Tình hình xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tháng 10 và 10 tháng năm 2023

Thứ ba - 07/11/2023 20:15
AsemconnectVietnam - Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tháng 10/2023 ước đạt 61,62 tỷ USD, tăng 4,1% so với tháng trước và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tình hình xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tháng 10 và 10 tháng năm 2023
Tính chung 10 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 557,95 tỷ USD, giảm 9,6% so với cùng kỳ năm trước.
Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/10, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 10 năm 2023 ước đạt 32,31 tỷ USD. So với tháng trước tăng 5,3%, và tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 15,1%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 3%.
Tính chung 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 291,28 tỷ USD, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 77,09 tỷ USD, giảm 4,1%, chiếm 26,5% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 214,19 tỷ USD, giảm 8,1%, chiếm 73,5%.
Các mặt hàng xuất khẩu và cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 10 tháng năm 2023
Trong 10 tháng năm 2023 có 33 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,9% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66,2%).
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 10 tháng năm 2023, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 3,44 tỷ USD, chiếm 1,2%; nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 257,42 tỷ USD, chiếm 88,3%; nhóm hàng nông sản, lâm sản ước đạt 22,97 tỷ USD, chiếm 7,9%; nhóm hàng thủy sản ước đạt 7,45 tỷ USD, chiếm 2,6%.
Tình hình nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tháng 10 và 10 tháng năm 2023
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 10 năm 2023 ước đạt 29,31 tỷ USD, tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 266,67 tỷ USD, giảm 12,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 10 tháng năm 2023 có 41 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 91,4% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 03 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 43,4%). Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 10 tháng năm 2023, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 250,12 tỷ USD, chiếm 93,8%.
Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 10 tháng năm 2023, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 78,6 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 89,8 tỷ USD.
Với kết quả trên, cán cân thương mại hàng hóa tháng 10 ước tính xuất siêu 3 tỷ USD. Tính chung 10 tháng năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 24,61 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 9,56 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 17,99 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 42,6 tỷ USD.
Tình hình xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam 10 tháng đầu năm 2023
10 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 43,08 tỷ USD, giảm 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo năm 2023, xuất khẩu nông lâm thủy sản có thể đạt 53 - 54 tỷ USDĐiểm tên 3 thị trường mua nông lâm thủy sản nhiều nhất của Việt Nam
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tháng 10/2023, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 4,81 tỷ USD, tăng 7,43% so với tháng 9/2023 và tăng 11,9% so với tháng 10/2022.
Trong đó, nhóm hàng nông sản ước đạt 2,47 tỷ USD, tăng 31,1% so với tháng 10/2022; chăn nuôi ước đạt 40 triệu USD, tăng 6%; lâm sản ước đạt 1,28 tỷ USD, giảm 0,2%; thủy sản ước đạt 850 triệu USD, giảm 5,9%; đầu vào sản xuất ước đạt 162 triệu USD, giảm 12,3%.
Tính chung, 10 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 43,08 tỷ USD, giảm 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, nhóm thuỷ sản ước đạt 7,45 tỷ USD, giảm 20,5%; lâm sản ước đạt 11,65 tỷ USD, giảm 19,3%; đầu vào sản xuất ước đạt 1,64 tỷ USD, giảm 20,3%.
Riêng nhóm hàng nông sản ước đạt 21,94 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ và được đóng góp bởi giá trị xuất khẩu nhóm hàng rau quả ước đạt 4,91 tỷ USD, tăng 78,9%; xuất khẩu gạo ước đạt 3,97 tỷ USD, tăng 34,9%; xuất khẩu hạt điều ước 2,92 tỷ USD, tăng 14,8%. Bên cạnh đó, nhóm sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu ước đạt 402 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ.
Về giá xuất khẩu bình quân một số nông sản chính 10 tháng đầu năm 2023 như sau: Giá cao su xuất khẩu ước đạt 1.330 USD/tấn, giảm 17,3%; giá chè xuất khẩu 1.710 USD/tấn, tăng 6,3%; giá hạt điều xuất khẩu ước đạt 5.693 USD/tấn, giảm 5%; giá hồ tiêu xuất khẩu ước đạt 3.339 USD/tấn, giảm 23,4%; giá xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn 425 USD/tấn, giảm 3,3%...
Riêng giá gạo xuất khẩu ước đạt 558 USD/tấn, tăng 15,3% và cà phê 2.527 USD/tấn, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về thị trường, 10 tháng đầu năm, Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục duy trì là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất; trong đó, giá trị xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng 22,8%, tăng 16,2%; Hoa Kỳ chiếm 20,6%, giảm 20,8% và Nhật Bản chiếm 7,5%, giảm 8,5%.
Tình hình xuất khẩu thủy sản tháng 10 và 10 tháng năm 2023
Tính đến hết tháng 10 năm 2023, xuất khẩu thủy sản thu về gần 7,5 tỷ USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, xuất khẩu thủy sản tháng 10/2023 ước đạt trên 863 triệu USD, giảm nhẹ 5% so với cùng kỳ năm 2022. Tính đến hết tháng 10 năm nay, xuất khẩu thủy sản thu về gần 7,5 tỷ USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính tới hết tháng 10/2023, tôm chiếm 38% kim ngạch xuất khẩu thủy sản với giá trị trên 2,8 tỷ USD, giảm 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong tháng 10, xuất khẩu tôm đạt khoảng 320 triệu USD, giảm 11% so với tháng 10/2022.
Diễn biến xuất khẩu tôm trong những tháng cuối năm và năm 2024 phụ thuộc phần lớn vào những biến động trên thị trường Hoa Kỳ. Khối lượng nhập khẩu tôm bắt đầu hồi phục, tuy nhiên, giá nhập khẩu tôm của Hoa Kỳ vẫn thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Giá nhập khẩu giảm không chỉ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam và cả ngành tôm Ấn Độ cũng lao đao.
Ngành thủy sản đã trong tình trạng dư thừa tôm trên toàn thế giới trong hơn một năm. Tại Hoa Kỳ, EU và Trung Quốc, giá nhập khẩu trung bình năm 2023 đã giảm lần lượt là 13,4%, 10% và 2,7%. Dự báo tình hình tiêu thụ và nhập khẩu tại Hoa Kỳ sẽ khả quan hơn trong tháng 11 và 12 này.
Xuất khẩu cá tra trong tháng 10 đạt 189 triệu USD, tăng nhẹ 5% so với cùng kỳ năm 2022. Theo đó, tới hết tháng 10, xuất khẩu cá tra đạt trên 1,5 tỷ USD, giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái.
Có vẻ, xuất khẩu cá tra đang có tín hiệu khả quan hơn, sau những thông tin tích cực về thị trường Hoa Kỳ. Sau chương trình thanh tra của FSIS, cá tra Việt Nam được đánh giá tốt về an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, kết quả sơ bộ cho đợt rà soát lần thứ 19 (POR19) đối với mặt hàng cá tra phi lê đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ trong giai đoạn từ 1/8/2021 đến 31/7/2022 có mức thuế thấp hơn nhiều so với giai đoạn trước. Dù chưa phải là kết quả cuối cùng nhưng đây là tin vui cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ.
Nhu cầu cá tra của thị trường Hoa Kỳ cũng đang hồi phục. Hiện nay Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đang tìm mua 5,96 triệu pound phi lê cá tra, cá da trơn đông lạnh để sử dụng trong các chương trình phân phối thực phẩm trong nước. Đây là thương vụ mua cá da trơn lớn thứ ba của Bộ vào năm 2023, sau thương vụ mua 6,2 triệu pound phi lê cá da trơn chưa tẩm bột với tổng trị giá 41,8 triệu USD (38 triệu EUR) vào tháng 3.
Nhu cầu cá tra ở Trung Quốc đã giảm đáng kể kể từ đầu năm 2023, nhưng doanh số bán phi lê cá tra tẩm bột đang có dấu hiệu tốt hơn ở thị trường này... Trong 8 tháng đầu năm nay, Trung Quốc nhập khẩu 11.900 tấn cá tra từ Việt Nam, giảm 41% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, doanh số bán cá tra phile tẩm bột vẫn tăng, khi mà sản phẩm này xuất hiện ngày càng nhiều trên thực đơn các nhà hàng ở miền Bắc Trung Quốc với giá 5,47 – 6,83 USD/suất. Sản phẩm này cũng nhận được phản hồi tích cực của người tiêu dùng Trung Quốc.
Xuất khẩu cá ngừ và cua ghẹ trong tháng 10 có chiều hướng khả quan hơn với mức tăng trưởng 2 con số, tăng lần lượt 13% và 40% so với cùng kỳ, đạt 87 triệu USD và 28 triệu USD. Tới hết tháng 10, cá ngừ đã mang về lượng ngoại tệ 704 triệu USD, giảm 20% và cua ghẹ thu về 164 triệu USD, ít hơn 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các mặt hàng mực, bạch tuộc và nhuyễn thể có vỏ vẫn giữ tăng trưởng âm từ 10-13% trong tháng 10. Lũy kế 10 tháng đầu năm, xuất khẩu mực, bạch tuộc ghi nhận doanh số trên 540 triệu USD, giảm 14%, nhuyễn thể có vỏ đạt trên 109 triệu USD, giảm 10%. Xuất khẩu các loại cá biển khác trừ cá ngừ đạt khoảng 1,6 tỷ USD, giảm 8%, riêng trọng tháng 10 đạt 166 triệu USD, giảm 11%.
Tiêu thụ cá ngừ, mực, bạch tuộc và một số hải sản cao cấp tiếp tục bị tác động bởi những bối cảnh kinh tế giảm, lạm phát cao, người tiêu dùng chi tiêu thận trọng. Để hầu hết người tiêu dùng vẫn tiếp cận được các sản phẩm hải sản phổ biến và cao cấp, các nhà chế biến và kinh doanh thủy sản đang có xu hướng đóng gói sản phẩm kích cỡ nhỏ hơn, giá phù hợp với túi tiền của mọi tầng lớp thu nhập. Xu hướng này hy vọng sẽ kích cầu hải sản tốt hơn trong thời gian tới.

Nguồn tin: asemconnectvietnam.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Hoi dap
Idesk
Email
Chuyen doi so
ISO
LICH TIEP CONG DAN
Code Buy Transfer Sell
AUD 16,121.66 16,284.50 16,820.26
CAD 18,077.48 18,260.08 18,860.83
CNY 3,423.46 3,458.04 3,572.35
EUR 26,475.36 26,742.79 27,949.19
GBP 30,873.52 31,185.37 32,211.36
HKD 3,153.19 3,185.04 3,289.82
JPY 156.74 158.32 166.02
SGD 18,143.91 18,327.18 18,930.14
USD 25,088.00 25,118.00 25,458.00
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây