Sở Công Thương Đắk Lắkhttps://socongthuong.daklak.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ năm - 07/03/2024 02:38
Từ ngày 26/2 đến ngày 02/3/2024, Đoàn công tác của tỉnh Đắk Lắk đã tham dự Hội nghị Ủy ban Điều phối chung khu vực Tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam và các hoạt động liên quan tổ chức tại tỉnh Attapư, Lào.
Đoàn công tác tỉnh Đắk Lắk gồm đại diện lãnh đạo các sở, ngành như: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Tỉnh đoàn, Ngoại vụ đã tham dự các hoạt động trong khuôn khổ chương trình Hội nghị Ủy ban Điều phối chung khu vực Tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam trong đó có các hoạt động như: Hội nghị xúc tiến Thương mại, Đầu tư và Du lịch ngày 27/2/2024 với sự có mặt của các bộ ngành liên quan của 3 nước Lào - Campuchia - Việt Nam; Ủy ban chính quyền, các sở, ngành và doanh nghiệp của 13 tỉnh thuộc khu vực Tam giác phát triển gồm Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Bình Phước, Sekong, Attapeu, Salavan, Champasak, Stung Treng, Rattanakiri, Mondulkiri, Kratie. Hội nghị xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch đã đánh giá các kết quả thúc đẩy công tác xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch của mỗi nước và của địa phương các tỉnh trong khu vực CLV; qua đó nhận định tình hình, chỉ ra những hạn chế, khó khăn, cơ hội và đề ra giải pháp thiết thực, gắn kết hơn trên từng lĩnh vực đầu tư, thương mại và du lịch để có sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả trong thu hút các nguồn lực, khai thác sử dụng tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, mỗi nước trong khu vực CLV, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo và tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác giữa 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia, bên cạnh đó, một số các vấn đề tồn tại trong việc thúc đẩy hoạt động đầu tư khu vực Tam giác phát triển đã được nêu ra tại Hội nghị: Cơ sở hạ tầng đã được quan tâm nâng cấp, nhưng vẫn còn yếu kém hơn so với các khu vực khác; nguồn vốn đầu tư còn thiếu, chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư chưa thật sự rõ ràng và thủ tục hành chính liên quan đến vận chuyển hàng hóa, luật hải quan, thuế vẫn còn phức tạp chưa được tháo gỡ.
Tại Hội nghị trên, đại diện Việt Nam đã đưa ra một số kiến nghị như các bên có liên quan thường xuyên rà soát, đẩy nhanh việc triển khai các hiệp định, thỏa thuận hợp tác đã có giữa các bên nước và đồng thời sớm xây dựng các thỏa thuận hợp tác cần thiết mới như về lao động, bảo đảm cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh và khai thông các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; Đẩy nhanh việc triển khai có hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận hợp tác song phương và đa phương giữa các bên nhằm tạo khung pháp lý thuận lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp...; Đề nghị nâng cấp và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, trong đó đặc biệt là hạ tầng giao thông, điện, nước, hệ thống thủy nông, thủy lợi...; Đơn giản hóa thủ tục hải quan, tạo điều kiện đưa nhân lực, hàng hóa, thiết bị, phương tiện qua cửa khẩu thuận lợi.
Vào ngày 28/2/2024, đoàn công tác tỉnh đã tham dự Hội nghị Tiểu ban địa phương lần thứ 11 khu vực Tam giác phát triển với sự chủ trì của Ngài Tha-Nu-Xay Băn-Xa-Lít, Phó Tỉnh trưởng tỉnh Attapư, Trưởng Tiểu ban điều phối địa phương nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; Ngài Me-Át Kim-Heng, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia, Trưởng Tiểu ban điều phối địa phương Vương quốc Campuchia; đồng chí Nguyễn Ngọc Sâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum đồng chủ trì; các đại biểu của 13 tỉnh khu vực CLV. Hội nghị đã đánh giá tình hình thực hiện các hoạt động hợp tác về kinh tế trong Tam giác phát triển CLV kể từ Hội nghị Tiểu ban Địa phương lần thứ 10 được tổ chức vào tháng 3 năm 2019 tại tỉnh Kratie (Vương quốc Campuchia); nhìn nhận những kết quả đạt được, khó khăn, thách thức và kiến nghị một số nội dung tăng cường hợp tác trong khu vực lên Hội nghị cấp cao (SOM) để trình tại phiên họp của Hội nghị Ủy ban điều phối chung lần thứ 13 Khu vực Tam giác phát triển CLV thứ 13; thảo luận thông qua báo cáo của Tiểu ban; Thảo luận về thời gian, địa điểm tổ chức Hội nghị cấp cao tiếp theo và đưa ra phương hướng hợp tác trong thời gian tới...
Theo báo cáo được nêu tại Hội nghị, thời gian qua, 5 tỉnh thuộc Khu vực Tam giác phát triển của Việt Nam (Kon Tum, Bình Phước, Đắk Lắk, Đăk Nông và Gia Lai) đã quan tâm, tăng cường kết nối, hợp tác với các tỉnh thuộc Khu vực Tam giác phát triển của Lào và Campuchia; ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật khu vực biên giới, từng bước tạo sự kết nối mạnh mẽ giữa các tỉnh trong khu vực. Nhiều biên bản hợp tác trên các lĩnh vực y tế, văn hóa, xã hội và an ninh, quốc phòng đã được ký kết và triển khai đạt được một số kết quả khả quan. Đến nay, các doanh nghiệp thuộc 5 tỉnh đã có 46 dự án đầu tư sang các tỉnh nằm trong Khu vực tam giác phát triển của Campuchia và Lào, với tổng vốn đầu tư khoảng 1,88 tỷ USD (trong đó đầu tư tại Lào 19 dự án và tại Campuchia 27 dự án), chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực trồng, chế biến cao su, cọ dầu, điều và xây dựng...
Ông Trần Quang Sơn – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra một số đề xuất hợp tác trong lĩnh vực: du lịch, đầu tư cơ sở hạ tầng đường giao thông..; đề nghị với lãnh đạo Nhà nước Campuchia sớm đầu tư tuyến đường giao thông từ huyện Cô Nhéc – tỉnh Mondulkiri đến Cửa khẩu Chi Miết – Đắk Ruê phía Campuchia tạo điều kiện đưa cửa khẩu này vào hoạt động. Phía Campuchia nhất trí về chủ trương mở các cửa khẩu nhưng phải tiến hành thực hiện sau khi đã được phân định biên giới rõ ràng giữa 2 nước.
Ngoài ra, trong khuôn khổ chương trình công tác, Hội nghị Tiểu ban An ninh - Đối ngoại lần thứ 12 cũng đã đưa ra các đánh giá về việc thực hiện kết luận tại Hội nghị tiểu ban an ninh - đối ngoại lần thứ 11 và thảo luận định hướng hợp tác trong thời gian tới. 3 bên trao đổi về tăng cường hợp tác nhằm thực hiện tốt công tác an ninh trên khu vực biên giới, quản lý tốt khu vực đường biên, thực hiện hiệu quả phòng chống tội phạm ma túy, buôn bán người, tội phạm xuyên biên giới..
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tưTrần Quốc Phương đã nêu bật những kết quả hợp tác trong những năm qua của Khu vực Tam giác Phát triển CLV; khẳng định trong 25 năm qua, ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam đã phối hợp thực hiện nhiều chương trình, hoạt động chung, góp phần xây dựng kinh tế các địa phương trong khu vực tăng trưởng khá. Công tác giảm nghèo đạt kết quả tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện. Quốc phòng an ninh được giữ vững, góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị và cùng phát triển của ba quốc gia.
Tuy nhiên, việc triển khai hợp tác trong khu vực còn nhiều hạn chế: tăng trưởng kinh tế chưa tạo được bước đột phá lớn để phát triển kinh tế - xã hội các địa phương và rút ngắn khoảng cách phát triển so với mức bình quân chung của quốc gia. Việc xây dựng và triển khai các chính sách, chương trình, kế hoạch hợp tác cụ thể trong các lĩnh vực còn chậm.
Các bên đều thống nhất cần phải quan tâm thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác trong Tam giác phát triển CLV, nhất là trong các lĩnh vực đầu tư, tạo thuận lợi về thương mại, du lịch, phát triển trang web chung CLV, triển khai Kế hoạch hành động kết nối 3 nền kinh tế, cũng như triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Khu vực Tam giác phát triển CLV đến năm 2030 và những năm tiếp theo.
Các bên yêu cầu các cơ quan, địa phương liên quan trong Khu vực Tam giác phát triển CLV tăng cường hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối kinh doanh và thu hút các doanh nghiệp của các nước khác tham gia hợp tác đầu tư và thương mại trong Tam giác phát triển CLV; khuyến khích các nước CLV hợp tác chặt chẽ để tìm kiếm sự hỗ trợ hoặc hỗ trợ tài chính cho các dự án phát triển trong CLV, đặc biệt trong việc triển khai Kế hoạch hành động kết nối kinh tế CLV đến năm 2030...
Các Chủ tịch Ủy ban điều phối chung ba nước đã ký Biên bản Hội nghị Ủy ban điều phối chung lần thứ 13 Khu vực Tam giác phát triển CLV tại Hội nghị Ủy ban Điều phối chung lần thứ 13 khu vực Tam giác phát triển CLV.
Thông qua chuyến công tác, đoàn công tác đã có cơ hội trao đổi về các khó khăn, vướng mắc trong các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch giữa tỉnh Đắk Lắk với các địa phương trong khu vực Tam giác phát triển CLV, các định hướng hợp tác trong thời gian tới.
Tác giả: Tin: Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - Phòng Quản lý Thương mại