Khả năng tiếp cận thị trường quốc tế đối với sản phẩm OCOP

Thứ sáu - 17/11/2023 03:37
Trong thời gian vừa qua, rất nhiều các hội thảo, chương trình, sự kiện đã diễn ra trên cả nước nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng đối với các sản phẩm OCOP, mới đây nhất là Hội thảo khoa học về khả năng tiếp cận thị trường quốc tế đối với các sản phẩm OCOP diễn ra tại Thành phố Buôn Ma Thuột.
Hội thảo khoa học về OCOP
Hội thảo khoa học về OCOP
Hội thảo khoa học về khả năng tiếp cận thị trường quốc tế đối với các sản phẩm OCOP, được Viện nghiên cứu Châu Âu, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp với Viện Kinh tế và Quản lý Tây Nguyên với sự tham gia của các diễn giả như: Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Tuyên - Viện Heami, Giáo sư Trường đại học PUIE Pháp, Tiến sỹ Hoa Hữu Cường - Viện Nghiên cứu Châu Âu - Viện Hàn lâm khoa học xã hội nhân văn, Tiến sỹ Phan Thanh Bình - Viện khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, Thạc sỹ Dương Tín Đức - Phó Chánh văn phòng Điều phối nông thôn mới - Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk, Hội thảo diễn ra 16/11/2023 tại Tp. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk có sự tham gia của hơn 80 đại biểu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã, các cửa hàng bán, trưng bày và giới thiệu sản phẩm trên địa bàn tỉnh...
Về tổng quan, cho tới tháng 6 năm 2023, sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm theo Quyết định số 490/QĐ-TTg, ngày 7 tháng 5 năm 2018, tỉnh Đắk Lắk đã xây dựng và phê duyệt Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020, định hướng đến 2030 trên địa bàn tỉnh, hàng năm, các kế hoạch sẽ được triển khai để thực hiện Chương trình này.
Cho tới tháng 6 năm 2023, tỉnh đã có 108 sản phẩm OCOP, trong đó có 16 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao và 92 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao, các sản phẩm đạt 4 sao có thể kể đến như cà phê, hạt macca, ca cao, trà mãng cầu.... Các sản phẩm này có thể có tiềm năng nâng hạng và tận dụng tốt các cơ hội từ hiệp định thương mại tự do thế hệ mới hiện Việt Nam đang là thành viên để tiếp cận và tiêu thụ tại thị trường Châu Âu, tuy nhiên, hiện nay, còn rất nhiều cơ hội và thách thức để các sản phẩm OCOP có thể làm được việc này. 
Các diễn giả là các nhà khoa học, giảng viên các trường đại học đã đưa ra các góc nhìn khách quan và chủ quan, kinh nghiệm của các nước lân cận như Thải Lan, đất nước này triển khai rất thành công các chính sách sát với thực tiễn trong từng giai đoạn của nền kinh tế và hiệu quả như việc triển khai chương trình miễn thuế dành cho các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động hướng xuất khẩu. Nhờ đó, các chương trình này đã, đang mang lại rất nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp hướng xuất khẩu của Thái Lan.
Quốc gia này rất tích cực trong việc thúc đẩy và thực thi các hiệp định thương mại tự do trong khu vực nhằm tạo ra môi trường thuận lợi hơn trong hoạt động thương mại và đầu tư của nước này, đồng thời, Thái Lan có các chính sách cụ thể để thúc đẩy xuất khẩu của từng ngành riêng biệt, nâng cao tính cạnh tranh trong việc xuất khẩu và phát triển nền kinh tế địa phương, chính sách OTOP - được xem như là chương trình tương tự của Việt Nam OCOP, là công cụ để khởi động nền kinh tế địa phương, cải thiện chất lượng cuộc sống của dân cư vùng nông thôn, trong khi chính phủ tập trung vào việc thúc đẩy xuất khẩu và thương mại quốc tế. 
OTOP cũng được áp dụng như một phần của chính sách ngoại giao của Thái Lan nhằm hỗ trợ tính cạnh tranh xuất khẩu và mở rộng sản phẩm OTOP trên thị trường quốc tế. Thái Lan đã tổ chức các hội chợ, triển lãm và chương trình du lịch trưng bày OTOP cả trong và ngoài nước trên cả môi trường trực tuyến và trực tiếp, cung cấp các thông tin về dự án, các nhà sản xuất và các sản phẩm...Thái Lan đã tìm kiếm sự hỗ trợ của Nhật Bản nhằm phổ biến các sản phẩm OTOP ra toàn cầu.
Kinh nghiệm của nhiều tỉnh, thành trên cả nước đối với hoạt động quảng bá, thúc đẩy tiềm năng xuất khẩu đã đạt được nhiều thành công đáng kể trong đó có các hoạt động đã được triển khai nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia các hội nghị kết nối giao thương trực tuyến, hội chợ trực tuyến thực tế ảo về nông nghiệp trên môi trường mạng để quảng bá, giới thiệu và kết nối tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm nông sản nói chung và sản phẩm OCOP nói riêng với các nhà nhập khẩu, xây dựng riêng trang thông tin điện tử doanh nghiệp, hợp tác xã, các sản phẩm nông sản tỉnh và các video, hình ảnh, bài viết giới thiệu các sản phẩm bằng nhiều thứ tiếng để quảng bá, giới thiệu trên các trang thông tin, nền tảng số tại thị trường các nước Trung Quốc, Úc, Anh, Đức..., tổ chức các hoạt động quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch, mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn hướng dẫn nông dân làm du lịch, tăng cường hoạt động quảng bá, giới thiệu, tạo cầu nối liên kết giữa các đơn vị lữ hành và người dân để kết nối tour, tuyến thu hút khách du lịch...
Từ các kinh nghiệm trên, các diễn giả đã đánh giá các cơ hội tiếp cận thị trường EU đối với các sản phẩm của tỉnh Đắk Lắk: Thứ nhất, cơ hội cạnh tranh về giá từ cắt giảm thuế quan, tỷ lệ xóa bỏ thuế đến cuối lộ trình lên tới 99,2%, đây là cơ hội lớn nhất mà EVFTA mang lại, đó chính là lợi thế cạnh tranh cho xuất khẩu các sản phẩm nông sản có chất lượng bao gồm các sản phẩm nông sản đạt tiêu chuẩn OCOP; Thứ hai, cơ hội cắt giảm chi phí sản xuất, cải thiện năng lực cạnh tranh khi doanh nghiệp có thể nhập khẩu phần lớn các máy móc ngoại nhập, nguyên liệu mua từ các nước EU với giả cả tốt hơn; Thứ ba, cơ hội từ việc cắt giảm các rào càn phi thuế quan, các cam kết này bao gồm: minh bạch hóa và thuận lợi hóa các thủ tục thông quan và giải phóng hàng, miễn thủ tục thanh tra SPS đối với các cơ sở sản xuất đủ tiêu chuẩn của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho việc công nhận tương đương các biện pháp SPS của Việt Nam, khuyến khích công nhận kết quả đánh giá sự phù hợp về TBT của Việt Nam...sẽ giúp cho các sản phẩm hàng hóa đạt chuẩn OCOP tiếp cận thị trường Đức dễ dàng hơn. Đối với kênh phân phối tại thị trường Đức, một số công ty rang xay lớn có uy tín tại CHLB Đức có thể kể đến như: Jacobs, Tchibo, Dallmayr, Melitta và J.J Darboven, Wertform, Schirrmer Kaffee và Miko, các doanh nghiệp rang xay nhỏ nhập khẩu trực tiếp cà phê bao gồm: Benslips Kaffee, Flying Roasters, Röst Frisch, Supremo. Tại Đức, siêu thị là kênh bán cà phê chính, bao gồm nhiều phân khúc, các tập đoàn bán lẻ tại Đức là Edeka Group, Tập đoàn Rewe, Schwarz Gruppe, Aldi; Thứ tư, cơ hội từ các cam kết về Bảo hộ chỉ dẫn địa lý của EU bởi các sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý thường được người dùng Châu Âu yêu thích và sẵn sàng trả mức giá cao hơn, các doanh nghiệp cà phê của tỉnh có thể cân nhắc đầu tư phát triển thương hiệu cà phê đặc sản tại vùng này và tận dụng các điều kiện ưu đãi mà phía EU dành cho cà phê của Việt Nam.
Cơ hội từ việc thuận lợi hóa thủ tục hải quan cũng là 1 điều kiện thuận lợi dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm hiểu và đáp ứng các quy định hải quan của các nước. 
Đi cùng với các thuận lợi là khó khăn, đơn cử: các thách thức trong việc đáp ứng quy tắc xuất xứ để được hưởng các ưu đãi thuế quan, thác thức từ gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại, từ các tiêu chuẩn an toàn, kiểm soát động thực vật, tuân thủ những quy định về sở hữu trí tuệ, lao động và môi trường, thách thức từ năng lực sản xuất và phát triển thương hiệu, cụ thể là khả năng đáp ứng đơn hàng xuất khẩu với số lượng lớn và tính đồng nhất về chất lượng sản phẩm là 1 rào cản lớn khi gia nhập thị trường Châu Âu.
Đặc biệt đối với thị trường Đức, các doanh nghiệp cần quan tâm tới vấn đề ghi nhãn và bao bì sản phẩm, xác định mạng lưới phân phối phù hợp, xây dựng chương trình marketing và quảng bá bằng cách nắm bắt xu hướng tiêu dùng, tìm hiểu về thị trường...Một trong các giải pháp đưa ra chính là việc quảng bá hình ảnh chất lượng sản phẩm trên các phương tiện thông tin quốc tế, đưa sản phẩm vào các đoàn cấp cao, lãnh đạo trong tỉnh và cả nước khi có cơ hội quảng bá hình ảnh trên các diễn đàn, phương tiện thông tin đại chúng, kết hợp với các tổ chức đại diện ở nước ngoài...
Nhìn chung, tất cả các diễn giả đều tập trung vào các vấn đề để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP ra thị trường quốc tế, các khó khăn, vướng mắc cũng như tồn tại, hạn chế của tình hình tiêu thụ, tiềm năng xuất khẩu các sản phẩm OCOP của tỉnh Đắk Lắk, từ đó đưa ra các giải pháp thực hiện, trong đó, cần quan tâm đến hoạt động xúc tiến thương mại thiết kế riêng cho các sản phẩm này, mở rộng thị trường tiêu thụ, lồng ghép vào các hoạt động như Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia vào các hội chợ triển lãm thương mại trong và ngoài nước, tập trung phát triển, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm OCOP có lợi thế, tìm thị trường cho từng sản phẩm cụ thể, hỗ trợ về pháp lý cho quá trình xuất khẩu và tìm kiếm thị trường xuất khẩu, quảng bá hình ảnh chất lượng sản phẩm trên các phương tiện thông tin quốc tế, xây dựng các chương trình phát triển, quảng bá hình ảnh sản phẩm thông qua các chương trình du lịch sinh thái, du lịch kết hợp hoạt động nông nghiệp ...

Tác giả: Tin: Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - Phòng Quản lý Thương mại

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây