Câu hỏi 1: Kiểm tra viên điện lực ở các Đơn vị điện lực sử dụng mẫu Biên bản làm việc theo Nghị định 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính (Nghị định 118/2021/NĐ-CP) trong trường hợp nào?.
Đáp: Theo điểm a khoản 1 Điều 12 Nghị định 118/2021/NĐ-CP, thì “Người có thẩm quyền đang thi hành công vụ, nhiệm vụ khi phát hiện vi phạm hành chính phải lập biên bản vi phạm hành chính. Đối với hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính hoặc không thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý của mình, thì người có thẩm quyền đang thi hành công vụ, nhiệm vụ phải lập biên bản làm việc để ghi nhận sự việc và chuyển ngay biên bản đến người có thẩm quyền”.
Kể từ này 31/01/2022, KTVĐL ở các Đơn vị điện lực không còn thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, trong quá trình thực hiện việc kiểm tra sử dụng điện, nếu phát hiện vụ việc có dấu hiệu vi phạm hành chính trong sử dụng điện thì Kiểm tra viên điện lực ở các Đơn vị điện lực ghi nhận sự việc trong biên bản kiểm tra sử dụng điện (mẫu theo Thông tư số 27/2013/TT-BCT ngày 31/10/2013 của Bộ Công Thương, được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 31/2018/TT-BCT ngày 05/10/2018). Nếu phát hiện vụ việc có dấu hiệu vi phạm hành chính ngoài nội dung sử dụng điện thì ghi nhận sự việc trong Biên bản làm việc (mẫu biên bản số 2) ban hành kèm theo Nghị định 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ.
Biên bản làm việc này là một trong những căn cứ để Người có thẩm quyền theo qui định của pháp luật lập biên bản vi phạm hành chính.
Câu hỏi 2: Hành vi trộm cắp điện có giá trị sản lượng điện trộm cắp dưới 1 triệu đồng, theo điểm a khoản 8 Điều 12 Nghị định
134/2013/NĐ-CP ngày 17/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 17/2022/NĐ-CP ngày 31/01/2022 của Chính phủ) có mức phạt tiền từ 4 đến 10 triệu đồng. Trường hợp này chuyển hồ sơ cho Chủ tịch UBND cấp xã xử phạt vi phạm hành chính được không?
Đáp: (1) Theo khoản 1, Điều 34 Nghị định
134/2013/NĐ-CP ngày 17/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 17/2022/NĐ-CP ngày 31/01/2022 của Chính phủ) thì Chủ tịch UBND cấp xã có thẩm quyền phạt cảnh cáo và phạt tiền đến 5 triệu đồng đối với cá nhân và 10 triệu đồng đối với tổ chức. (2) Theo khoản 2, Điều 52 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì thẩm quyền phạt tiền được xác định căn cứ vào mức tối đa của khung tiền phạt quy định đối với từng hành vi vi phạm cụ thể. (3) Mức phạt tiền quy định tại Điều 12 Nghị định
134/2013/NĐ-CP ngày 17/10/2013 (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 17/2022/NĐ-CP ngày 31/01/2022 của Chính phủ) là mức phạt tiền áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện.
Trong tình huống này mức tối đa của khung tiền phạt là 10 triệu đồng, đã vượt quá thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp xã. Do vậy, Kiểm tra viên điện lực phải chuyển hồ sơ vi phạm cho Chủ tịch UBND cấp huyện hoặc các chức danh khác có thẩm quyền xử phạt tương đương./. (Còn tiếp)