Trước thông tin về việc Tổng cục Hải quan Trung Quốc vừa kết thúc việc kiểm tra các mã cơ sở đóng gói, mã số vùng trồng sầu riêng Việt Nam chuẩn bị xuất khẩu sang thị trường này, và Trung Quốc không công nhận mã cơ sở đóng gói, mã số vùng trồng đã được phía Cục Bảo vệ thực vật tổng hợp, gửi danh sách trước đó.
Liên quan đến vấn đề này, tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn diễn ra chiều ngày 5/9, ông Huỳnh Tấn Đạt – Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) – cho hay, giữa tháng 7/2022, Việt Nam và Trung Quốc đã chính thức ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường này.
Giữa tháng 7/2022, Việt Nam và Trung Quốc đã chính thức ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường này.
Theo quy định, tất cả các vùng trồng, cũng như các cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, phải được đăng ký với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và được cả Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt.
Trước khi lô hàng đầu tiên xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam gửi cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc danh sách vườn trồng và cơ sở đóng gói đã đăng ký để phê duyệt và danh sách này sẽ cập nhật thường xuyên. Danh sách này sẽ được đăng trên website của Tổng cục Hải quan Trung Quốc….
Trên cơ sở đó, phía Trung Quốc đề nghị phía Việt Nam hoàn thiện hồ sơ đăng ký mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để kiểm tra đánh giá tại các cơ sở này.
Để triển khai công việc này, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã giao Cục Bảo vệ thực vật triển khai các nội dung liên quan. Trong đó, Cục Bảo vệ thực vật đã triển khai nhiều nội dung như tập huấn các cơ sở đóng gói, mã số vùng trồng trên cả nước để các cơ sở này đối chiếu quy định, điều kiện và đăng ký với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Ông Huỳnh Tấn Đạt cho hay, hiện, Cục Bảo vệ thực vật đã tổng hợp và gửi 57 cơ sở đóng gói, 127 mã số vùng trồng sầu riêng cho Hải quan Trung Quốc. Các cơ sở đóng gói và mã số vùng trồng này nằm ở tỉnh như Tiền Giang, khu vực Tây Nguyên, Lâm Đồng. Đồng thời, Cục Bảo vệ thực vật cũng tổ chức tập huấn tại cho hai vùng trồng tại Tiền Giang, Đắk Lắk để doanh nghiệp xuất khẩu hiểu rõ về điều kiện kiểm dịch, an toàn thực phẩm, đồng thời nâng cao nhận thức cũng như tuân thủ đầy đủ các điều kiện này.
Ngày 12/8, Cục Bảo vệ thực vật phối hợp với Tổng cục Hải quan Trung Quốc tổ chức 3 tổ kiểm tra khai trực tiếp 29 cơ sở đóng gói, 106 mã số vùng trồng. Đến ngày 26/8 vừa qua, kết thúc đợt 1 kiểm tra trên.
Theo ông Huỳnh Tấn Đạt, về sơ bộ, phía Trung Quốc đánh giá cao về công tác tổ chức, kiểm tra đánh giá của Việt Nam. Tuy nhiên, đến thời điểm này, phía Trung Quốc chưa có kết luận chính thức mà giao Hải quan Nam Ninh (Trung Quốc) xây dựng báo cáo kết quả đánh giá của Việt Nam trong thời gian vừa rồi.
Từ thời điểm ngày 26/8 đến nay, phía Hải quan Nam Ninh và Việt Nam tiếp tục trao đổi về các thông tin cũng như những vấn đề còn đang vướng mắc mà chưa giải quyết được. “Đến thời điểm này, chúng tôi cũng chưa nhận được thông tin chính thức từ phía cơ quan Hải quan Trung Quốc về việc công nhận hay chưa công nhận các cơ sở đóng gói hay mã số vùng trồng sầu riêng của Việt Nam”, ông Huỳnh Tấn Đạt cho hay.
Tuy nhiên, ông Huỳnh Tấn Đạt cho rằng, việc đáp ứng đầy đủ yêu cầu của phía Trung Quốc đòi hỏi các doanh nghiệp, hộ nông dân cần cố gắng, hoàn thiện, từ khâu quản lý, sản xuất, phòng trừ dịch hại, cũng như sơ chế, chế biến, đóng gói. Việc kết luận cuối cùng của Tổng cục Hải quan giúp cho doanh nghiệp và cơ sở đóng gói tiếp tục hoàn thiện mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói.
Liên quan đến vấn đề này, ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu Cục Bảo vệ thực vật trong trường hợp nào cũng phải tiên lượng vấn đề để chủ động các giải pháp từ sớm, từ xa, chứ không để tình trạng đến kết luận cuối cùng chúng ta không đáp ứng được mã số vùng trồng hay cơ sở đóng gói nào thì ‘dở’.
Trước đó, tại Hội nghị quốc tế nâng cao năng lực thâm nhập thị trường Trung Quốc cho doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng và chanh leo của Việt Nam diễn ra mới đây, ông Tô Ngọc Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) - cho biết, thách thức đối với nông sản xuất khẩu của Việt Nam đối với thị trường Trung Quốc là xu thế kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm từ cơ sở sản xuất, nuôi trồng; áp dụng các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Hiện nay thị trường Trung Quốc thay đổi hệ thống quản lý và giám sát an toàn thực phẩm; giám sát an toàn thực phẩm theo hệ thống Lệnh 248, Lệnh 249; chính sách ‘Zero Covid’ tại cơ sở sản xuất và trên bao bì phương tiện vận tải thực phẩm đông lạnh.
Bên cạnh vấn đề về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp xuất khẩu trái cây cũng cần nhận diện một số rủi ro có thể gặp phải như: Nguy cơ ùn tắt hàng hóa vào dịp cao điểm, hoặc Trung Quốc áp dụng biện pháp tăng cường quản lý cửa khẩu; Nguy cơ lừa đảo thanh toán ép cấp, ép giá do không có hợp đồng rõ ràng;... Để sầu riêng của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch và bền vững sang thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp cần quan tâm đến xuất khẩu chính ngạch bằng hợp đồng mua bán, giao dịch rõ ràng….