Hỏi đáp về tình huống xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực (phần 2)

Thứ ba - 31/05/2022 04:39
Kiểm tra viên điện lực (KTVĐL) ở các Đơn vị điện lực có phản ánh một số bất cập, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm tra sử dụng điện theo thẩm quyền. Tổng hợp các ý kiến phản ánh về bất cập, vướng mắc của KTVĐL, chúng tôi biên tập một số tình huống dưới dạng hỏi đáp về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực như sau:
Câu hỏi 3: Việc qui định thời hạn chuyển hồ sơ có dấu hiệu vi phạm hành chính cho Người có thẩm quyền theo qui định của pháp luật để lập Biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực như thế nào?
Đáp: Thời hạn lập biên bản vi phạm hành chính là 02 ngày làm việc kể từ khi phát hiện vi phạm hành chính, trừ những qui định tại điểm b, c, d, đ khoản 2 Điều 12 Nghị định 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính. Kiểm tra viên điện lực ở các Đơn vị điện lực khi phát hiện hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực thì lập biên bản kiểm tra sử dụng điện, hoặc biên bản làm việc để ghi nhận sự việc có dấu hiệu vi phạm và phải chuyển ngay hồ sơ vi phạm cho Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực (được qui định từ Điều 34 đến Điều 37 Nghị định 134/2013/NĐ-CP ngày 17/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 17/2022/NĐ-CP ngày 31/01/2022 của Chính phủ) để lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt theo qui định.
cd8d9dceb4e474ba2df5
Ảnh: vi phạm quy định về an toàn điện
Câu hỏi 4: Hành vi trộm cắp điện phục vụ cho mục đích chiếu sáng công cộng tại cộng đồng dân cư, hành vi này xử phạt tổ chức hay cá nhân? Trường hợp không xác định được đối tượng thực hiện, thì xử lý như thế nào?
Đáp: Theo khoản 5, Điều 3 Nghị định 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, qui định “Hộ kinh doanh, hộ gia đình, cộng đồng dân cư vi phạm hành chính bị áp dụng mức phạt tiền đối với cá nhân vi phạm hành chính. Người đại diện của hộ kinh doanh, chủ hộ của hộ gia đình, người đứng đầu của cộng đồng dân cư chịu trách nhiệm thực hiện các quyết định xử phạt vi phạm hành chính cho hộ kinh doanh, hộ gia đình, cộng đồng dân cư”. Do vậy, đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp này là “cộng đồng dân cư”, sẽ bị áp dụng mức phạt tiền đối với cá nhân vi phạm hành chính. Kiểm tra viên điện lực thiết lập hồ sơ chuyển cho Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực để xem xét xử lý theo quy định.
Trường hợp không xác định được đối tượng thực hiện hành vi trộm cắp điện phục vụ cho mục đích chiếu sáng công cộng tại cộng đồng dân cư, KTVĐL vẫn tiến hành các bước như quy định tại Thông tư 27/2013/TT-BCT ngày 31/10/2013 được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 31/2018/TT-BCT ngày 05/10/2018 của Bộ Công Thương để ghi nhận sự việc (lập Biên bản kiểm tra sử dụng điện; tính toán sản lượng điện bồi thường, vẽ sơ đồ trộm cắp điện ...) và chuyển hồ sơ cho Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực xem xét xử lý. Nếu kiểm tra, xác minh mà không xác định được đối tượng thực hiện hành vi nêu trên thì Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực sẽ xem xét áp dụng theo khoản 1 Điều 65 Luật Xử lý vi phạm hành chính./. (Còn tiếp)

Nguồn tin: Nguyễn Ngọc Lâm - Thanh tra Sở. ​​​​​​​

Tổng số điểm của bài viết là: 12 trong 4 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây