Sở Công Thương: Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo

Thứ tư - 04/12/2024 00:12
Luật Tiếp công dân được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua và ban hành ngày 23/11/2013, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2014, Luật Tiếp công dân quy định về trách nhiệm tiếp công dân; quyền và nghĩa vụ của người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; việc tổ chức hoạt động tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân, địa điểm tiếp công dân của cơ quan, tổ chức, đơn vị và điều kiện bảo đảm cho hoạt động tiếp công dân.
Tại Chỉ thị số 35 – CT/TW ngày 26/5/2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, Bộ Chính trị đã nhận định: “…công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có chuyển biến tích cực. Nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên, công chức và công dân ngày càng được nâng lên; pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tiếp tục được hoàn thiện…. Tuy nhiên, tình hình khiếu nại, tố cáo nói chung và khiếu nại, tố cáo liên quan đến tham nhũng, hoạt động tư pháp, tôn giáo còn diễn biến phức tạp. Số vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, kéo dài, vượt cấp có xu hướng gia tăng, một số vụ việc manh động, quá khích, có sự kích động, hỗ trợ của các phần tử xấu; cá biệt có trường hợp cực đoan, quyết liệt chống lại người thi hành công vụ. Nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo về đất đai, tranh chấp tài sản chưa được giải quyết dứt điểm, để kéo dài, gây bức xúc, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh “điểm nóng” về an ninh trật tự…”. Trước thực trạng của những hạn chế, thiếu sót như đã nêu trên, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả của công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, Bộ Chính trị đã quyết liệt chỉ đạo và yêu cầu các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp đối với công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo và được cụ thể hóa bằng việc ban hành Chỉ thị số 35 – CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.4
Sở Công Thương Đắk Lắk thực hiện chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk quản lý nhà nước về công thương đối với các ngành và lĩnh vực: cơ khí, luyện kim, điện, năng lượng, dầu khí, hoá chất, vật liệu nổ công nghiệp, công nghiệp khai thác mỏ và chế biến khoáng sản (trừ vật liệu xây dựng thông thường), lĩnh vực công nghiệp và lĩnh vực thương mại…, tuy các lĩnh vực thuộc ngành công thương ít phát sinh các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài, vượt cấp hoặc có nguy cơ trở thành “điểm nóng” về an ninh trật tự, nhưng nhận thức được tầm quan trọng của công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, cũng như nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Lãnh đạo Sở Công Thương luôn chú trọng và chỉ đạo luôn nâng cao tinh thần trách nhiệm, duy trì chế độ trực tiếp công dân, tăng cường hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, không để xảy ra điểm nóng, đoàn đông người gây mất trật tự, an toàn xã hội, đặc biệt là trong thời gian diễn ra bầu cử đại biểu Quốc hội các khóa, bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp và các kỳ họp của Quốc hội, HĐND tỉnh Đắk Lắk. Với sự chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, lãnh đạo Sở Công Thương, công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo đã đạt được những kết quả nhất định như sau: 
Lãnh đạo Sở Công Thương, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc, các phòng chức năng thuộc Sở thường xuyên chủ động nắm bắt tình hình tại cơ sở, tăng cường trách nhiệm và nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; duy trì chế độ trực tiếp công dân theo quy định để kết nối với Ban Tiếp công dân tỉnh giải quyết kịp thời các vụ việc phát sinh.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Luật Tiếp công dân và các văn bản có liên quan gắn với công tác tuyên truyền chính sách pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực công thương cho các tổ chức, cá nhân trên trang thông tin điện tử của Sở; thường xuyên tuyên truyền lồng ghép thông qua các cuộc giao ban của Sở, cuộc họp của các phòng, đơn vị trực thuộc và đồng thời gắn phổ biến, tuyên truyền trong quá trình thanh tra, kiểm tra, giám sát đến các đối tượng là tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Sở Công Thương, đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân, giúp người dân tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình đồng thời hạn chế các nội dung khiếu nại, kiến nghị không phù hợp. 
    Trong 10 năm triển khai thực hiện Luật Tiếp công dân, Giám đốc Sở Công Thương đã thực hiện trực tiếp công dân 132 ngày (trong đó cấp phó thực hiện trực tiếp công dân theo ủy quyền 7 ngày) theo lịch tiếp công dân định kỳ của Sở ban hành theo quy định. Quy chế tiếp công dân, lịch tiếp công dân định kỳ hoặc đột xuất của lãnh đạo Sở đã được niêm yết công khai tại bảng niêm yết của sở và trên trang thông tin điện tử của Sở Công Thương. Trong số các vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tiếp nhận qua công tác tiếp dân thì chỉ có 01/19 vụ việc về kiến nghị, phản ánh đông người, nhưng không phức tạp; 
Mặc dù số lượng công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh không nhiều, nhưng với tinh thần trách nhiệm, cầu thị, sẵn sàng tiếp thu các ý kiến kiến nghị, phản ánh, để giải quyết, xử lý các khó khăn, vướng mắc, bên cạnh đó, triển khai thực hiện Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân, Giám đốc Sở Công Thương đã chỉ đạo tổ chức thực hiện 02 cuộc đối thoại với các doanh nghiệp khoảng trên 130 người tham dự, 01 cuộc đối thoại nội dung về vấn đề huy động công suất nguồn điện từ các dự án điện mặt trời mái nhà trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk và 01 cuộc đối thoại với các doanh nghiệp nội dung trao đổi về cung ứng và tiêu thụ xăng dầu trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Qua đối thoại đã phần nào tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp và có những kiến nghị, phản ánh với cơ quan Trung ương về cơ chế chính sách. Ngoài ra, Giám đốc Sở Công Thương đã tham gia đối thoại cùng Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk để giải quyết khiếu nại của 01 doanh nghiệp. 
Sở Công Thương và các đơn vị trực thuộc đã ban hành các Quy chế Tiếp công dân và sửa đổi, bổ sung, thay thế cập nhật theo các quy định mới về tiếp công dân; bố trí nơi tiếp công dân, niêm yết công khai Nội quy tiếp công dân theo đúng quy định; đảm bảo đủ điều kiện cơ sở vật chất để công dân đến kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo được thuận lợi; xây dựng Lịch tiếp công dân hàng tháng, Quý, năm, mở sổ theo dõi tiếp công dân và thực hiện các chế độ báo cáo tiếp công dân gửi các cơ quan thẩm quyền; việc tiếp công dân được tổ chức thực hiện và áp dụng quy chế phối hợp xử lý và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền được Sở Công Thương ban hành tại Quyết định số 113/QĐ-SCT ngày 27/8/2020. Hàng năm, Sở Công Thương xây dựng và ban hành Kế hoạch phổ biến giáo dục pháp luật theo Kế hoạch phổ biến giáo dục pháp luật của tỉnh. 
    Hoạt động tiếp công dân, Sở Công Thương thường xuyên quan tâm, kiện toàn đội ngũ công chức làm công tác tiếp công dân và tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo và bảo vệ người tố cáo; bố trí công chức có phẩm chất, đạo đức, có kiến thức và am hiểu chính sách, pháp luật, có ý thức trách nhiệm làm công tác tiếp công dân. Lãnh đạo Sở Công Thương đã phân công 39 lượt công chức, viên chức thuộc Thanh tra sở, các đơn vị trực thuộc có năng lực, phẩm chất đạo đức và trình độ chuyên môn nghiệp vụ để thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân thường xuyên và xử lý, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại đơn vị. Hàng năm, công tác đào tạo bồi dưỡng cũng được chú trọng, đăng ký và cử cán bộ công chức đi đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Do đó cán bộ, công chức và viên chức tham gia công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo phần lớn đã được đào tạo, có trình độ chuyên môn và tận tình trong công việc.
    Từ thực tiễn của 10 năm tổ chức, triển khai thực hiện Luật Tiếp công dân và Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị, số lượt người, số đoàn đông người tại Sở Công Thương có chiều hướng giảm, không phát sinh nhiều; tính chất, mức độ của các vụ việc chưa đến mức gay gắt, phức tạp; công tác tiếp nhận và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh được quan tâm giải quyết, trả lời, hướng dẫn kịp thời, dứt điểm không để tồn đọng kéo dài; thời gian, trình tự thủ tục giải quyết khiếu nại tố cáo theo đúng quy định pháp luật. Để có được kết quả như trên, Đảng ủy cùng Ban Giám đốc Sở đã chỉ đạo tổ chức tốt việc phổ biến, truyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị; Luật tiếp công dân 2013, Luật Khiếu nại 2011, Luật Tố cáo 2018 và Nghị định số 64/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ; ban hành nhiều văn bản lãnh đạo chỉ đạo, trong đó luôn coi trọng, nhấn mạnh nhiệm vụ tăng cường tập trung thực hiện tốt công tác tiếp công dân và xử lý, giải quyết các khiếu nại, tố cáo; kịp thời giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo mới phát sinh ngay tại cơ sở, đơn thư phát sinh đến đâu xử lý ngay đến đó, trường hợp không thuộc thẩm quyền đã kịp thời chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết hoặc hướng dẫn công dân gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền để được giải quyết. Trong quá trình xử lý, giải quyết Sở Công Thương đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tổ chức tiếp, đối thoại trực tiếp với công dân, từ đó hạn chế đơn thư khiếu kiện vượt cấp, số vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân đã có chiều hướng giảm; việc xửu lý, giải quyết kịp thời, dứt điểm, thỏa đáng đã góp phần vào việc giữ vững an ninh chính trị và trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. 
Hàng năm, Thanh tra Sở Công Thương là đơn vị được giao chủ trì, tổ chức thực hiện các cuộc thanh tra trách nhiệm thủ trưởng đơn vị thuộc Sở trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Thanh tra Sở Công Thương đã tổ chức 08 cuộc thanh tra trách nhiệm về việc chấp hành các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng đối với 10 lượt đơn vị trực thuộc Sở (Chi cục Quản lý thị trường; Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp; Trung tâm Xúc tiến thương mại). Qua thanh tra, kiểm tra đã ban hành các kết luận thanh tra và đã yêu cầu đơn vị khắc phục các tồn tại được nêu trong kết luận thanh tra, các kết luận thanh tra không có kiến nghị về xử lý trách nhiệm đối với từng tổ chức, cá nhân trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Tuy đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại Sở Công Thương trong 10 năm triển khai thực hiện Luật Tiếp công dân vẫn còn có những tồn tại như: công tác tổ chức tuyên truyền pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo cho đội ngũ công chức, viên chức và công dân của các cơ quan chức năng nói chung và của Sở Công Thương nói riêng vẫn còn chưa được thường xuyên, liên tục; việc bố trí nơi Tiếp công dân cũng như trang thiết bị, cơ sở vật chất đôi khi còn chưa đảm bảo; nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người khiếu nại, tố cáo nhìn chung còn hạn chế, một số vụ việc đã được xem xét giải quyết đúng quy định pháp luật, được hướng dẫn, giải thích cụ thể nhưng người dân vẫn chưa hiểu rõ và không chấp hành, tiếp tục khiếu kiện kéo dài, gây áp lực và khó khăn cho các cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình giải quyết; việc thực hiện công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo đến các đối tượng sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Sở Công Thương vẫn chưa được phong phú, đa dạng, thường xuyên và dễ tiếp cận.  
    Nguyên nhân của những tồn tại nêu trên một phần xuất phát từ những nguyên nhân khách quan như: sự nhận thức của cán bộ, công chức và viên chức thực hiện công tác tham mưu còn chưa linh hoạt; có đôi lúc, đôi nơi chưa có sự quan tâm đúng mức đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; do hạn chế về kinh phí, về cơ sở vật chất hoặc gián đoạn do dịch bệnh (COVID-19); công dân thiếu sự hướng dẫn cụ thể từ cấp cơ sở trong các vụ việc khiếu nại, kiến nghị đối với quyền, lợi ích hợp pháp của công dân; vẫn chưa có biện pháp thiết thực, cụ thể đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo bằng các phương thức mới, các phương tiện thông tin đa chiều, các ứng dụng công nghệ hoặc thông qua công tác thanh, kiểm tra. 
    Để tiếp tục phát huy và thực hiện tốt công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, khắc phục một số tồn tại đã nêu, có thể xem xét, chú trọng, tập trung vào các nhóm giải pháp sau:
    (1) Tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 35-CT/TW và Quy định số 11-QĐi/TW của Bộ Chính trị; Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành; 
    (2) Củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; quan tâm hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng và chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, xử lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân. 
    (3) Tăng cường trao đổi thông tin, phối kết hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, với chính quyền địa phương nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, nâng cao trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan, tổ chức trong công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; 
    (4) Nâng cao ý thức pháp luật của người dân; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh nói riêng bằng nhiều hình thức, đa dạng, dễ tiếp cận để Nhân dân hiểu rõ hơn, có ý thức hơn và chấp hành tốt hơn nữa các quy định của pháp luật trong đời sống xã hội;
    (5) Tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra trách nhiệm trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân nhằm nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, đơn vị trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.3Qua kết quả 10 năm thực hiện Luật Tiếp công dân và triển khai thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị, có thể khẳng định rằng: Luật Tiếp công dân và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động tiếp công dân, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân; các văn bản hướng dẫn thi được xây dựng dựa trên nhu cầu thực tiễn, góp phần hoàn thiện một khung pháp lý phù hợp, giúp đơn vị thực hiện công tác tiếp công dân một cách khoa học và có hệ thống; các văn bản hướng dẫn được ban hành đảm bảo tính khả thi trong việc thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, giúp đơn vị thực hiện công tác tiếp công dân có căn cứ cụ thể để triển khai công tác tiếp công dân, bảo vệ quyền lợi của người dân và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước.

Tác giả: Võ Thanh Châu – SCT

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây