Hội nghị giao dịch thương mại quốc tế Lào Cai năm 2023

Thứ hai - 13/11/2023 03:28
Chiều ngày 10/11/2023, Hội nghị tổ chức đoàn doanh nghiệp nhập khẩu nông, lâm, thủy sản Trung Quốc vào Việt nam giao dịch thương mại tỉnh Lào Cai năm 2023 do Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương phối hợp với tỉnh Lào Cai và các đơn vị liên quan tổ chức trong khuôn khổ Hội chợ Thương mại Việt - Trung Quốc lần thứ 23 từ ngày 10-15 tháng 11 năm 2023 tại tỉnh Lào Cai. 
Hội nghị tổ chức đoàn doanh nghiệp nhập khẩu nông, lâm, thủy sản Trung Quốc vào Việt nam giao dịch thương mại tỉnh Lào Cai
Hội nghị tổ chức đoàn doanh nghiệp nhập khẩu nông, lâm, thủy sản Trung Quốc vào Việt nam giao dịch thương mại tỉnh Lào Cai
Nhằm tiếp tục phát huy vai trò “cầu nối” của Lào Cai và Hà Khẩu, hôm nay, tỉnh Lào Cai phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương Việt Nam, Sở Thương mại tỉnh Vân Nam và Hội xúc tiến thương mại tỉnh Vân Nam tổ chức “Hội nghị tổ chức đoàn doanh nghiệp nhập khẩu nông, lâm, thủy sản Trung Quốc vào Việt Nam giao dịch thương mại tại tỉnh Lào Cai năm 2023”. Đây là hoạt động quan trọng nằm trong chuỗi các hoạt động của Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt - Trung năm 2023 - tỉnh Lào Cai cũng như chương trình xúc tiến thương mại cấp quốc gia của Việt Nam.
Tham dự hội nghị, phía Việt Nam có đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thương vụ Việt Nam tại Côn Minh (Trung Quốc), Sở Công Thương tỉnh Lào Cai; một số cơ quan, đơn vị có liên quan và 110 đại biểu thuộc các tập đoàn, hiệp hội thủy hải sản, hiệp hội trái cây, các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh nông sản, trái cây, thủy hải sản trong cả nước. Phía Trung Quốc có đại diện Sở Thương mại tỉnh Vân Nam, Cục Thương mại châu Hồng Hà, Chính quyền nhân dân huyện Hà Khẩu; một số cơ quan, đơn vị có liên quan và 80 đại biểu thuộc hiệp hội ngành hàng, các nhà xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh, chế biến nông sản, trái cây và thủy hải sản Trung Quốc (Có danh sách đính kèm).
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Ông Nguyễn Trường Giang - Phó Giám đốc Sở Công Thương Lào Cai cho biết: Từ năm 2004 trở lại đây, Trung Quốc liên tục là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Trung Quốc liên tục tăng nhanh với tốc độ tăng trưởng bình quân trong những năm qua đều đạt trên 2 con số, đặc biệt có nhiều giai đoạn tốc độ tăng trưởng bình quân đạt trên 20%/năm. Năm 2022 vừa qua, kim ngạch thương mại 2 chiều Việt Nam - Trung Quốc đã đạt đến 175,57 tỷ USD và trong 8 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 103,92 tỷ USD, là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc có giá trị 11,7 tỷ USD, giảm 16,3% so với cùng kỳ năm 2022.  
Trung Quốc liên tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Cùng với đó, thị trường Trung Quốc luôn là một trong những thị trường nhập khẩu lớn nhất đối với các mặt hàng nông, lâm sản và thủy sản của Việt Nam, trong đó một phần rất lớn được giao thương qua các cặp cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc.Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ 6 (sau Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và Hồng Công) của Trung Quốc trong tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ có quan hệ thương mại với Trung Quốc, đồng thời trong khối ASEAN, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc.
Hội nghị tổ chức đoàn doanh nghiệp nhập khẩu nông, lâm, thủy sản Trung Quốc vào Việt Nam giao dịch thương mại tại tỉnh Lào Cai năm 2023 với mục tiêu mang lại cho các tổ chức, doanh nghiệp những thông tin bổ ích và kết nối doanh nghiệp 2 bên xuất nhập khẩu các mặt hàng qua Lào Cai và Hà Khẩu, đồng thời, hội nghị tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng của Lào Cai, các cơ quan thuộc các bộ, ngành, địa phương xuất khẩu các mặt hàng nông sản, trái cây, thủy, hải sản qua cửa khẩu tỉnh Lào Cai và các cơ quan, đơn vị liên quan của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) trao đổi, phối hợp trong công tác thực thi hoạt động xuất - nhập khẩu tại các cửa khẩu. Phối hợp chặt chẽ, tích cực với phía Trung Quốc tuyên truyền, phổ biến và định hướng các doanh nghiệp hai nước tận dụng ưu đãi từ Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc, đồng thời định hướng các doanh nghiệp kinh doanh theo hướng chính ngạch, thực hiện đúng các quy định của hai nước về xuất - nhập khẩu, hạn chế rủi ro trong thương mại. Hội nghị cũng cung cấp những thông tin về cơ chế, chính sách xuất - nhập khẩu hàng nông - lâm - thủy sản qua cửa khẩu Lào Cai (Việt Nam) và Hà Khẩu (Trung Quốc). Tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương, các doanh nghiệp của Lào Cai và doanh nghiệp của cả nước đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng này sang thị trường tỉnh Vân Nam và vùng Tây Nam của Trung Quốc. Ban tổ chức cũng đã sắp xếp khu vực giao thương và khu trưng bày sản phẩm theo từng lĩnh vực, ngành hàng để các doanh nghiệp 2 nước gặp gỡ, trao đổi, giao dịch; các doanh nghiệp có thể đề xuất các hình thức hợp tác phù hợp, kiến nghị cơ quan nhà nước 2 bên tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và ký kết các thỏa thuận, hợp đồng kinh tế trong thời gian tới.
Đại biểu tham dự Hội nghị
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Với một số thuận lợi như vị trí địa lý đặc thù, hai nước có lợi thế to lớn trong hoạt động logistic, vận chuyển hàng hóa bằng cả đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động trao đổi hàng hóa, giao thương giữa doanh nghiệp hai nước, Việt Nam đã ký kết và đang tham gia 16 FTA trong đó có nhiều FTA mở ra nhiều cơ hội tại các khu vực thị trường tiềm năng, có quy mô dân số lớn như CPTPP, RCEP. Đây sẽ là cơ hội thu hút doanh nghiệp Trung Quốc sang đầu tư tại Việt Nam để tận dụng các lợi thế này trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường mà Việt Nam tham gia FTA để hưởng các ưu đãi mà FTA mang lại, đồng thời, lợi thế về chi phí thấp trong hoạt động đầu tư đang là nhân tố thu hút các nhà đầu tư nước ngoài trong đó có các doanh nghiệp Trung Quốc chuyển dịch đầu tư sang Việt Nam trong thời gian gần đây. Các điều kiện thuận lợi trên đang tạo ra không gian rộng lớn cho hợp tác kinh tế thương mại đầu tư giữa hai nước đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế của hai nước có tính bổ sung lẫn nhau và xu thế phát triển của kinh tế thế giới đang hướng đến nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng và nắm bắt các cơ hội để tăng cường hợp tác với doanh nghiệp Trung Quốc nhằm khai thác hiệu quả tính bổ sung lẫn nhau, từ đó hình thành các chuỗi giá trị sản xuất trong các lĩnh vực như dệt may, da giày, cơ khí, công nghiệp phụ trợ, năng lượng xanh, năng lượng tái tạo để không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường đa dạng của mỗi nước mà còn hướng đến khai thác hiệu quả thị trường các nước mà Việt Nam đã ký kết FTA.
Ông Lê Hoàng Tài - Cục phó Cục Xúc tiến Thương mại cho biết, các bên nên khuyến khích và tích cực tổ chức doanh nghiệp tham dự các hoạt động Hội chợ, triển lãm lớn, có uy tín được tổ chức tại mỗi Bên như: Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt Nam (VietNam Expo), Triển lãm Công nghiệp Thực phẩm Quốc tế Việt Nam (VietNam Foodexpo) được tổ chức tại Việt Nam và Triển lãm sản phẩm Trung Quốc – Đông Nam Á, Nam Á cùng các Hội chợ, triển lãm khác được tổ chức tại tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) để hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, thương hiệu và kết nối, giao thương.
Ông Tài cũng đề nghị phía Vân Nam tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, thủy sản có thế mạnh của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc bằng hình thức chính ngạch đặc biệt là các sản phẩm như sầu riêng, khoai lang tím, yến sào mà phía Trung Quốc đã chính thức mở cửa cho các sản phẩm này trong thời gian gần đây, đồng thời xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại với nhiều hình thức đa dạng nhằm hỗ trợ kết nối doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy hoạt động giao thương giữa doanh nghiệp hai bên, đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp.
Tại hội nghị, một số doanh nghiệp của tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức trưng bày, giới thiệu hàng hóa, sản phẩm đặc trưng như: cà phê, macca, mật ong...tới các doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng như tham gia vào hoạt động kết nối, quảng bá sản phẩm.
Đắk Lắk tổ chức trưng bày sản phẩm
Các sản phẩm của tỉnh
  
Thông qua hội nghị, các doanh nghiệp hai bên được gặp gỡ, trực tiếp trao đổi thông tin thị trường hàng hóa; kết nối các đơn vị đầu mối xuất - nhập khẩu các mặt hàng nông sản, trái cây, thủy hải sản giữa hai nước; phát triển bền vững thương hiệu nông sản, trái cây, thủy hải sản của Việt Nam, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng này sang thị trường Trung Quốc qua các cửa khẩu của Lào Cai. Đã có 42 cặp doanh nghiệp của hai nước có thỏa thuận về hợp tác kinh doanh. Tại hội nghị đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa 16 cặp hợp đồng của các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc.
 
 

Tác giả: Tin: Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - Phòng Quản lý Thương mại

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây