Sở Công Thương Đắk Lắkhttps://socongthuong.daklak.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ ba - 17/01/2023 01:54
Hồ tiêu, là cây trồng chủ lực của nước ta, Việt Nam là quốc gia chiếm 40% sản lượng và chiếm 60% thị phần hồ tiêu toàn cầu, luôn giữ vị thế số 1 thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu với tổng diện tích trồng hồ tiêu hơn 130 nghìn ha, tập trung chủ yếu ở vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, chiếm trên 95% diện tích trồng hồ tiêu của cả nước, còn lại ở các tỉnh Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.
Năm 2010, diện tích trồng hồ tiêu mới chỉ đạt 51,3 nghìn ha, giá hồ tiêu liên tục tăng cao dẫn đến diện tích trồng ồ ạt, một số địa phương phát triển “nóng” vượt quy hoạch đạt 101,6 nghìn ha năm 2015. Diện tích hồ tiêu tăng mạnh vào các năm 2017, 2018, cao nhất đạt trên 150 nghìn ha năm 2017, sau đó do giá giảm và không ổn định nên đến năm 2020 còn 131,8 nghìn ha, hiện nay, năm 2022, diện tích đã giữ mức ổn định 130.000ha.
Ngành hồ tiêu Việt Nam đã trải qua giai đoạn thăng trầm khi giá giảm xuống mức 34.000 đồng/kg giai đoạn đầu năm 2020. Từ nửa cuối giai đoạn 2020-2022, giá Hồ tiêu đã tăng nhưng không ổn định, đạt mức từ 60.000 - 90.000 đồng/kg. Tuy nhiên, Hồ tiêu Việt Nam hiện vẫn đang tồn tại một số hạn chế như: đa phần giống hồ tiêu vẫn trôi nổi, sản xuất nhỏ, manh mún, trồng xen, thiếu liên kết dẫn đến nguy cơ phát triển thiếu bền vững, tình trạng lạm dụng phân bón vô cơ và các loại thuốc bảo vệ thực vật, hoạt động thu hoạch thủ công và bảo quản còn yếu, việc quản lý chất lượng sản phẩm trên diện rộng chưa đạt hiệu quả, chưa tạo dựng được thương hiệu, áp lực gia tăng hàng rào kỹ thuật của các nước nhập khẩu ngày càng lớn như dư lượng hóa chất tối thiểu, xuất khẩu sản phẩm sơ chế hiện đang chiếm tỉ lệ cao, ước tính lên đến hơn 80% tổng kim ngạch xuất khẩu tiêu….
Trước các tồn tại, hạn chế của ngành hồ tiêu, Hội nghị quốc tế ngành hồ tiêu Việt Nam năm 2022 đã được tổ chức từ ngày 9/11/2022 đến ngày 11/11/2022, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đã hợp tác với Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk với chủ đề: “Xây dựng chuỗi cung ứng hồ tiêu và các cây gia vị gồm sản xuất, chế biến sâu và tiêu thụ”, theo đó: cam kết bảo đảm sự phối hợp và hợp tác giữa các bên để thúc đẩy phát triển bền vững cây hồ tiêu và các cây gia vị khác tại tỉnh Đắk Lắk; Tăng cường liên kết chuỗi cung ứng sản xuất – chế biến – tiêu thụ Hồ tiêu; Hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, tăng thu nhập, giúp người dân nâng cao trình độ sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất, thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp; Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm hồ tiêu thông qua mở rộng các chuỗi liên kết; Tổ chức nghiên cứu khoa học về giống hồ tiêu; Thành lập trung tâm sản xuất và cung cấp giống hồ tiêu sạch bệnh, đảm bảo chất lượng, được công nhận; Nghiên cứu khả năng hợp tác, các bên cùng phối hợp xây dựng trung tâm giống hồ tiêu theo hình thức đối tác công - tư; Tổ chức nghiên cứu giải pháp chế biến sâu, tạo thêm nhiều sản phẩm giá trị gia tăng về hồ tiêu và các cây gia vị; Tăng cường kết nối, hợp tác với các tổ chức ngành hàng tại nước nhập khẩu, nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu để tìm kiếm khả năng mở rộng thị trường tiêu thụ bền vững và hiệu quả.
Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) và UBND tỉnh Đắk Lắk sẽ triển khai các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất bền vững hồ tiêu và gia vị theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nhằm thúc đẩy hình thành các vùng sản xuất hồ tiêu và gia vị theo chuỗi liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực và khoa học công nghệ thông qua cung cấp các giải pháp sản xuất bao gồm kỹ thuật canh tác, kỹ thuật quản lý, xử lý dịch bệnh; hướng dẫn xây dựng các sản phẩm liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng, có truy xuất nguồn gốc và từng bước hình thành thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm; triển khai, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ kết nối chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ hồ tiêu nói riêng và gia vị nói chung trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2022 – 2025, điều chỉnh, bổ sung để triển khai thực hiện đến năm 2030.
Trên cơ sở các định hướng chung mang tính tổng thể của ngành hồ tiêu, từ đó đề ra các giải pháp để ngành hồ tiêu nói chung và hồ tiêu Đắk Lắk phát triển bền vững, một mặt ứng phó với tình hình khó khăn của nền kinh tế toàn cầu, chiến tranh, dịch bệnh bùng phát, nguy cơ lạm phát kéo dài, tình hình tiêu thụ và giá hồ tiêu có nguy cơ giảm sâu, các giải pháp bao gồm: Thứ nhất, Tiếp tục xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung, ổn định diện tích trồng hồ tiêu cũng như sản lượng hồ tiêu đạt chất lượng sẽ là một trong các giải pháp cần được chú trọng, cần vận động, kêu gọi người dân, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa không chặt phá các vườn tiêu để chuyển sang các cây nông sản khác, hỗ trợ người dân trong công tác tưới tiêu, chọn giống, phân bón hữu cơ… Thứ hai, Đổi mới và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất, chú trọng phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, sản xuất có chứng nhận, theo dõi sát sao việc trồng, chọn giống của người nông dân trên địa bàn tỉnh, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ… khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, chuyển giao công nghệ… Thứ ba, Tập trung thực hiện một cách hiệu quả và đồng bộ, tránh lãng phí nguồn lực các kế hoạch chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, công thương nhằm góp phần phát triển ngành nông sản nói chung, đồng thời có kế hoạch cụ thể về xây dựng thương hiệu nông sản và kết nối tiêu thụ sản phẩm để hướng đến việc sản phẩm nông nghiệp, trong đó có hồ tiêu, từ khi sản xuất đã biết được sẽ tiêu thụ ở thị trường nào, hiệu quả ra sao. Thứ tư, chú trọng thực hiện các chương trình tiêu thụ nông sản, xúc tiến thương mại cho sản phẩm hồ tiêu qua chế biến, có giá trị cao về mặt thương phẩm, tìm kiếm các đối tác thu mua mới có tiềm năng từ các thị trường ít bị ảnh hưởng bởi yếu tố lạm phát, tạo dựng thị trường mới… Thứ năm, xây dựng bộ cơ sở dữ liệu lịch sử về giá, sản lượng, kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu trong các năm qua từ đó có cơ sở dự đoán, dự báo tình hình tiêu thụ, sản xuất trong những năm tiếp theo.
Với những hoạt động được đẩy mạnh, sự quyết tâm, nỗ lực của toàn tỉnh cùng với những chiến lược và đầu tư phát triển đúng hướng, bền vững, hi vọng ngành hồ tiêu tỉnh Đắk Lắk sẽ có những bước đi vững vàng trong thời gian tới. Bên cạnh các cây nông sản chủ lực khác như cà phê, ca cao, cây ăn trái..., cây hồ tiêu với ý nghĩa kinh tế lớn đã, đang và sẽ góp phần đáng kể vào đà tăng trưởng kinh tế của đất nước nói chung, kinh tế của tỉnh Đắk Lắk cũng như 5 tỉnh Tây Nguyên nói riêng, đóng góp vào công cuộc xoá đói giảm nghèo, cải thiện đời sống cho bà con nông dân, đưa cây nông sản của tỉnh lên tầm cao mới.