Như vậy quả chanh leo là loại quả thứ 10 của Việt Nam được phép xuất khẩu vào Trung Quốc, cùng với các loại quả nhãn, xoài, mít, chuối, dưa hấu, chôm chôm, thanh long, vải thiều và măng cụt (ngày 11/7/2022 loại quả thứ 11 là sầu riêng). Thông qua kết quả xuất khẩu thí điểm, để góp phần phát triển thương mại giữa hai nước, Việt Nam và Trung Quốc sẽ tiến hành đánh giá tình hình nhập khẩu quả chanh leo của Việt Nam, từ đó làm cơ sở cho các bước tiếp theo, tiến tới thỏa thuận ký Nghị định thư chính thức về kiểm dịch thực vật đối với quả chanh leo Việt Nam nhập khẩu vào Trung Quốc.
Diện tích chanh leo Đắk lắk hiện có là 1.055 ha, trong đó: diện tích trồng mới 171 ha, diện tích cho sản phẩm 884 ha, năng suất trên diện tích cho sản phẩm 159,11 tạ/ha, sản lượng thu hoạch 14.703 tấn. Chanh leo được trồng tập trung ở các huyện như: Krông Năng 521 ha, Ea H’leo 252 ha, Krông Búk 108 ha, Ea Kar 47 ha, Buôn Đôn 44 ha, M’Đrắk 18,6 ha, Krông Ana 23 ha, Krông Pắk 70 ha, Buôn hồ 50 ha….
Hiện nay thị trường tiêu thụ chanh leo chủ yếu là thị trường nội địa, chưa có trong danh mục xuất khẩu chính ngạch, nhưng là đang thời điểm xuất khẩu thí điểm chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Nhận thấy tiềm năng và cơ hội to lớn trong việc xuất khẩu chính ngạch chanh leo vào thị trường Trung Quốc, Đắk Lắk đã và đang tích cực phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tập trung hướng dẫn hướng dẫn các doanh nghiệp, vùng trồng và cơ sở đóng gói triển khai công tác thiết lập mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói để chuẩn bị sẵn sàng cho công tác xuất khẩu chính ngạch chanh leo khi Nghị định thư giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Tổng cục Hải quan Trung Quốc được ký kết.