Xu hướng và tương lai phát triển hoạt động logistics tỉnh Đắk Lắk

Thứ tư - 06/12/2023 04:00
Logistisc không chỉ là quá trình vận chuyển hàng hóa và quản lý kho bãi nói chung, mà nó là xương sống trong việc vận hành một tổ chức, hoạt động của logistics bao gồm và không giới hạn việc quản lý tài sản tồn kho về giá trị và số lượng, hoạt động lưu kho, đóng gói, vận chuyển và phân phối hàng hóa. Tác động của hoạt động logistics tới một tổ chức chính là việc tạo ra sức cạnh tranh, đáp ứng các yêu cầu ngày càng nhanh và mạnh của khách hàng, tăng sự hài lòng và trung thành của khách hàng bằng cách vận chuyển hàng hóa đúng thời gian và với chất lượng hàng hóa cao nhất, thúc đẩy hoạt động sản xuất hàng hóa, thương mại trong và ngoài nước, thương mại điện tử phát triển, thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, bến bãi, tăng cường năng lực cạnh tranh, gắn kết nhằm phát triển chuỗi cung ứng bền vững …
Xu hướng và tương lai phát triển hoạt động logistics tỉnh Đắk Lắk
Hiện nay, có một số xu hướng phát triển ngành dịch vụ logistics trong tương lai, trong đó phải kể đến: Xu hướng phát triển logistics dựa vào cách mạng công nghiệp 4.0 và tự động hóa trong dịch vụ logistics; Sự phát triển của dịch vụ logistics trong ngành thương mại điện tử, đặc biệt là thương mại điện tử xuyên biên giới; Đảm bảo tính minh bạch của chuỗi cung ứng; Xu hướng phát triển các loại hình vận tải, đặc biệt phương tiện vận tải đường bộ tự động; Xu hướng phát triển logistics xanh; Xây dựng mạng lưới liên kết các doanh nghiệp dịch vụ logistics.
Logistics vận hành theo cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hoạt động dựa trên ba trụ cột chính là: (i) Vạn vật kết nối internet (IoT); (ii) Dữ liệu lớn (Big data); (iii) Trí tuệ nhân tạo (AI), các yếu tố này sẽ giúp hình thành hệ thống dữ liệu đồng bộ, đáp ứng nhu cầu phân tích, dự báo và chia sẻ thông tin toàn cầu, đồng thời mở ra xu hướng số hóa toàn bộ các công đoạn trong hoạt động logistics.
z4911293902921 ca6514d6703b9953d331f33df624556b
Xây dựng mạng lưới liên kết các doanh nghiệp logistics đảm bảo sự kết nối giữa các chủ thể tham gia vào hoạt động logistics thông qua các biện pháp: (i) phát triển hệ thống logistics 3PL - dịch vụ logistics được bên thứ ba cung cấp, nhưng đơn lẻ bao gồm các dịch vụ như: vận chuyển, kho bãi, bốc xếp, đóng gói hàng hoá, dự báo tồn kho, tiếp nhận đơn hàng, đóng gói và giao cho đơn vị vận chuyển, 4PL - hoạt động logistics sẽ bao gồm nhiều đơn vị được vận hành theo hình thức thuê ngoài dưới sự quản lý và giám sát của đơn vị chủ công, nhà cung cấp dịch vụ 4PL không sở hữu bất kì phương tiện vận tải và kho bãi, dịch vụ logistics được cung cấp đầy đủ, một “chuỗi”, 5PL – E - logistics, Logistics trên nền thương mại điện tử gắn với thương mại điện tử; (ii) Thiết lập hệ thống trao đổi dữ liệu điện tử đồng bộ giữa các cơ quan quản lý, các hãng vận tải và ngân hàng để cung cấp thông tin phục vụ quản lý hải quan và thông quan hàng hóa; (iii) Thúc đẩy hợp tác với các tập đoàn công nghệ để hỗ trợ kỹ thuật, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin cho cơ quan, doanh nghiệp, các đối tác và khách hàng trong lĩnh vực logistics.
Trong các xu hướng phát triển vừa nêu, sự phát triển của dịch vụ logistics trong ngành hàng thương mại điện tử hiện nay được đặc biệt quan tâm bởi các chủ thể có liên quan, từ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa cho tới các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương, các cá nhân và các các công ty logistics trong và ngoài nước vì sự phát triển như vũ bão của hoạt động thương mại điện tử, đặc biệt là sự phát triển của các nền tảng mua sắm như: shopee, lazada, sendo….
Đối với tỉnh Đắk Lắk, mặc dù hiện nay, con số dữ liệu thống kê đối với hoạt động thương mại điện tử thông qua các sàn giao dịch điện tử chưa được cập nhật một cách chính thống, nhưng có thể thấy được, các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh các mặt hàng nông sản như cà phê, ca cao, macca, tiêu và các sản phẩm phụ trợ khác đã xuất hiện ngày càng nhanh và mạnh trên các hệ sinh thái kinh doanh trực tuyến. Theo báo cáo số 279/BC-STTTT, ngày 29/9/2023 về kết quả triển khai chuyển đổi số 9 tháng đầu năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm quý IV năm 2023, trong đó, Sở Thông tin và Truyền thông là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo Chuyển đổi số, tính đến 9 tháng đầu năm 2023, tỉnh có 1.678 sản phẩm trên sàn thương mại điện tử (TMĐT); có 42.923 giao dịch trên sàn TMĐT, đứng thứ 5 toàn quốc; 257.959 hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số. Tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử đạt 101,9% (1.954.846/1.918.440); 14/21 bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện triển khai thanh toán chi phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt tại. Toàn tỉnh thành lập 1.163 tổ công nghệ số cộng đồng, với 7.228 thành viên để hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng các nền tảng số thiết yếu...Các con số thống kê này cho thấy, tiềm năng để tỉnh Đắk Lắk phát triển hệ sinh thái logistics cho hoạt động thương mại điện tử là rất lớn và không tránh khỏi trong tương lai không xa.
Theo cáo báo Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam năm 2022, hiện nay VECOM – Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam đang hoàn thiện các bước cuối cùng để xây dựng được chỉ số thương mại điện tử, qua đó đánh giá mức độ tham gia của doanh nghiệp trên các nền tảng cung cấp giải pháp bán hàng đa kênh hay xuất khẩu trực tuyến trên các nền tảng giao dịch quốc tế (B2B), mức độ tham gia trên các nền tảng bán lẻ trực tuyến, quy mô sử dụng dịch vụ chuyển phát…
Báo cáo chỉ ra, chỉ số nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin của tỉnh Đắk Lắk là 18%, so với Hà Nội 97%, Lâm Đồng 22,4%, Đà Nẵng 40%...; Chỉ số giao dịch B2C – chỉ số giao dịch giữa người dùng và doanh nghiệp của tỉnh Đắk Lắk là 22,1%, so với các tỉnh khác như Hồ Chí Minh 83,3%, Hà Nội 82,4%, Bình Dương 38%..., chỉ số thương mại điện tử của tỉnh Đắk Lắk là 18,1%, so với các địa phương khác của Việt Nam như Hồ Chí Minh 90,6%, Khánh Hòa 23%, Đắk Nông 11,8%, Quảng Ninh 21,3%, Hải Phòng 32,1%, Đà Nẵng 36,6%... 44/63 tỉnh, thành đã thiết lập sàn thương mại điện tử. Trở ngại khi vận hành website, ứng dụng thương mại điện tử đối với lĩnh vực vận chuyển, giao nhận là 0.64 trên thang điểm từ 0-2 (0: không cản trở, 2 cản trở nhiều).
Đối với định hướng phát triển của hoạt động logistics của tỉnh Đắk Lắk¸ Nghị quyết 103/NQ-CP, ngày 09/7/2020 của Chính phủ về việc Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 67-KL/TW ngày 16 tháng 12 năm 2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, một trong những nhiệm vụ quan trọng liên quan đến hoạt động logistics là hoàn thiện kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp để thu hút các lĩnh vực, ngành nghề phù hợp với định hướng phát triển. Thực hiện Nghị quyết 103 của Chính phủ, tỉnh Đắk Lắk mới đây đã ban hành Quyết định số 518/QĐ-SCT, ngày 27/3/2023 về việc ban hành kế hoạch hoàn thiện kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp và triển khai thành lập khu chức năng: Trung tâm logistics, công nghiệp công nghệ cao gắn với nghiên cứu sinh học và công nghệ chế biến nông lâm sản trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột, theo đó mục tiêu đến năm 2025, cơ bản hình thành, đầu tư trung tâm logistics, công nghiệp công nghệ cao gắn với nghiên cứu sinh học và công nghệ chế biến nông lâm sản trên địa bàn thành phố, phát huy các điểm tập kết trung chuyển hàng hóa, phát triển các loại hình dịch vụ (cung cấp, vận chuyển hàng hóa tối ưu) và các khu dịch vụ chức năng khác. Tỉnh Đắk Lắk tập trung phát triển dịch vụ logistics phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy sản xuất, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trong thời gian tới.
z4919787656367 4ec47100272f43de63949be7d57aee38
Tỉnh Đắk Lắk áp dụng các cơ chế, chính sách theo quy định của pháp luật để kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước, tạo môi trường đầu tư thông thoáng nhằm thu hút vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế, ưu đãi đặc biệt để các doanh nghiệp bổ sung vốn, thu hút vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, coi trọng thu hút cả nội lực và ngoại lực, sử dụng tốt các nguồn lực cho đầu tư dự án trung tâm logistics.
Về mặt định hướng phát triển logistics đối với tỉnh Đắk Lắk trong thời gian tới, khu vực Miền Trung – Tây Nguyên là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng, có vị trí thuận tiện về giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng không và đường biển thuận lợi giao lưu kinh tế, văn hóa giữa các tỉnh, thành phố trong khu vực, đồng thời, có thể giao thương với các nước như Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar và các nước Nam Á, vùng Tây Nam Trung Quốc thông qua trục Hành lang kinh tế Đông - Tây và hệ thống các Quốc lộ. Đặc biệt, Chính phủ hết sức quan tâm đến chiến lược phát triển logistics, phát triển cơ bản hạ tầng giao thông (hành lang Đông - Tây) nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, mở rộng thị trường, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm và hoạt động sản xuất của doanh nghiệp các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng.
Theo định hướng vừa nêu, có thể khái quát chiến lược phát triển dịch vụ logistics đối với tỉnh Đắk Lắk dựa trên các cơ sở pháp lý, quy định từ trung ương đến địa phương sau: Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 09/7/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 67-KL/TW ngày 16/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 103/NQ-CP); Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 03/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 898/QĐ-UBND ngày 19/4/2021 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 518/QĐ-UBND, ngày 27/3/2023 Ban hành Kế hoạch hoàn thiện kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp và triển khai thành lập khu chức năng: Trung tâm logistics, công nghiệp công nghệ cao gắn với nghiên cứu sinh học và công nghệ chế biến nông lâm sản trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột.
Trong thời gian tới, bên cạnh việc tìm ra giải pháp nhằm giải quyết các khó khăn chung của ngành logistics như: môi trường pháp lý đối với ngành logistics có sự thay đổi thường xuyên, quy hoạch cơ sở hạ tầng giao thông - số, quy hoạch chung cho ngành logistics chưa cao, thiếu hụt nguồn nhân lực, chi phí cao do hoạt động kết nối chưa được đồng bộ, sự phát triển của các xu hướng trên thế giới, quy hoạch cho ngành logistics của từng địa phương còn chưa có sự phù hợp...thì tỉnh Đắk Lắk cần tiếp tục hoàn thiện, đầu tư vào cơ sở hạ tầng để phục vụ cho việc hình thành trung tâm logistics trên cơ sở quy hoạch phát triển giao thông vận tải đã được phê duyệt; tổ chức nghiên cứu kết nối vận tải đa phương thức, liên kết các hình thức vận tải đường bộ, đường thủy, đường sắt để hỗ trợ dịch vụ logistics phát triển, đầu tư vào nguồn nhân lực cho hoạt động logistics nói chung.
Trong đó, các giải pháp về hạ tầng số cũng cần được quan tâm đến, theo Quyết định số 3330/QĐ-UBND ngày 29/11/2021 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch chuyển đổi số tỉnh Đắk Lắk, xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, phổ cập dịch vụ mạng Internet băng rộng cáp quang; phổ cập dịch vụ mạng di động 5G; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 80%; hoàn thiện nền tảng các dịch vụ đô thị thông minh đã triển khai tại thành phố Buôn Ma Thuột, bao gồm các dịch vụ: giám sát, điều hành kinh tế và xã hội, giám sát an ninh trật tự đô thị và điều hành giao thông, phản ánh hiện trường, giám sát an toàn thông tin mạng...
Đối với giải pháp phát triển doanh nghiệp số, kinh tế số, tỉnh Đắk Lắk sẽ thực hiện kêu gọi đầu tư, thành lập doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT trên địa bàn tỉnh; cung cấp các chính sách của tỉnh về chuyển đổi số, ưu đãi đầu tư trên internet đến các doanh nghiệp CNTT trong nước để kêu gọi, thu hút đầu tư. Gần đây nhất là Kế hoạch 148/KH-UBND năm 2023 về phát triển hạ tầng số trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2023-2025, phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ có số thuê bao băng rộng di động/100 dân là 85%, tỷ lệ thuê bao sử dụng điện thoại thông minh/tổng thuê bao điện thoại di động là 80%, tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh: 80%, tốc độ băng thông di động: 40Mbps, tỷ lệ thôn, buôn được phủ sóng di động băng rộng (tính theo vùng phủ có dân cư sinh sống là 100%, giải pháp của các mục tiêu này chính là tập trung phát triển: hạ tầng viễn thông băng rộng, phổ cập, bền vững, an toàn, hạ tầng trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây, hạ tầng công nghệ số, nền tảng số có tính chất hạ tầng, theo đó, tỉnh sẽ ưu tiên phát triển hạ tầng số như hạ tầng giao thông, năng lượng, có các chính sách thúc đẩy, ưu tiên không gian, vị trí, tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng, xây dựng các trung tâm lưu trữ dữ liệu, trạm trung chuyển internet trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Đắk Lắk đề ra nhiệm vụ tập trung các chủ thể có liên quan, cùng với cả nước phổ biến, tuyên truyền về các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết liên quan đến dịch vụ logistics và các văn bản quy phạm pháp luật được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới cho các đối tượng có liên quan, đặc biệt là các đối tượng có thể chịu tác động như cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, hợp tác xã, cơ quan quản lý nhà nước, các thành phần lao động khác thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, trang thông tin điện tử, các ấn phẩm, tài liệu, các chương trình phát thanh, truyền hình, các lớp tập huấn, hội thảo, đối thoại nhằm nâng cao nhận thức; Nghiên cứu, hoàn thiện và thực hiện các chính sách, pháp luật về phát triển dịch vụ logistics, nghiên cứu áp dụng cơ chế một cửa quốc gia cho tất cả các thủ tục liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu; thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và hiệu quả các cam kết và nghĩa vụ khác của nước ta liên quan đến hoạt động logistics; tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh theo đúng các quy định của pháp luật Việt Nam và các cam kết quốc tế khác; nghiên cứu, triển khai các giải pháp thu hút đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng logistics; phát triển hệ thống giao thông thông minh, hạ tầng kết nối các phương thức vận tải, phát triển các nền tảng kết nối giữa các chủ hàng, các đơn vị vận chuyển, giao vận và khách hàng.
Đồng thời, nghiên cứu áp dụng các xu hướng phát triển của hoạt động logistics trong tương lai, trong đó phải kể đến logistics xanh, được định nghĩa là hoạt động logistics hướng tới các mục tiêu bền vững, thân thiện và bảo vệ môi trường, giảm tối đa tác động tiêu cực đến môi trường. Xu hướng chính của phát triển logistics xanh tập trung vào vận tải xanh, kho bãi xanh và đóng gói xanh, một trong những nguyên nhân của xu hướng này khi vào năm 2021, tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã cam kết sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực trong nước cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, đồng thời cam kết giảm phát thải khí mê-tan 30% vào năm 2030.
Ngoài ra, một số giải pháp để nâng cao năng lực cho doanh nghiệp như hỗ trợ, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp tham gia các sự kiện, triển lãm về logistics trong và ngoài nước, tăng cường các biện pháp và cơ chế khuyến khích, định hướng cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kết nối, hợp tác kinh doanh, đầu tư với các doanh nghiệp nội địa, góp phần vào việc hình thành và phát triển chuỗi cung ứng, ưu tiên quỹ đất cho phát triển dịch vụ logistics, nhất là các quỹ đất tại các khu vực có khả năng tập trung các hoạt động cung ứng và tiêu dùng dịch vụ của ngành dịch vụ này.
Với lĩnh vực nông sản, cần tăng cường công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu thụ nông sản, triển khai mở rộng các điểm cung ứng thực phẩm nói chung theo chuỗi nhằm hỗ trợ hoạt động kết nối giữa các chủ thể có liên quan và từ đó hình thành các kênh logistics phù hợp với điều kiện hạ tầng của tỉnh.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm tạo lập và củng cố nền hành chính năng động, dân chủ, hiện đại, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong cải cách thủ tục hành chính, tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - PCI, cần liên tục đánh giá về các tác động của các cam kết quốc tế Việt Nam kí kết liên quan đến dịch vụ logistics đối với ngành sản xuất, cung cấp dịch vụ, vấn đề lao động, việc làm, xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, từ đó đề xuất các giải pháp có liên quan, đồng thời, có các chính sách đào tạo nguồn nhân lực làm dịch vụ logistics, từ đó nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ...
Theo Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập VCCI, các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới mà Việt Nam ký kết đã và đang mở ra nhiều cơ hội phát triển cho toàn bộ nền kinh tế nói chung và cho doanh nghiệp dịch vụ logistics nói riêng, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa gia tăng và là dư địa để ngành logistics tăng trưởng hơn. Tuy nhiên, kèm theo đó sẽ tồn tại những thách thức buộc doanh nghiệp phải thay đổi để thích nghi, cải tiến và tận dụng tốt cơ hội mà các FTA mang lại, đây là cơ hội để các doanh nghiệp logistics Việt Nam kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu và để tận dụng tốt được các ưu đãi và cơ hội, vượt qua thách thức, giảm thiểu rủi ro đòi hỏi cộng đồng doanh nghiệp logistics cần chuẩn bị kỹ lưỡng, tìm hiểu đúng, đầy đủ về các ưu đãi của FTA mà Việt Nam tham gia. Đồng thời, phải tự nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa và tích hợp các loại hình dịch vụ theo xu thế thị trường. Ứng dụng công nghệ trong hoạt động, nâng cao các tiêu chuẩn hoạt động của mình để đáp ứng yêu cầu cao của các FTA thế hệ mới và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Hiện nay, cả nước có khoảng 3.000 công ty tham gia cung cấp các loại hình dịch vụ logistics, trong đó, 70% có trụ sở ở khu vực Thành phố Hồ Chí Minh và khoảng 30 công ty logistics đa quốc gia. Các công ty đa quốc gia có thế mạnh về hợp đồng chuyên chở với các hãng tàu lớn, mức độ đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động logistics cao, trình độ quản lý tiên tiến và đặc biệt có quan hệ tốt với các chủ hàng toàn cầu nên có nhiều lợi thế so với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics Việt Nam. Trong khi đó, thế mạnh của doanh nghiệp logistics Việt Nam là đầu tư, khai thác cảng, vận tải bộ, đại lý thủ tục hải quan, khai thác kho bãi và có đội ngũ nhân sự tiềm năng về chất và lượng… Vì thế, khi thực thi FTA với những cam kết liên quan đến lĩnh vực logistics vốn là thế mạnh của các bên, sẽ không có chuyện doanh nghiệp logistics nội kém năng lực cạnh tranh trước doanh nghiệp ngoại.
