Những lưu ý về an toàn trong khai thác mỏ đá theo phương pháp lộ thiên trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

Thứ sáu - 03/05/2024 22:32
           Hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2024 với chủ đề: “Tăng cường đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng” theo Kế hoạch số 12/KH-UBND ngày 16/01/2024 của UBND tỉnh Đắk Lắk.
          Trong thời gian qua, kiểm tra về công tác an toàn trong khai thác mỏ theo phương pháp lộ thiên đối với các đơn vị khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh được tăng cường. Qua kiểm tra các đơn vị cơ bản chấp hành các qui định của pháp luật về an toàn trong khai thác mỏ lộ thiên, không để xảy ra các vụ tai nạn, sự cố về an toàn lao động nghiêm trọng. Nhiều nội dung về công tác an toàn đã được các doanh nghiệp, người sử dụng lao động quan tâm thực hiện như lập hồ sơ theo dõi về quản lý an toàn tại mỏ; tổ chức huấn luyện an toàn và cấp thẻ an toàn cho người lao động; tổ chức kiểm tra, giám sát nội bộ về an toàn vệ sinh lao động, an toàn kỹ thuật để nhắc nhở, hướng dẫn cho người lao động chấp hành tốt các qui định về an toàn trong quá trình sản xuất, khai thác. Thực hiện việc xây dựng các quy trình, nội quy an toàn; chú trọng công tác vệ sinh công nghiệp trong khu vực chế biến đá; xây dựng kế hoạch, đánh giá nguy cơ rủi ro, ứng cứu sự cố khẩn cấp; máy móc thiết bị tại mỏ được quản lý theo dõi, đối với máy móc thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt đã thực hiện kiểm định trước khi đưa vào sử dụng theo qui định. Công tác khai thác mỏ, công tác đổ thải, công tác thoát nước, bảo vệ bờ mỏ, công tác khoan nổ mìn đảm bảo theo qui định; việc sử dụng vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN) tại các mỏ cơ bản thực hiện đúng quy định, không để xảy ra việc thất thoát vật liệu nổ; có hợp đồng mua bán vật liệu nổ công nghiệp với đơn vị đủ điều kiện theo qui định; người lao động làm việc có liên quan đến công tác vật liệu nổ công nghiệp như chỉ huy nổ mìn, thợ mìn, người quản lý,… đã tham gia huấn luyện kỹ thuật an toàn VLNCN và được cấp giấy chứng nhận; các doanh nghiệp đã xây dựng đánh giá nguy cơ rủi ro và kế hoạch ứng cứu khẩn cấp trong quá trình sử dụng VLNCN; máy móc thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt đã thực hiện kiểm định theo qui định (máy nổ mìn); có quyết định bổ nhiệm người làm nhiệm vụ chỉ huy nổ mìn theo đúng qui định.
Hoạt động khai thác mỏ theo phương pháp lộ thiên
Hoạt động khai thác mỏ theo phương pháp lộ thiên
        Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị chưa tuân thủ nghiêm túc qui định của pháp luật về an toàn trong khai thác mỏ lộ thiên, như việc xây dựng các quy định, quy trình về an toàn tại mỏ chưa được cập nhật phù hợp với thực tế; công tác kiểm tra, theo dõi kỹ thuật an toàn trong khai thác thực hiện chưa thường xuyên, việc ghi chép nội dung kiểm tra, nhắc nhở người lao động chấp hành qui tắc an toàn chưa tốt; việc niêm yết các quy trình, nội quy an toàn chưa đúng vị trí, khó quan sát, thậm chí nhiều bảng qui trình, nội qui, biển cảnh báo mất an toàn đã bạc màu, không rõ chữ nhưng chưa được thay thế. Một số vị trí bờ dừng mỏ chưa đảm bảo các thông số theo thiết kế, chưa có biện pháp khắc phục nước mặt chảy vào moong khai thác; chưa lập bổ sung nội dung thiết kế mỏ. Lắp đặt các biển cảnh báo, chỉ dẫn chưa đầy đủ tại các vị trí có nguy cơ mất an toàn, nguy hiểm và biển cảnh báo về an toàn, đề phòng tai nạn ở một số vị trí có nguy cơ mất an toàn chưa được đảm bảo như khu vực đặt hệ thống nghiền sàng, khu vực đường vận chuyển nội bộ trong mỏ... Việc xây dựng và ban hành các qui trình vận hành máy móc thiết bị tại mỏ chưa được quan tâm; báo cáo đánh giá rủi ro và kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố vật liệu nổ công nghiệp thực hiện chưa đầy đủ, chưa đảm bảo nội dung theo qui định.
          Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 và các văn bản qui phạm pháp luật có liên quan qui định khá cụ thể về trách nhiệm của người sử dụng lao động phải thực hiện các biện pháp an toàn cho người, máy móc thiết bị và bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác mỏ. Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong khai thác mỏ lộ thiên (QCVN 04:2009/BCT) thì an toàn là trạng thái mà con người, thiết bị, môi trường được bảo vệ, phòng chống lại những tác nhân nguy hại có thể phát sinh (hoặc tiềm ẩn) do chủ quan, khách quan trong hoạt động khoáng sản bằng phương pháp khai thác mỏ lộ thiên. An toàn trong khai thác mỏ đá theo phương pháp lộ thiên được hiểu là công tác phòng ngừa, đánh giá rủi ro, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại trong hoạt động sản xuất, khai thác đá để có các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, thiết bị, bảo vệ môi trường. Ngoài ra, trong hoạt động khai thác và chế biến đá, công tác an toàn về lao động cần phải tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 05:2012/BLĐTBXH về an toàn lao động trong khai thác và chế biến đá.
Khai thác đá làm vật liệu xây dựng
Khai thác đá làm vật liệu xây dựng
       Phòng tránh nguy cơ mất an toàn trong lao động khai thác mỏ lộ thiên phải luôn được đề cao, thường xuyên kiểm tra rà soát, đánh giá nguy cơ để có biện pháp khắc phục, xử lý tại từng mỏ khai thác, không để xảy ra các vụ tại nạn thương tâm do mất an toàn về lao động như đã xảy ra ở một số tỉnh trong thời gian qua. Xuất phát từ thực trạng chấp hành pháp luật về an toàn lao động của các đơn vị trong khai thác mỏ đá theo phương pháp lộ thiên như đã nêu trên, những người làm công tác kiểm tra chuyên ngành khuyến nghị người sử dụng lao động cần tăng cường hơn nữa công tác an toàn vệ sinh lao động tại đơn vị mình, thực hiện việc đầu tư trang thiết bị bảo hộ cho người lao động, chủ động kiểm tra, rà soát các khâu trong quá trình khai thác mỏ, nhằm chủ động hơn nữa công tác an toàn, đảm bảo cho quá trình sản xuất khai thác mỏ. Trong đó, cần tập trung triển khai thực hiện một số nội dung về an toàn như sau:
         - Thứ nhất, kiện toàn nhân lực quản lý sản xuất, nhất là bổ nhiệm Giám đốc điều hành mỏ phải đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện theo khoản 2 Điều 62 Luật Khoáng sản. Giám đốc điều hành mỏ chịu trách nhiệm trong việc điều hành hoạt động khai thác theo Giấy phép khai thác khoáng sản, là người thực hiện triển khai dự án đầu tư, thiết kế mỏ đã phê duyệt theo quy định của pháp luật về khoáng sản và thực hiện các quy định về an toàn lao động, bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản.
         - Thứ hai, thực hiện việc lập hồ sơ quản lý an toàn lao động: theo đó hàng năm đơn vị phải lập kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động; thực hiện việc đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn vệ sinh lao động và lập kế hoạch ứng cứu sự cố khẩn cấp. Việc đánh giá nguy cơ rũi ro về an toàn, vệ sinh lao động là việc nhận diện các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại có thể xảy ra tại khu mỏ mà đơn vị được cấp quyền khai thác để có kế hoạch ứng phó, khắc phục và được thực hiện định kỳ ít nhất một lần trong 01 năm. Nội dung của công việc này phải đảm bảo theo quy định tại Điều 77, 78, 79 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 và các qui định khác có liên quan. Trong kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động phải đảm bảo các nội dung về biện pháp kỹ thuật an toàn lao động và phòng, chống cháy, nổ; biện pháp về kỹ thuật vệ sinh lao động, phòng, chống yếu tố có hại và cải thiện điều kiện lao động; trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động như mũ bảo hộ lao động, găng tay, kính bảo vệ mắt, giầy, ủng bảo hộ,… (theo Thông tư 25/2022/TT-BLĐTBXH ngày 30/11/2022 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định về chế độ trang phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động); chăm sóc sức khỏe người lao động; thông tin, tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động. Đối với các công việc phát sinh trong năm kế hoạch thì phải bổ sung nội dung phù hợp vào kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động để thực hiện.
Tăng cường kiểm tra an toàn điện mỏ
Tăng cường kiểm tra an toàn điện mỏ
            - Thứ ba, tổ chức huấn luyện cho người lao động và rà soát các qui trình về an toàn: công việc khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, vận hành, sữa chữa máy móc, thiết bị tại mỏ là một trong 32 công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động theo qui định tại Thông tư số 06/2020/TT-BLĐTBXH ngày 20/8/2020 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Do vậy, người sử dụng lao động phải thực hiện việc huấn luyện an toàn cho người lao động làm việc tại mỏ và cấp thẻ an toàn lao động theo các nhóm đối tượng lao động được qui định tại Nghị định 44/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ (nhóm 1 do đơn vị huấn luyện cấp thẻ; nhóm 3 sau khi được huấn luyện, đơn vị sử dụng lao động cấp thẻ an toàn lao động theo qui định). Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức rà soát, kiểm tra việc xây dựng các quy trình, nội quy an toàn lao động, nội qui về phòng chống cháy nổ, nội qui về sử dụng điện tại mỏ,…; xây dựng và ban hành đủ các quy trình vận hành, kiểm tra, sửa chữa máy móc, thiết bị và qui định về giao nhận ca. Các qui trình, nội qui này phải được phổ biến, tập huấn cho người lao động biết và được lắp đặt tại những vị trí dễ thấy, dễ đọc.
             - Thứ tư, tổ chức tự kiểm tra an toàn vệ sinh lao động và giám sát kỹ thuật an toàn trong khai thác: đơn vị khai thác mỏ phải thành lập ban an toàn vệ sinh lao động hoặc tổ kiểm tra về công tác an toàn vệ sinh lao động để thực hiện công tác tự kiểm tra, việc kiểm tra toàn diện ít nhất 01 lần trong 06 tháng ở cấp cơ sở sản xuất, kinh doanh và 01 lần trong 03 tháng ở cấp phân xưởng, tổ, đội sản xuất. Nội dung, hình thức và cách thức tự kiểm tra thực hiện theo hướng dẫn tại định tại Thông tư 07/2016/TT-BLĐTBXH ngày 15/5/2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, việc kiểm tra phải lập biên bản và ghi chép đầy đủ thông tin, nội dung được kiểm tra. Đối với công tác kiểm tra, giám sát kỹ thuật an toàn, đơn vị khai thác mỏ phải phân công trách nhiệm kiểm tra, giám sát kỹ thuật an toàn cho các đối tượng quản lý (như giám đốc, các phó giám đốc, trưởng phòng, quản đốc, phó quản đốc trực ca,...). Thường xuyên kiểm tra kỹ thuật đối với máy móc thiết bị, đặt biệt là các máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động phải đủ điều kiện kỹ thuật an toàn mới đưa vào sử dụng (thuộc Danh mục sản phẩm hàng hóa nhóm 2), đồng thời kiểm tra, rà soát các quy trình, quy định về vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa máy móc thiết bị như máy đập, máy nghiền,... kiểm tra việc lắp đặt và trang bị cơ cấu bảo vệ, bảo hiểm để ngăn ngừa vật liệu văng ra gây nguy hại cho người đối với máy đập, máy nghiền. Tổ chức kiểm tra an toàn điện, bảo vệ chống rò điện, quy định về bảo vệ cường độ đối với mạng cung cấp điện và thiết bị điện mỏ. Không được để các máy móc, thiết bị làm việc khi không có tiếp đất hoặc tiếp đất bị hỏng, không đúng qui cách. Thường xuyên kiểm tra về công tác chuẩn bị nguyên liệu, cấp tải, dỡ tải, vận chuyển nguyên liệu.
image 20240504093054 4
Tăng cường lắp đặt các biển cảnh báo tại những nơi có nguy cơ mất an toàn
     - Thứ năm, rà soát việc lập, phê duyệt thiết kế mỏ và tổ chức thực hiện: các đơn vị khai thác cần rà soát quyết định phê duyệt thiết kế kỹ thuật khai thác, xem xét nếu không phù hợp thì phải tổ chức lập thiết kế mỏ bổ sung gửi cơ quan có thẩm quyền thẩm định theo qui định tại Thông tư số 26/2016/TT-BCT ngày 30/11/2016 của Bộ Công Thương. Trong quá trình khai thác mỏ, chú trọng về công tác mở vỉa và thông số hệ thống khai thác, tiến độ phát triển mỏ. Luôn theo dõi công tác bảo vệ bờ mỏ, kịp thời phát hiện và xử lý sự cố sạt lở bờ mỏ, thoát nước và ngăn ngừa bục nước. Trong mùa mưa chú trọng công tác thoát nước mỏ, không để nước mặt chảy vào moong khai thác, nước mưa trong moong phải được bơm cưỡng bức ra nơi thoát nước theo thiết kế. Việc đổ thải phải tiến hành trong ranh giới mỏ theo vị trí theo thiết kế, phương pháp và trình tự đổ thải phải đảm bảo an toàn.
image 20240504093054 6
Thường xuyên kiểm tra, giám sát về an toàn tại nơi làm việc
            - Thứ sáu, rà soát, kiểm tra công tác an toàn trong việc sử dụng vật liệu nổ công nghiệp. Đơn vị khai thác mỏ có sử dụng VLNCN phải chú trọng việc xây dựng báo cáo đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn và kế hoạch ứng cứu khẩn cấp về vật liệu nổ công nghiệp. Kế hoạch phải thể hiện đầy đủ các phương án xử lý tình huống khẩn cấp, định kỳ hàng năm phải được rà soát cập nhật, đồng thời tổ chức luyện tập, diễn tập xử lý tình huống khẩn cấp theo qui định. Nội dung của nhiệm vụ này, các đơn vị thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư 13/2018/TT-BCT ngày 15/6/2018 quy định về quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ sử dụng để sản xuất vật liệu nổ công nghiệp, được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 31/2020/TT-BCT ngày 31/11/2020 của Bộ Công Thương. Người lao động làm việc liên quan đến VLNCN như chỉ huy nổ mìn, thợ mìn, người quản lý,... phải được huấn luyện và được cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn VLNCN mới thực hiện công việc liên quan đến VLNCN./.

Tác giả: Ngọc Lâm - Thanh tra Sở

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây