Sở Công Thương Đắk Lắkhttps://socongthuong.daklak.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ hai - 31/10/2022 04:46
Đắk Lắk là tỉnh nằm ở vị trí trung tâm của Vùng Tây nguyên, có vị trí chiến lược quan trọng cả về chính trị, kinh tế và quốc phòng, an ninh, Đắk Lắk có diện tích tự nhiên là 13.125 km2, được thiên nhiên ưu đãi cho nguồn đất đỏ bazan màu mở với hơn 300 ngàn ha cùng điều kiện khí hậu ôn hòa khá thuận lợi cho phát triển cây công nghiệp lâu năm có giá trị kinh tế cao, nhất là cà phê, cao su, hồ tiêu, ca cao, điều, tiêu và cây công nghiệp ngắn ngày bông vải, sắn, ngô, đậu tương, đậu đỗ các loại… Với điều kiện khí hậu tự nhiên, đất dai màu mỡ cũng như điều kiện khí hậu rất thích hợp để phát triển nhiều loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, nhãn, xoài, mít, chuối, thanh long, dưa hấu, chôm chôm, vải… Sản phẩm trái cây Đắk Lắk đa dạng về chủng loại, không những tiêu thụ tại địa phương mà còn đáp ứng thị trường trong và ngoài nước.
Xuất khẩu nông sản của ĐăkLăk đã đạt được những thành tựu nổi bật, một số mặt hàng nông sản đạt kim ngạch cao như cà phê, hồ tiêu, tinh bột sắn, cao su, hạt điều… Kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2014-2021 đạt 9.010 triệu USD, giai đoạn 2014-2015 tăng trưởng bình quân giảm 17,2%/năm, giai đoạn 2016-2020 tăng trưởng bình quân 14,4%/năm. Năm 2021 xuất khẩu 1.151 triệu USD đạt 101,3% kế hoạch đề ra (1.136 triệu USD), 10 tháng năm 2022 xuất khẩu 1.270 triệu USD, đạt 108,5% kế hoạch. Kim ngạch nhập khẩu giai đoạn 2014-2020 đạt 2.844 triệu USD, giai đoạn 2014-2015 tăng bình quân 62%/năm, giai đoạn 2016-2020 tăng bình quân 138,3%/năm. Năm 2021 nhập khẩu 502 triệu USD, đạt 558% kế hoạch đề ra, 10 tháng năm 2022 nhập khẩu 330 triệu USD, đạt 347,4% kế hoạch.
Hàng hóa của Đắk Lắk xuất khẩu hơn 70 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới nhất là đã thâm nhập được vào các thị trường lớn với yêu cầu chất lượng hàng hóa và vệ sinh thực phẩm nghiêm ngặt như: thị trường Mỹ, Nhật Bản, Anh, Pháp…cà phê Buôn Ma Thuột đã được đăng bạ tên gọi xuất xứ hàng hóa, đã được bảo hộ trên 32 quốc gia trên thế giới, là tài sản quốc gia được nhà nước bảo hộ vô thời hạn trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Hiện nay Đắk Lắk có hơn 100 doanh nghiệp xuất nhập khẩu, trong đó có 21 doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu thường xuyên, có 03 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Xuất khẩu là thế mạnh của tỉnh Đắk Lắk trong nhiều năm qua. Kim ngạch xuất khẩu hàng năm đạt khoảng trên 1 tỷ USD. Cà phê là mặt hàng chủ lực, chiếm phần lớn kim ngạch xuất khẩu của tỉnh (khoảng 75%), cà phê Buôn Ma Thuột nằm trong top 10 quà tặng đặc sản Việt nam và tóp 15 sản phẩm nông sản được thế giới ưa thích do tổ chức Kỷ lục gia Việt nam (VietKings) công bố; hạt tiêu cũng là mặt hàng xuất khẩu chủ lực mang về kim ngạch xuất khẩu lớn; hạt điều đang được phát triển nên sản lượng điều và kim ngạch có xu hướng tăng trong thời gian tới; Cây ca cao hiện đang trở thành một trong những loài cây trồng được ưu tiên tại địa phương với đầy tiềm năng xuất khẩu trong tương lai; mật ong xuất khẩu với số lượng lớn do điều kiện tự nhiên của tỉnh Đắk Lắk thuận lợi để phát triển đàn ong; tinh bột sắn là sản phẩm tiềm năng với lượng xuất khẩu lớn, nguồn nguyên liệu dồi dào; cao su chiếm tỷ trọng kim ngạch cũng khá cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm, ngoài ra trái cây cũng góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu như sầu riêng…
Việc tham gia và tận dụng lợi thế từ các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới (UKVFTA, EVFTA, CPTPP, RCEP…) cũng mang lại lợi ích lớn cho Việt Nam nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu; ngoài ra chuyển đổi số trong cơ cấu doanh nghiệp cũng như tận dụng lợi thế từ các kênh thương mại điện tử cũng đem lại nhiều hiệu quả tích cực cho các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm đối tác và mở rộng thị trường, thúc đẩy thương mại xuyên biên giới.
Định hướng từ nay đến năm 2030 tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là những mặt hàng có giá trị cao, hàng nông sản qua chế biến, mặt hàng chủ lực có lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Từng bước chuyển đổi cơ cấu hàng hoá xuất khẩu theo hướng tăng tỷ trọng hàng chế biến sâu, giảm tỷ lệ sơ chế và xuất thô. Tiếp tục phát triển công nghiệp có hàm lượng khoa học, công nghệ, có tỷ trọng giá trị gia tăng cao, phát triển công nghiệp đa ngành, tạo ra sản phẩm phong phú, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng và xuất khẩu, đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp, chế biến sâu và bảo quản sau thu hoạch, phát triển thị trường mới cho các sản phẩm công nghiệp có tiềm năng xuất khẩu của tỉnh. Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, mặt hàng xuất khẩu; củng cố và mở rộng thị phần hàng hóa xuất khẩu của tỉnh tại những thị trường truyền thống; tạo bước đột phá mở rộng các thị trường xuất khẩu mới có tiềm năng; tận dụng tốt các điều kiện thuận lợi về tiếp cận thị trường và các ưu đãi về thuế quan đối với các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên như: CPTPP, EVFTA, RCEP, UKVFTA…
Để thúc đẩy xuất khẩu từ nay đến năm 2030 đạt được những kết quả khả quan cần tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp để sản phẩm nông nghiệp Đắk Lắk hướng tới giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững, sự liên kết của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cũng như ngoài nước cùng sự ủng hộ của các bộ , ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp.
Về xúc tiến thương mại, việc tăng cường công tác xúc tiến tiêu thụ hàng hóa nông sản để mở rộng thị trường cả xuất khẩu lẫn tiêu thụ nội địa là hoạt động thường xuyên liên tục và không ngừng đổi mới của công tác xúc tiến thương mại của địa phương; tập trung lĩnh vực xúc tiến xuất khẩu, triển khai đa dạng các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương với các tỉnh thành trong nước và các doanh nghiệp ở nước ngoài nhằm đẩy mạnh tiêu thụ nông sản hàng hóa và mở rộng thị trường xuất khẩu; triển khai thực hiện Chương trình Xúc tiến thương mại của tỉnh giai đoạn 2022-2030, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại và phát triển xuất khẩu hàng hóa thông qua các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia nhằm quảng bá hình ảnh, quảng bá sản phẩm và xây dựng thương hiệu ngành hàng, sản phẩm xuất khẩu tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm và có nhiều tiềm năng đối với hàng hóa của Việt Nam nói chung và của tỉnh nói riêng; định kỳ 2 năm/1 lần tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột để quảng bá, xúc tiến xuất khẩu mặt hàng cà phê; cung cấp thông tin thường xuyên và đầy đủ về thị trường cho doanh nghiệp, hướng dẫn và hỗ trợ doanh nghiệp chủ động bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa xuất khẩu trên thị trường thế giới; đa dạng hóa ngành hàng xuất khẩu, ngoài ngành hàng truyền thống, có thế mạnh cần tập trung khai thác các mặt hàng mới mà tỉnh có tiềm năng như các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, thổ cẩm…; nâng cao tỷ trọng hàng tinh chế; giảm dần sản phẩm sơ chế; hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử vào quản lý, điều hành doanh nghiệp, mở rộng tìm kiếm đối tác, thị trường. Tham gia các sàn thương mại điện tử quốc tế để quảng bá, kinh doanh sản phẩm.
Về sản xuất nông nghiệp nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp để hỗ trợ cho sản xuất và đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp trong các khâu, nhất là khâu sơ chế và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch. Đầu tư hiện đại hóa khâu bảo quản, chế biến nông sản; phát triển nông nghiệp trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh của từng địa phương; áp dụng công nghệ cao để giảm thiểu chi phí và nâng cao chất lượng, tăng giá trị sản phẩm và sức cạnh tranh của sản phẩm, xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản có thế mạnh của tỉnh.
Về sản xuất công nghiệp khai thác và phát huy tối đa các lợi thế, tiềm năng của tỉnh, nhất là lợi thế nằm ở khu vực trung tâm vùng Tây Nguyên để phát triển các ngành, lĩnh vực, trong đó chú trọng phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến nông sản, chú trọng sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao; duy trì phát triển các ngành nông nghiệp chủ lực, có lợi thế so sánh, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm góp phần tiêu thụ nông sản. Chuyển từ hình thức gia công, sơ chế sang sản xuất thành phẩm, xuất khẩu trực tiếp, nhằm gia tăng giá trị và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, nhất là các dự án sản xuất xuất khẩu nhằm gia tăng nguồn lực cho xuất khẩu.
Về phát triển sản xuất và chế biến, tập trung kêu gọi thu hút đầu tư vào các dự án có công nghệ tiên tiến, chế biến những mặt hàng có thế mạnh của tỉnh như: cà phê, hạt tiêu, trái cây (bơ, mít, sầu riêng…), xây dựng phát triển mô hình chuỗi giá trị, gắn sản xuất ban đầu, chế biến sâu và tiêu thụ, tạo ra sản phẩm tiêu dùng cuối cùng có giá trị gia tăng, chất lượng cao, mang đặc trưng riêng của địa phương, đáp ứng được yêu cầu của thị trường xuất khẩu; khuyến khích các doanh nghiệp tìm giải pháp đột phá trong khoa học, tích cực thực hiện chuyển giao công nghệ, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm để hình thành các doanh nghiệp nòng cốt, vững mạnh, có sức cạnh tranh cao trong nước và quốc tế.
Về cơ chế chính sách, xây dựng các cơ chế chính sách nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa; triển khai kịp thời các chính sách của Nhà nước về tài chính, tín dụng, đầu tư nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh; các ngân hàng thương mại, Quỹ đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh tập trung bố trí vốn kịp thời và dành nguồn vốn với lãi suất hợp lý theo quy định cho các ngành sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tập trung ưu tiên cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu; tổng kết công tác xuất, nhập khẩu hàng hóa hàng năm, từ đó có chính sách động viên, khen thưởng kịp thời với các đối tượng: Doanh nghiệp xuất khẩu mới của tỉnh; Doanh nghiệp mở rộng được thị trường xuất khẩu mới; Doanh nghiệp có sản phẩm mới xuất khẩu; Doanh nghiệp duy trì được kim ngạch xuất khẩu ổn định so với năm liền trước.
Tác giả: Huỳnh Ngọc Dương - PGĐ Sở Công Thương Đắk Lắk