Nhìn từ những giải pháp chung cho sự phát triển của hoạt động logistics, lợi thế của tỉnh đối với các sản phẩm nông sản chủ lực đầy tiềm năng xuất khẩu trong tương lai, vị trí địa chính trị cũng như các yếu tố hiện có về cơ sở hạ tầng giao thông, chuyển đổi số, các khó khăn, trở ngại hiện có đối với hoạt động xuất nhập khẩu một số mặt hàng đơn cử như sầu riêng và các vấn đề liên quan đến vận hành kho bãi, xuất khẩu sầu riêng vào vụ như hiện nay… Sự phát triển của hoạt động logistics cho tỉnh Đắk Lắk sẽ cần sự quan tâm sâu sát và quyết tâm cao độ của chính quyền địa phương, việc ưu tiên dành quỹ đất cho hoạt động logistics dựa trên sơ đồ phương án phát triển mạng lưới giao thông vận tải và quy hoạch sử dụng đất của tỉnh, có thể xem xét phát triển hệ thống kho ngoại quan phù hợp với Nghị định 68/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế, kho bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan và Nghị định 67/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 68/2016/NĐ-CP đi kèm với kế hoạch hoàn thiện kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp và khu chức năng trong thời gian tới, để đa số sản phẩm nông sản của tỉnh có thể quy về một mối từ khâu đóng gói, chế biến, bảo quản, xuất khẩu…, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng xuất khẩu, cắt giảm chi phí đơn lẻ, tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường nông sản.  
Phát triển hoạt động logistics cần xem xét phù hợp với các điều kiện địa chính trị, kinh tế, xã hội và sự phát triển của dân số địa phương về mặt quy mô và cơ cấu cũng như chất lượng dân số của tỉnh, từ đó xem xét áp dụng các xu hướng phát triển logistics trong nước và quốc tế theo từng thời kỳ sao cho phù hợp; tỉnh Đắk Lắk có thể xem xét đề xuất các cơ chế, chính sách riêng và mang tính đặc thù cho hoạt động này cũng đóng vai trò hết sức quan trọng, trong đó có các chính sách nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước nói chung và cho hoạt động logistics trên địa bàn tỉnh nói riêng.
Việc thúc đẩy sự phát triển của dịch vụ logistics nói chung sẽ tạo tiền đề cho việc nâng cao thứ hạng của Việt Nam trong bảng xếp hạng Chỉ số hiệu quả logistics do Ngân hàng Thế giới công bố từ nay đến năm 2025 lên 5-10 bậc, đóng góp tích cực vào cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh trong cung ứng dịch vụ logistics của Việt Nam nói chung và của tỉnh Đắk Lắk nói riêng, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo góp phần thực hiện thành công Nghị quyết 103/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hành động nhằm thực hiện Kết luận số 67-KL/TW ngày 16 tháng 12 năm 2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tác giả: Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - Phòng Quản lý Thương mại

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Hoi dap
Idesk
Email
Chuyen doi so
ISO
LICH TIEP CONG DAN
Code Buy Transfer Sell
AUD 16,121.66 16,284.50 16,820.26
CAD 18,077.48 18,260.08 18,860.83
CNY 3,423.46 3,458.04 3,572.35
EUR 26,475.36 26,742.79 27,949.19
GBP 30,873.52 31,185.37 32,211.36
HKD 3,153.19 3,185.04 3,289.82
JPY 156.74 158.32 166.02
SGD 18,143.91 18,327.18 18,930.14
USD 25,088.00 25,118.00 25,458.00
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây