Sở Công Thương Đắk Lắkhttps://socongthuong.daklak.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ tư - 26/10/2022 04:43
Ngày 26 tháng 10 năm 2022, UBND tỉnh tổ chức “Hội nghị triển khai kế hoạch quản lý, giám sát, phát triển mã số vùng trồng và mã cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu trên địa bàn tỉnh”, nhằm trao đổi những khó khăn, vướng mắc và các kiến nghị đề xuất trong quá xuất khẩu quả tươi sang thị trường Trung Quốc, thảo luận Kế hoạch phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị triển khai công tác quản lý, giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu để thúc đẩy phát triển bền vững ngành hàng cây ăn quả theo quy mô sản xuất hàng hoá đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.
Trong những năm trở lại đây, cây ăn quả của tỉnh Đắk Lắk cũng phát triển rất mạnh, không những tăng nhanh về diện tích mà còn tăng về năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm. Mặt khác, một trong những lợi thế về lâu dài là việc biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn như hiện nay thì vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ mất dần lợi thế của vùng trồng cây ăn quả trọng điểm và Đắk Lắk sẽ được xem là vùng thay thế tiềm năng. Hiện nay, sầu riêng và bơ là hai cây ăn quả chủ lực của tỉnh chiếm khoảng 57% diện tích, trong đó cây sầu riêng là cây có giá trị kinh tế cao được trồng ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Theo số liệu thống kê đến nay, diện diện tích sầu riêng của toàn quốc dao động từ 85.000 ha - 90.000 ha, sản lượng 1,3 triệu tấn, trong khi đó diện tích sầu riêng của tỉnh Đắk Lắk chiếm 17,6% diện tích của cả nước và là tỉnh có diện tích lớn thứ 2 sau tỉnh Tiền Giang.
Đến nay Tổng cục Hải Quan Trung Quốc đã phê duyệt 51 mã số vùng trồng cho 11 tỉnh và 25 cơ sở đóng gói trong cả nước: trong đó Đắk Lắk đã được phê duyệt 23 mã số vùng trồng (chiếm 45% mã số vùng trồng được phê duyệt của cả nước) với diện tích khoảng 1.500 ha (chiếm 18,3% diện tích sầu riêng cho thu hoạch của tỉnh) và 04 mã cơ sở đóng gói sầu riêng (chiếm 17,3% mã cơ sở đóng gói của cả nước). Ngày 17/09/2022 Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với tỉnh Đắk Lắk tổ chức Lễ công bố xuất khẩu chuyến hàng sầu riêng đầu tiên theo Nghị định thư sang thị trường Trung Quốc.
Sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quôc là thành công lớn của ngành hàng sầu riêng Việt Nam nói chung và của tỉnh Đắk Lắk nói riêng, cũng là niềm vui lớn của các ngành, các cấp, khối các doanh nghiệp xuất khẩu và nông dân, vừa là thời cơ nhưng cũng chính là thách thức đối với các ngành, các cấp, doanh nghiệp, nông dân bởi vì muốn xuất khẩu trái sầu riêng, các bước chuẩn bị phải làm rất kỹ càng, từ khâu liên kết xây dựng, thiết lập vùng trồng, thiết lập cơ sở đóng gói cho đến quá trình sản xuất, đóng gói sản phẩm, kiểm soát sinh vật gây hại…
Để sầu riêng bền vững xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc thì phải thực hiện quản lý, giám sát, phát triển mã số vùng trồng và mã cơ sở đóng gói. Các vùng trồng, cơ sở đóng gói nỗ lực đáp ứng được yêu cầu về kiểm soát sinh vật gây hại, an toàn vệ sinh thực phẩm và thực hiện đúng quy cách về đóng gói, đảm bảo truy xuất nguồn gốc. Doanh nghiệp, vùng trồng phải có các biện pháp bảo vệ mã số của mình, tránh việc cho phép sử dụng mã số tràn lan, vượt quá sản lượng, công suất thực tế dẫn đến bị thu hồi mã số, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của sầu riêng Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng.