Sản xuất nông sản là thế mạnh của tỉnh Đắk Lắk trong đó ngoài các sản phẩm chủ lực như sản phẩm cà phê, hồ tiêu, điều … tỉnh Đắk Lắk đang đẩy mạnh các mặt hàng nông sản chế biến khác có khả năng cạnh tranh trên thị trường cụ thể như sầu riêng, mắc ca…tuy nhiên, hiện nay các địa phương vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong việc nâng cao chất lượng chế biến nông sản, hướng tới sản xuất bền vững có chứng nhận. Ngành sản xuất, chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, cần áp dụng các quy trình công nghệ chế biến tiên tiến để nâng cao chất lượng, giảm tổn thất sau thu hoạch và nâng giá trị của sản phẩm nông sản, nhằm phát triển công nghiệp chế biến, tăng giá trị sản phẩm nông sản hướng tới xuất khẩu.
Trao đổi tại buổi nghiệm thu
Huyện Cư M’gar có trung tâm huyện cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 20km. Phía Đông giáp huyện Krông Búk, phía Tây và Tây Bắc giáp huyện Ea Súp và Buôn Đôn, phía Nam giáp TP. Buôn Ma Thuột, phía Bắc giáp huyện Ea H’Leo.Về thu hút đầu tư, với những lợi thế về vị trí địa lý (giáp thành phố Buôn Ma Thuột), hạ tầng giao thông kết nối khá tốt, đất đai màu mỡ (75% diện tích là đất đỏ bazan) thích hợp cho nhiều loại cây trồng, lực lượng lao động dồi dào... huyện Cư M’gar đã trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư trong các lĩnh vực: chế biến nông sản, phát triển nông nghiệp công nghệ cao...
Máy rang cà phê được hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công năm 2024
Hộ kinh doanh Trung Nguyễn có địa điểm nhà xưởng tại thôn Đắk Hà Tây, xã Cư Dliê M’nông chuyên sản xuất và chế biến các sản phẩm nông sản. Với tiềm năng, lợi thế lớn về đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp nhiều loại cây trồng. Những năm gần đây nhận thấy tiềm năng phát triển về thị trường nông sản với đa dạng mẫu mã sản phẩm trong nước và nước ngoài, đặc biệt là sản phẩm cà phê và hạt mắc ca đang được thị trường ưa chuộng. Hộ kinh doanh Trung Nguyễn nhận thấy việc đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến trong khâu sản xuất và chế biến các sản phẩm cà phê và mắc ca, tạo ra dòng sản phẩm tốt, an toàn cho sức khỏe. Với mục tiêu tạo ra sản phẩm chất lượng, nâng cao giá trị sử dụng, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế tại địa phương.
Kiểm tra quá trình vận hành máy rang cà phê
Qua theo dõi quá trình vận hành máy móc thiết bị và cho ra sản phẩm đạt yêu cầu tại cơ sở, đại diện các bên tham gia nghiệm thu cơ bản thống nhất nghiệm thu và đưa ra các yêu cầu cần đáp ứng trong quá trình sản xuất tại cơ sở nhằm đảm bảo an toàn về môi trường, vệ sinh thực phẩm cũng như các tiêu chuẩn chất lượng, bao bì đóng gói, nhãn hiệu… trước khi ra thị trường tiêu thụ.
Về phía lãnh đạo địa phương lần đầu được đón nhận nguồn vốn của Chương trình Khuyến công, hỗ trợ cho cơ sở một phần vốn để đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến trong khâu sản xuất, tạo động lực phát triển sản xuất kinh doanh cho cơ sở. Hy vọng thời gian tới tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo trong việc hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất kinh doanh trên đại bàn, tạo đà phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.
Máy sấy mắc ca được hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công năm 2024
Về phía lãnh đạo Trung tâm cảm ơn sự phối hợp giữa phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Cư M’gar và lãnh đạo UBND xa Cư Dliê M’nông trong công tác Khuyến công, giúp cho Trung tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, mong thời gian tới tiếp tục phối hợp để thực hiện tốt Chương trình Khuyến công, mang lại hiệu quả cao.
Việc hỗ trợ đầu tư theo chương trình khuyến công địa phương năm 2024 lần này đã động viên, khuyến khích, tạo động lực cho cơ sở tiếp cận với công nghệ tiên tiến, hiện đại trong chế biến nông sản nhằm nâng cao được năng lực cạnh tranh về giá và chất lượng đối với sản phẩm cùng loại, tạo hướng đi đúng cho người dân phát triển sản xuất, tăng thu nhập, góp phần phát triển bền vững cho ngành chế biến nông sản tại địa phương.