Sở Công Thương Đắk Lắkhttps://socongthuong.daklak.gov.vn/assets/images/logo.png
Chủ nhật - 08/01/2023 22:30
Tình hình kinh doanh, xuất khẩu cà phê tỉnh Đắk Lắk niên vụ 2021-2022 dù có khởi sắc nhưng vẫn còn khó khăn do dịch bệnh covid-19 còn nhiều diễn biến phức tạp của các biến chủng, xung đột quân sự Nga - Ukraina gây ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, giá cả leo thang, kinh tế thế giới lạm phát cao gây ra nhiều khó khăn cho thị trường cà phê.
Với sự hỗ trợ của các ngành các cấp, đặc biệt là sự năng động sáng tạo, nỗ lực vượt khó của các doanh nghiệp. Hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu cà phê niên vụ 2021-2022 đạt được những kết quả nổi bật. Giá thu mua cà phê nhân xô bình quân trên địa bàn tỉnh là 42.388 đồng/kg (tăng 24,1% so với giá bình quân niên vụ 2020-2021 là 34.151 đồng/kg). Thời điểm giá mua bình quân cao nhất là tháng 9/2022 đạt trung bình 47.842 đồng/kg, ngày có giá mua cao nhất 50.200 đồng/kg (ngày 25/8/2022); giá mua thấp nhất trong niên vụ là 39.200 đồng/kg (ngày 04/3/2022).
Giá xuất khẩu cà phê Robusta trên thị trường London bình quân là 2.176 USD/tấn, tăng 42,2% so với giá trung bình của niên vụ 2020-2021 là 1.530 USD/tấn, giá tăng cũng có nguyên nhân một phần do giá cước phí vận tải biển cao. Giá xuất khẩu cà phê nhân bình quân của các doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk đạt 2.037 USD/tấn, tăng 363 USD/tấn so với niên vụ trước.
Theo số liệu thống kê của Tổng Cục hải quan Việt Nam, cả nước xuất khẩu cà phê đạt hơn 1,717 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 3,9 tỷ USD, tăng 14,6% về lượng và tăng 38,6% về giá trị so với niên vụ trước. Tỉnh Đắk Lắk xuất khẩu cà phê đạt 394.942 tấn, tăng 49.726 tấn so với niên vụ 2020-2021 (tăng 14,4%), chiếm tỷ trọng 23% so với cả nước; kim ngạch xuất khẩu đạt 819,076 triệu USD, tăng 227,15 triệu USD so với niên vụ trước (tăng 38,4%), chiếm tỷ trọng 21% so với cả nước. Trong đó, xuất khẩu cà phê nhân đạt 373.615 tấn, kim ngạch đạt 702,767 triệu USD (so với niên vụ 2020-2021 tăng 13,2% về số lượng và tăng 36,6% về kim ngạch); xuất khẩu cà phê hòa tan đạt 21.327 tấn, chiếm tỷ lệ 5,4% số lượng cà phê xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu đạt 116,309 triệu USD, chiếm tỷ lệ 14,2% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của tỉnh. Số lượng cà phê hòa tan xuất khẩu tăng 6.138 tấn, kim ngạch xuất khẩu tăng 38,767 triệu USD, đây là kết quả doanh nghiệp tỉnh ta tận dụng lợi thế các FTA, đặc biệt là EVFTA, tuy nhiên cũng chưa xứng tầm tiềm năng địa phương.
Nhìn chung xuất khẩu cà phê trên địa bàn tỉnh chủ yếu vẫn là cà phê nhân. Cà phê hòa tan các niên vụ gần đây số lượng và kim ngạch xuất khẩu tăng nhưng vẫn chiếm tỉ lệ còn thấp trong kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Các sản phẩm cà phê chế biến khác như cà phê rang, cà phê bột... vẫn chưa xuất khẩu được nhiều. Đắk Lắk trên 100 doanh nghiệp xuất khẩu, riêng xuất khẩu cà phê tập trung ở 08 doanh nghiệp có lượng cà phê xuất khẩu lớn (4 doanh nghiệp địa phương, 1 chi nhánh ở thành phố Hồ Chí Minh và 3 doanh nghiệp FDI). Nhómdoanh nghiệp dẫn đầu xuất khẩu cà phê như: Công ty TNHH một thành viên XNK 2/9 Đắk Lắk, Công ty TNHH Dakman Việt Nam, Chi nhánh Công ty cổ phần tập đoàn Intimex tại Buôn Ma Thuột và Công ty TNHH Sucden Coffee Việt Nam. Có 02 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chuyên chế biến và xuất khẩu cà phê hòa tan là Công ty TNHH cà phê Ngon và Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển An Thái.
Cà phê Đắk Lắk xuất khẩu đến 64 thị trường (tăng 4 thị trường so với niên vụ 2020-2021), trong đó thị trường Nhật Bản tiếp tục là thị trường lớn nhất của cà phê Đắk Lắk với kim ngạch 117,947 triệu USD (tăng 54,5% về kim ngạch so với niên vụ trước), tiếp sau là thị trường Italia với kim ngạch 72,078 triệu USD (tăng 56,1% so với niên vụ trước)... Có 41 thị trường đạt kim ngạch trên 01 triệu USD, số thị trường đạt kim ngạch trên 10 triệu USD là 21 thị trường, tăng 09 thị trường so với niên vụ trước. Đối với cà phê hòa tan niên vụ này xuất khẩu đến 19 thị trường, trong đó Indonesia và Israel là 02 thị trường lớn nhất với kim ngạch lần lượt đạt 43,732 triệu USD và 19,889 triệu USD.
Cà phê Đắk Lắk vẫn tập trung xuất khẩu sang các thị trường truyền thống lâu nay như Đức, Thụy sỹ, Nhật Bản, Italia, Mỹ … Với việc dịch bệnh covid-19 trên toàn thế giới cơ bản được khống chế dù vẫn còn những diễn biến phức tạp nhưng cà phê được xếp vào mặt hàng thiết yếu ở các nước phương Tây vì vậy việc xuất khẩu cà phê của tỉnh vẫn được duy trì ổn định và có sự tăng trưởng khá như tại thị trường Nhật Bản, Italia, Đức, Thụy Sĩ...
Dự báo niên vụ 2022-2023, trong báo cáo mới nhất về triển vọng cung - cầu cà phê thế giới của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) dự báo sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ 2022-2023 sẽ phục hồi và tăng 7,8 triệu bao (4,7%) so với niên vụ trước lên mức 175 triệu bao chủ yếu nhờ Brazil vào năm được mùa của chu kỳ hai năm một lần. USDA ước tồn kho cuối vụ toàn cầu cũng tăng 2,1 triệu bao (6,3%) đạt 34,7 triệu bao. Xuất khẩu cà phê toàn cầu dự báo tăng 1 triệu bao, lên 141,5 triệu bao nhờ xuất khẩu của Brazil và Indonesia cao hơn. Trong đó, xuất khẩu cà phê nhân là 118,2 triệu bao, tăng từ mức 117,3 triệu bao của vụ trước. Còn lại 18,3 triệu bao là cà phê hòa tan và 5 triệu bao là cà phê rang xay.
Nhập khẩu cà phê của Liên minh châu Âu trong niên vụ 2022-2023 được dự báo sẽ tăng 1 triệu bao lên 46 triệu bao và chiếm 40% lượng cà phê nhân nhập khẩu của thế giới. Các nhà cung cấp hàng đầu bao gồm Brazil (40%), Việt Nam (20%), Uganda (8%) và Honduras (7%). Các kho dự trữ cuối kỳ của châu Âu dự kiến sẽ giảm 400.000 bao xuống 12,4 triệu bao để duy trì mức tăng khiêm tốn trong tiêu thụ. Mỹ, nước nhập khẩu cà phê nhân lớn thứ hai được dự báo sẽ tăng 500.000 bao nhập khẩu trong vụ 2022-2023, lên mức 25,5 triệu bao. Các nhà cung cấp hàng đầu bao gồm Brazil (30%), Colombia (19%), Việt Nam (10%) và Honduras (7%). Dự trữ cuối kỳ được dự báo sẽ tăng 300.000 bao lên 6,5 triệu bao.
