Hỏi đáp về tình huống xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực (phần 4)

Thứ hai - 27/06/2022 23:32
Kiểm tra viên điện lực (KTVĐL) ở các Đơn vị điện lực có phản ánh một số bất cập, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm tra sử dụng điện theo thẩm quyền. Tổng hợp các ý kiến phản ánh về bất cập, vướng mắc của KTVĐL, chúng tôi biên tập một số tình huống dưới dạng hỏi đáp về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực như sau:
Câu hỏi: Việc ngừng cấp điện khi phát hiện có hành vi trộm cắp điện được pháp luật qui định như thế nào? Kiểm tra viên điện lực ở các Đơn vị điện lực không còn chức năng lập biên bản vi phạm hành chính từ ngày 31/01/2022, thì việc ngừng cấp điện đối với hành vi trộm cắp điện thực hiện như thế nào?
Đáp: Hành vi trộm cắp điện là hành vi lấy điện trái phép không qua công tơ, tác động nhằm làm sai lệch chỉ số đo đếm của công tơ và các thiết bị điện khác có liên quan đến đo đếm điện, cố ý hoặc thông đồng ghi sai chỉ số công tơ và các hành vi lấy điện gian lận khác. 
Việc ngừng cấp điện do tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật được qui định tại Điều 7 Thông tư số 22/2020/TT-BCT ngày 09/9/2020 của Bộ Công Thương qui định điều kiện, trình tự ngừng, giảm mức cung cấp điện, thì Bên bán điện được quyền ngừng cung cấp điện khi Bên mua điện có hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 4, 5, 6, 7 và khoản 8 Điều 7 Luật Điện lực (các hành vi bị cấm trong hoạt động điện lực và sử dụng điện, gồm: 1. Phá hoại các trang thiết bị điện, thiết bị đo đếm điện và công trình điện lực; 2. Hoạt động điện lực không có giấy phép theo quy định của Luật này; 3. Đóng, cắt điện trái quy định của pháp luật; 4. Vi phạm các quy định về an toàn trong phát điện, truyền tải điện, phân phối điện và sử dụng điện; 5. Cản trở việc kiểm tra hoạt động điện lực và sử dụng điện; 6. Trộm cắp điện; 7. Sử dụng điện để bẫy, bắt động vật hoặc làm phương tiện bảo vệ, trừ trường hợp được quy định tại Điều 59 của Luật này; 8. Vi phạm các quy định về bảo vệ hành lang an toàn lưới điện, khoảng cách an toàn của đường dây và trạm điện; 9. Cung cấp thông tin không trung thực làm tổn hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoạt động điện lực và sử dụng điện; 10. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để gây sách nhiễu, phiền hà, thu lợi bất chính trong hoạt động điện lực và sử dụng điện; 11. Các hành vi khác vi phạm quy định của pháp luật về điện lực).
z3523672375152 d89e7c84e020eec5ff191cbb7b5844a0
Tiếp nhận hồ sơ vi phạm hành chính về trộm cắp điện từ Điện lực Bắc Buôn Ma Thuột - Công ty Điện lực Đắk Lắk
Khi kiểm tra phát hiện có hành vi trộm cắp điện thì Kiểm tra viên điện lực có trách nhiệm thông báo cho Bên bán điện để thực hiện ngừng cấp điện theo khoản 4 Điều 20 Thông tư số 27/2013/TT-BCT ngày 31/10/2013 của Bộ Công Thương quy định về kiểm tra hoạt động điện lực và sử dụng điện, giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 31/2018/TT-BCT ngày 05/10/2018).
Trình tự ngừng cấp điện do tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật đối với trường hợp bên mua điện thực hiện hành vi quy định tại khoản 6 Điều 7 Luật Điện lực (hành vi trộm cắp điện), bên bán điện được ngừng cấp điện ngay sau khi biên bản vi phạm hành chính được lập theo quy định tại Nghị định số 134/2013/NĐ-CP ngày 17/10/2013 của Chính phủ. Hiện nay Nghị định số 134/2013/NĐ-CP ngày 17/10/2013 của Chính phủ đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 17/2022/NĐ-CP ngày 31/01/2022 nhưng chưa có hướng dẫn, do vậy Kiểm tra viên điện lực ở các Đơn vị điện lực cần chủ động, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực đã tiếp nhận hồ sơ vụ việc, để xác định thời điểm mà cơ quan này lập Biên bản vi phạm hành chính mà thực hiện ngừng cấp điện theo qui định./. 

Nguồn tin: Nguyễn Ngọc Lâm - Thanh tra Sở. ​​​​​​​

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây