Đối với việc giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện có cấp điện áp dưới 110kV, chủ thể được pháp luật quy định để tổ chức hoà giải là Sở Công Thương. Trình tự, thủ tục tổ chức hoà giải tranh chấp hợp đồng được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 27/2013/TT-BCT ngày 31/10/2013 của Bộ Công Thương quy định về kiểm tra hoạt động điện lực và sử dụng điện, giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 31/2018/TT-BCT ngày 05/10/2018). Qua thực tiễn tham gia giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện mặt trời mái nhà, có nhiều nội dung được các bên đưa ra yêu cầu giải quyết tranh chấp và kèm theo đó là các tài liệu chứng minh cho yêu cầu giải quyết tranh chấp là có căn cứ và hợp pháp. Trong bài viết chỉ tìm hiểu và phân tích một số tình huống khi giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện mặt trời mái nhà theo qui định của pháp luật và thoả thuận tại hợp đồng đã ký kết giữa các bên.
Có nhiều dự án ĐMTMN được phát triển theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg ngày 06/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
Thứ nhất, thời điểm áp dụng hợp đồng mua bán điện mặt trời mái nhà: hiện nay đang tồn tại song song hai mẫu hợp đồng mua bán điện mặt trời mái nhà được bên bán điện và bên mua điện ký kết với nhau theo từng thời điểm, đó là hợp đồng mua bán điện cho dự án điện mặt trời trên mái nhà, được ban hành theo Thông tư 05/2019/TT-BCT ngày 11/3/2019 của Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 16/2017/TT-BCT ngày 12/9/2017 (hợp đồng theo Thông tư 05) và hợp đồng mua bán điện cho hệ thống điện mặt trời mái nhà được ban hành theo Thông tư 18/2020/TT-BCT ngày 17/7/2020 của Bộ Công Thương quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời (hợp đồng theo Thông tư 18). Đối với hệ thống điện mặt trời mái nhà đã ký hợp đồng mua bán điện và đưa vào vận hành thương mại sau ngày 30/6/2019 đến trước ngày 31/8/2020 thì bên mua điện và bên bán điện thực hiện ký lại hoặc sửa đổi, bổ sung hợp đồng đã ký theo hợp đồng mua bán điện mẫu được qui định tại Thông tư 18. Từ ngày 31/8/2020, các bên thực hiện theo hợp đồng mua bán điện mẫu tại phụ lục 2 của Thông tư 18. Đối với tình huống này, cần lưu ý về thời điểm áp dụng hợp đồng mẫu, bởi vì nội dung của từng hợp đồng mẫu có sự khác nhau, như hợp đồng theo Thông tư 05, phần căn cứ pháp lý không căn cứ vào Bộ Luật Dân sự 2015 và Luật Thương mại 2005, đơn vị tính công suất dự án điện mặt trời mái nhà là kW...., trong khi đó hợp đồng theo Thông tư 18 có căn cứ vào Bộ Luật Dân sự 2015 và Luật Thương mại 2005, đơn vị tính công suất dự án điện mặt trời mái nhà là kWp.
Thứ hai, phân biệt giữa hợp đồng theo mẫu và hợp đồng mẫu: Căn cứ khoản 2 Điều 405 Bộ Luật Dân sự 2015, bên bán điện cho rằng hợp đồng mua bán điện mặt trời mái nhà là hợp đồng theo mẫu, nên trong nội dung của hợp đồng có điều khoản không rõ ràng thì bên đưa ra hợp đồng (bên mua điện) phải chịu bất lợi khi giải thích điều khoản đó. Trong tình huống này, cần làm rõ khái niệm và qui định của pháp luật về hợp đồng theo mẫu và hợp đồng mẫu.
Hợp đồng theo mẫu là hợp đồng gồm những điều khoản do một bên đưa ra theo mẫu để bên kia trả lời trong một thời gian hợp lý, nếu bên được đề nghị trả lời chấp nhận thì coi như chấp nhận toàn bộ nội dung hợp đồng theo mẫu mà bên đề nghị đã đưa ra (khoản 1 Điều 405 Bộ Luật Dân sự 2015). Khi thực hiện hợp đồng theo mẫu, doanh nghiệp cung cấp hàng hoá, dịch vụ phải thực hiện đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền là Sở Công Thương khi thực hiện trên địa bàn một tỉnh và Bộ Công Thương nếu thực hiện trên địa bàn từ 2 tỉnh trở lên và phải được hai cơ quan này thông báo xác nhận đăng ký hợp đồng theo mẫu thì mới áp dụng thực hiện. Trong danh mục hàng hoá, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung được ban hành theo Quyết định 02/2012/QĐ-TTg ngày 13/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung bởi Quyết định 35/2015/QĐ-TTg ngày 20/8/2015 và Quyết định 25/2019/QĐ-TTg ngày 13/8/2019) chỉ có hợp đồng mua bán điện cho mục đích sinh hoạt là phải đăng ký hợp đồng theo mẫu. Điều này có thể khẳng định hợp đồng mua bán điện cho dự án điện mặt trời mái nhà không phải là hợp đồng theo mẫu, do đó không thể áp dụng khoản 2 Điều 405 của Bộ Luật Dân sự 2015 trong trường hợp này. Đây là hợp đồng mẫu, được ban hành theo Thông tư 05 và Thông tư 18, khi bên bán điện và bên mua điện ký hợp đồng mua bán điện với nhau thì ngoài nội dung của hợp đồng mẫu, các bên có thể được bổ sung một số nội dung của hợp đồng để làm rõ trách nhiệm và quyền hạn của các bên.
Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra tại một dự án ĐMTMN
Thứ ba, về ngôn từ của hợp đồng: Việc bên bán điện cho rằng hợp đồng mua bán điện mặt trời mái nhà được ký theo Thông tư 05 có đơn vị tính là kW cho công suất dự án điện mặt trời mái nhà, thì bên bán điện được quyền lắp đặt thêm tấm pin quang điện (có đơn vị tính là Wp) sau khi đã tổ chức ký biên bản nghiệm thu, phát điện thương mại là không trái với hợp đồng đã ký kết vì khi quy đổi từ kWp sang kW mà công suất của dự án không vượt quá công suất đã ký trong hợp đồng. Bên mua điện cho rằng việc lắp thêm tấm pin quang điện như nói trên là trái với hợp đồng đã ký kết, vì biên bản nghiệm thu đã ghi nhận số lượng tấm pin quang điện tại thời điểm nghiệm thu và việc lắp thêm này chưa được sự đồng ý của bên mua điện, đồng thời đề nghị phải điều chỉnh đơn vị tính công suất dự án điện mặt trời mái nhà là kWp thay cho kW của hợp đồng theo Thông tư 05.
Trong tình huống này, để ký kết hợp đồng mua bán điện cho dự án điện mặt trời mái nhà, các bên phải thực hiện các bước theo quy định từ đăng ký nhu cầu lắp đặt (chủ đầu tư thực hiện bằng văn bản), khảo sát và thoả thuận đấu nối (giữa chủ đầu tư và bên mua điện), lập giấy đề nghị bán điện (chủ đầu tư), tổ chức thí nghiệm điện (chủ đầu tư), tổ chức nghiệm thu đưa vào vận hành thương mại (lập biên bản nghiệm thu giữa chủ đầu tư, bên thi công và bên mua điện), ... và cuối cùng là ký hợp đồng mua bán điện. Trong tất cả các công đoạn này, hợp đồng mua bán điện điều thể thiện “ý chí” của các bên là “dự án điện mặt trời mái nhà”. Theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Thông tư 16/2017/TT-BCT ngày 12/9/2017 thì “Wp, KWp, MWp là đơn vị đo công suất điện một chiều của tấm pin quang điện sản xuất tại điều kiện tiêu chuẩn và được nhà sản xuất công bố” và khoản 1 Điều 3 Thông tư 18/2020/TT-BCT ngày 17/7/2020 của Bộ Công Thương thì “Wp, KWp, MWp là đơn vị đo công suất đỉnh đạt được của tấm quang điện mặt trời trong điều kiện tiêu chuẩn và do nhà sản xuất công bố”.
Việc không thống nhất từ ngữ trong hợp đồng đã ký kết (ở đây là kW và kWp) thì phải được xem xét đến toàn bộ quá trình thực hiện dự án điện mặt trời mái nhà của các bên từ các chứng cứ, tài liệu mà các bên đã thực hiện trước, tại thời điểm xác lập và thực hiện hợp đồng đã thể hiện ý chí của các bên như thế nào?. Trong tình huống này việc thể hiện ý chí của các bên cần xem xét đó là từ lúc đăng ký nhu cầu lắp đặt, khảo sát và thoả thuận đấu nối, lập giấy đề nghị bán điện, tổ chức thí nghiệm điện, tổ chức nghiệm thu đưa vào vận hành thương mại để làm cơ sở giải quyết tranh chấp. Bởi vì, theo khoản 1 Điều 404 Bộ Luật Dân sự 2015 qui định “Khi hợp đồng có điều khoản không rõ ràng thì việc giải thích điều khoản đó không chỉ dựa vào ngôn từ của hợp đồng mà còn phải căn cứ vào ý chí của các bên được thể hiện trong toàn bộ quá trình trước, tại thời điểm xác lập, thực hiện hợp đồng”.
Một trong những nguyên tắc mà chủ thể được pháp luật giao nhiệm vụ giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện là phải tuân thủ qui định của pháp luật và phải căn cứ vào thoả thuận tại hợp đồng đã ký kết giữa bên bán điện và bên mua điện. Đồng thời tôn trọng thoả thuận không trái pháp luật và quyền tự thương lượng giữa các bên có tranh chấp hợp đồng mua bán điện trong suốt quá trình giải quyết. Có như thế mới đảm bảo tính khách quan, công bằng và là “điểm đến” cho các bên khi có tranh chấp hợp đồng mua bán điện mà chưa nhất thiết phải thực hiện các thủ tục tố tụng dân sự tại toà án hoặc trọng tài thương mại./.