Những điểm mới của Nghị định 60/2024/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ của Chính phủ

Thứ sáu - 19/07/2024 03:44
Ngày 05 tháng 6 năm 2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 60/2024/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ, Nghị định này đặt ra các quy định chi tiết về phân loại chợ, quản lý và tổ chức hoạt động chợ, nhằm nâng cao hiệu quả phục vụ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, theo đó có nhiều điểm mới thay đổi so với các quy định trước đây.
Tập huấn về nghiệp vụ chợ năm 2024
Tập huấn về nghiệp vụ chợ năm 2024
Cụ thể, một số các thay đổi của Nghị định như: không sử dụng cụm từ “truyền thống", sửa đổi khái niệm chợ dân sinh từ “chợ dân sinh là chợ hạng 3 do xã, phường quản lý nhằm mục đích kinh doanh những mặt hàng thông dụng và thiêt yếu phục vụ đời sống hàng ngày của người dân được quy định tại Nghị định số 02/2003/NĐ-CP và Nghị định sổ 114/2009/NĐ-CP thành Chợ dân sinh là chợ kinh doanh những mặt hàng thông dụng và thiết yếu phục vụ đời sống hàng ngày của người dân. Nghị định mới lược bỏ các khái niệm như chợ trong khu kinh tế cửa khẩu, chợ biên giới, chợ miền núi, chợ cửa khẩu... Ngoài ra, Nghị định đã bổ sung các khái niệm: chợ đêm, điểm kinh doanh tự phát, chợ di tích, lịch sử, văn hóa, cảnh quan kiến trúc, chợ cộng đồng, cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công về chợ, tài sản kết cấu hạ tầng chợ và đã bổ sung, làm rõ khái niệm về chợ kiên cố, chợ bán kiên cố.
Chợ theo Nghị định mới được phân loại theo 3 hình thức, cụ thể theo phương thức kinh doanh (chợ dân sinh, chợ đầu mối), trong đó bổ sung tiêu chí chợ đầu mối do Quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới chợ đã được tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch; phân loại theo quy mô để phân cấp quản lý (chợ hạng 1, hạng 2 và hạng 3) và phân loại theo nguồn vốn (nguồn vốn ngân sách nhà nước và ngoài ngân sách nhà nước) thay vì chỉ phân loại theo quy mô như tại Nghị định số 02/2003/NĐ-CP và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP trước đây.
Bên cạnh đó, việc tổ chức quản lý chợ và hoạt động kinh doanh tại chợ được quy định tại Chương III đã được làm rõ, theo đó, chợ được quản lý bởi doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư, kinh doanh, khai thác, quản lý chợ hoặc đối tượng được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng chợ đối với tài sản do nhà nước đầu tư... thay vì ban quản lý chợ như trước đây. Ngoài ra, các thủ tục hành chính đối với việc phê duyệt nội quy chợ cũng được cắt giảm đáng kể. 
Đáng lưu ý, về quản lý điểm kinh doanh tại chợ, Nghị định mới này cắt giảm thủ tục hành chính về việc phương án bố trí, sắp xếp ngành nghề kinh doanh, sử dụng điểm kinh doanh tại chợ trình ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền phê duyệt so với quy định tại Nghị định số 02/2003/NĐ-CP và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP. Đồng thời, bổ sung quy định về thời hạn sử dụng hoặc thuê điểm kinh doanh tại chợ do các bên tự thỏa thuận trừ trường hợp pháp luật khác quy định; thời hạn sử dụng hoặc thuê điểm kinh doanh tại chợ phải được thể hiện trong họp đồng giữa tổ chức quản lý chợ với thương nhân kinh doanh tại chợ theo hướng dẫn của ủy ban nhân dân có thẩm quyền. Bỏ quy định phương án bố trí, sắp xếp khu vực kinh doanh, sử dụng điểm kinh doanh tại chợ phải trình ủy ban nhân dân cấp có thấm quyền phê duyệt.
Những điểm nổi bật này giúp Nghị định số 60/2024/NĐ-CP đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng quản lý và phát triển các chợ, đồng thời đảm bảo an toàn và lợi ích cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp.
Sở Công Thương là cơ quan giúp việc của UBND tỉnh có nhiệm vụ tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách quản lý và phát triển các loại hình kết cấu hạ tầng thương mại như chợ, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, siêu thị, cửa hàng bán lẻ ngành nghề kinh doanh có điều kiện, sở giao dịch hàng hóa, trung tâm hội chợ.
Theo đó, hàng năm, Sở đã phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức các lớp bồi dưỡng về nghiệp vụ chợ cho đối tượng là các Ban quản lý các chợ trên địa bàn tỉnh, các doanh nghiệp, hợp tác xã quản lý kinh doanh khai thác chợ, đại diện tiểu thương kinh doanh tại chợ. Tại lớp Bồi dưỡng, các chủ thể hoạt động có liên quan được tuyên truyền các chính sách của Nhà nước về phát triển và quản lý chợ; thực tiễn và kinh nghiệm về chuyển đổi mô hình kinh doanh chợ, xây dựng chợ nông thôn mới, chợ kinh doanh thực phẩm; kinh doanh chợ phù hợp với xu hướng. 
Tap huan cho 2024
Tập huấn nghiệp vụ chợ năm 2024
Hiện nay, hoạt động quản lý nhà nước về chợ theo quy định tại Nghị định mới này có sự kế thừa quy định của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP, tuy nhiên, các quy định trong Nghị định mới cho thấy lĩnh vực chợ không chỉ riêng ngành Công Thương quản lý như trước đây, mà có sự liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực. Theo Quyết định số 1825/QĐ-UBND ngày 09/7/2024 của Bộ Công Thương công bố thủ tục hành chính mới ban hành trong lĩnh vực tài sản kết cấu hạ tầng chợ do nhà nước đầu tư, quản lý, có 3 thủ tục hành chính mới gồm: giao tài sản kết cấu hạ tầng chợ do cấp tỉnh quản lý, giao tài sản kết cấu hạ tầng chợ do cấp huyện quản lý, thu hồi tài sản kết cấu hạ tầng chợ, các thủ tục hành chính này sẽ được thực hiện bởi cơ quan chuyên môn quản lý về tài sản kết cấu hạ tầng chợ.
Trong khi chờ Nghị định 60/2024/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ có hiệu lực kể từ ngày 1/8/2024, Sở Công Thương đã đề nghị UBND tỉnh xem xét hoạt động công bố thủ tục hành chính có liên quan, đồng thời tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phân công nhiệm vụ đối với các Sở, ngành trên địa bàn để thống nhất triển khai thực hiện Nghị định trong thời gian tới. 

Tác giả: Tin: Phạm Thị Bích Nguyên - Phòng Quản lý Thương mại

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây