự thay đổi lớn (phương thức/cách thức, hành vi), người tiêu dùng cần nhiều hơn các giá trị đem lại từ sản phẩm. Cần thiết phải khơi dậy sáng tạo cộng đồng, tập trung phát huy thế mạnh địa phương, hình thành các vùng/tiểu vùng kinh tế liên kết tập trung, dựa trên nền tảng sản xuất hiện có, tạo ra vùng sản xuất quy mô vừa và lớn. Đồng thời, phục hồi, duy trì, phát triển ngành nghề - văn hóa truyền thống giàu bản sắc tạo ra sản phẩm OCOP gắn với du lịch theo hướng “Nền du lịch thứ ba”. Tuy nhiên còn có những khó khăn thách thức, các doanh nghiệp còn hạn chế trong việc tiếp cận công nghệ số và kết nối giao thương trực tuyến, bán hàng qua sàn thương mại điện tử của các chủ thể OCOP chưa chuyên nghiệp, các điểm có tiềm năng khai thác du lịch hầu như cách xa khu trung tâm, thời gian di chuyển quá lâu trong khi loại hình dịch vụ đơn điệu, chưa có sự kết nối các điểm, khu du lịch thật đặc sắc để giữ chân du khách ở lại, ...
Sản phẩm OCOP phần lớn là những sản phẩm có quy mô nhỏ, ở cấp độ làng, xã, do đó khi tham gia vào OCOP, đòi hỏi sự chuyển đổi từ các kênh tiêu thụ truyền thống sang các kênh bán hàng hiện đại với các sản phẩm được đóng gói có bao bì, mẫu mã theo quy chuẩn, nên cần có thời gian thích ứng và mở rộng thị trường, ... Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thiếu kiến thức về kinh tế thị trường và phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị, phần lớn làm theo kinh nghiệm; Do dịch Covid 19 diễn biến phức tạp khó lường nên tác động đến giá cả, mua bán trao đổi, xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh. Giá cả vật tư nông nghiệp, nguyên liệu xăng, dầu tăng liên tục, giá cước vận chuyển tiếp tục tăng do đó việc đầu tư của các doanh nghiệp, hợp tác xã hạn chế dẫn đến năng suất, sản lượng có xu thế giảm.
Để phát triển các sản phẩm OCOP của địa phương cần có những định hướng như sau:
Trong những năm tới tiếp tục duy trì, củng cố, nâng cấp chất lượng cho 72 sản phẩm đã được cấp chứng nhận OCOP (08 sản phẩm đạt 04 sao và 64 sản phẩm đạt 03 sao); phấn đấu mỗi năm có khoảng 50 sản phẩm đạt sao OCOP cấp tỉnh, đến năm 2025 nâng cấp, chuẩn hóa, hoàn thiện khoảng 200 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, có ít nhất 03 sản phẩm đạt 5 sao OCOP quốc gia, đồng thời tăng cường ứng dụng các giải pháp số (công nghệ 4.0) trong sản xuất, thương mại sản phẩm, ứng dụng khoa học kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực cho OCOP và bán hàng.
Một số yêu cầu thực tiễn đặt ra đối với đóng góp Chương trình OCOP trong xây dựng nông thôn mới phát triển sản xuất nông nghiệp hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng, ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững, trong đó, chú trọng khai thác được lợi thế của mỗi địa phương; bảo vệ môi trường và xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp; Phát triển giáo dục, y tế, văn hóa cơ sở và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển kinh tế du lịch nông thôn. Đến năm 2030 phát triển hoạt động xây dựng sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP tiềm năng của tỉnh thành các sản phẩm thương hiệu quốc gia, trong đó: Phấn đấu mỗi năm có khoảng 50 sản phẩm đạt sao OCOP cấp tỉnh, tổng số sản phẩm đánh giá, phân hạng OCOP cấp tỉnh trong giai đoạn 2026-2030 là: 250 sản phẩm, hàng năm có khoảng 05 - 06 sản phẩm đạt OCOP 5 sao cấp Quốc gia.
Để đạt được mục tiêu đề ra, cần có một số giải pháp thực hiện nhằm phát triển các sản phẩm của địa phương, tổ chức đoàn công tác giao dịch thương mại, kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm nông sản giữa Đắk Lắk và các tỉnh trên cả nước, giới thiệu, kết nối được một số nhà phân phối hàng hóa cho nông sản Đắk Lắk, lồng ghép hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP trong các Hội nghị triển khai, tổng kết các chương trình, hoạt động chuyên ngành của các lĩnh vực khoa học, kết nối, ký kết hợp tác... Sử dụng sản phẩm OCOP làm quà tặng trong các buổi lễ ký kết, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm giữa các tỉnh thành trong cả nước.
Thường xuyên tham gia giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP tại Hội chợ, triển lãm, các chuỗi sự kiện phát triển du lịch, các buổi tọa đàm, hội thảo khoa học, như: tham gia trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP tại Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam; Đây là cơ hội lý tưởng để các doanh nghiệp, Hợp tác xã, hộ sản xuất sản phẩm OCOP tỉnh Đắk Lắk kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời cũng là hoạt động thiết thực hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh sau thời gian dài phòng, chống dịch bệnh. Và cũng là một trong những hoạt động nhằm đẩy mạnh việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và ổn định kinh tế - xã hội, giúp chủ thể OCOP tỉnh Đắk Lắk thích ứng trạng thái bình thường mới trong tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài.
Trong thời gian tới, đặc biệt khi các sản phẩm OCOP tỉnh Đắk Lắk sẽ ban hành các quy định, nội dung, mức hỗ trợ Chương trình OCOP từ nguồn ngân sách Trung ương và địa phương như chi: triển khai chu trình OCOP thường niên, thuê đơn vị tư vấn, hỗ trợ thiết kế bao bì, nhãn mác và mua bao bì, nhãn mác, hỗ trợ xây dựng, nâng cấp điểm bán hàng, Trung tâm OCOP và phòng trưng bày để giới thiệu quảng bá sản phẩm, hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá mở rộng thị trường, hỗ trợ quản lý, chất lượng, bảo hộ thương hiệu, chi thưởng cho các sản phẩm đạt sao OCOP...trước mắt, hỗ trợ các sản phẩm đạt 3 sao trở lên tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh.
“Mỗi xã một sản phẩm - OCOP” là một chương trình lớn, mà thành quả nó mang lại sẽ góp phần cùng với Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tạo nên diện mạo mới về chất cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Với mục tiêu, sản phẩm OCOP mang dấu ấn địa phương nhưng được gia tăng giá trị lên tầm quốc gia và toàn cầu. Do đó, việc xây dựng và triển khai OCOP gắn với Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đang và sẽ đặt ra cho Đắk Lắk nhiều thuận lợi xen lẫn thách thức. Bản chất và nguyên tắc của Chương trình OCOP là một quá trình sáng tạo không ngừng, luôn có sản phẩm mới và giá trị mới được tạo ra, theo tư duy ngày càng tốt hơn.
Trước mắt, tỉnh sẽ đẩy mạnh 4 hoạt động, đầu tiên là xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, kích cầu tiêu dùng sản phẩm OCOP. Trong các chương trình xúc tiến thương mại, việc kích cầu tiêu dùng sản phẩm OCOP xuất hiện ở nhiều hoạt động khác nhau như lồng vào Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; hỗ trợ tham gia các hội chợ triển lãm thương mại trên toàn quốc; các Hội nghị kết nối cung cầu quy mô vùng và quốc gia; chương trình đưa hàng Việt về nông thôn; chương trình đưa hàng Việt vào hệ thống phân phối trong và ngoài nước…
Bên cạnh đó là đẩy mạnh công tác truyền thông, các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xây dựng hình ảnh, thương hiệu nhằm đẩy mạnh tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, sản phẩm công nghiệp nông thôn, phát triển làng nghề, cải thiện và nâng cao đời sống cho bà con nông dân. Đồng thời, còn tạo ra các không gian, môi trường thuận lợi kết nối người sản xuất và người phân phối, đáp ứng được những khát khao của các chủ thể, các nhà sản xuất OCOP. Qua đó các nhà phân phối sẽ chia sẻ những tín hiệu thị trường, giới thiệu những tiêu chuẩn kinh tế và kỹ thuật để sản phẩm OCOP có thể xuất hiện đứng vững trên thị trường tiêu thụ.