Tại Việt Nam, sản lượng dự báo đạt 30,9 triệu bao, giảm 700.000 bao so với vụ thu hoạch kỷ lục của năm ngoái. Diện tích canh tác được dự báo không thay đổi so với năm trước, với hơn 95% tổng sản lượng vẫn là robusta. Mùa mưa bắt đầu sớm hơn những năm trước giúp cà phê ra hoa và phát triển tốt, đồng thời điều kiện thời tiết ẩm ướt hơn bình thường cũng giúp giảm chi phí tưới tiêu. Tuy nhiên, giá phân bón tăng vọt lên tới 70% trong 6 tháng qua trong khi giá cà phê trong nước vẫn đi ngang khiến nông dân giảm sử dụng phân bón, điều này có thể dẫn đến sự sụt giảm năng suất và sản lượng so với năm trước. Xuất khẩu cà phê của Việt Nam được dự báo sẽ giảm 1 triệu bao trong niên vụ 2022-2023, xuống 25 triệu bao và tồn kho cuối kỳ gần như không đổi ở mức 3,5 triệu bao.
Niên vụ 2022-2023, tổng lượng xuất khẩu cà phê của tỉnh Đắk Lắk dự kiến là 420.000 tấn, trong đó phân bổ cho các quý trong niên vụ nhe sau: Quý IV năm 2022 xuất khẩu 80.000 tấn, quý I năm 2023 xuất khẩu 105.000 tấn, quý II năm 2023 xuất khẩu 115.000 tấn và quý III năm 2023 xuất khẩu 120.000 tấn.
Để đạt được kế hoạch xuất khẩu cà phê niên vụ 2022-2023, thì hoạt động xúc tiến thương mại phải đẩy mạnh hơn nữa, từ nguồn kinh phí xúc tiến thương mại quốc gia và địa phương, Đắk Lắk tăng cường xúc tiến tìm kiếm thị trường, quảng bá sản phẩm cà phê nhất là sản phẩm cà phê đặc sản, cà phê có Chỉ dẫn địa lý “cà phê Buôn Ma Thuột” ra thị trường thế giới. Cập nhật cung cấp thông tin từ hệ thống thương vụ Việt Nam tại các nước để nắm bắt các thay đổi trong quy định kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu của các nước, nắm bắt các nhu cầu của các địa phương tại các quốc gia trên thế giới để thông tin đến doanh nghiệp. Ngân hàng nhà nước có ý kiến chỉ đạo các ngân hàng thương mại ưu tiên nguồn vốn cho vay thu mua cà phê, cũng như có chính sách hỗ trợ lãi suất dành cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê của tỉnh.
Đối với doanh nghiệp, tập trung phát triển vùng nguyên liệu, nâng cao chất lượng cà phê để thâm nhập vào chuỗi cung ứng thế giới; xây dựng kế hoạch phát triển thương hiệu để phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp trong các tranh chấp quốc tế. Chủ động xây dựng các biện pháp ứng phó với các tình huống có thể xảy ra như dịch bệnh kéo dài, xung đột chính trị giữa các quốc gia trên thế giới gây ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng cũng như ách tắc trong vận tải hàng hóa. Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng thị trường mới, xây dựng thương hiệu hàng hoá, nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu. Tích cực và chủ động trong chuyển đổi số để tận dụng những lợi thế và cơ hội mà chuyển đổi số mang lại trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế của kỷ nguyên số, nhất là lợi thế về Thương mại điện tử; tiếp tục duy trì các thị trường xuất khẩu truyền thống đồng thời phát triển mở rộng thêm các thị trường mới.