Ngành Công Thương: Vượt qua thách thức, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế đất nước

Thứ tư - 20/12/2023 07:06
Ngày 20/12/2023, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức trọng thể Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì hội nghị. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tham dự và chỉ đạo Hội nghị.
Ngành Công Thương: Vượt qua thách thức, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế đất nước
Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long, Bộ trưởng Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng; đại diện các cơ quan của Đảng, Nhà nước; cơ quan của Quốc hội; các Bộ, Ngành, cơ quan Trung ương.
Cùng tham dự hội nghị còn có các đồng chí Lãnh đạo Bộ và Lãnh đạo Đảng ủy Bộ Công Thương qua các thời kỳ; Lãnh đạo Công đoàn Công Thương Việt Nam, Tổng cục Quản lý Thị trường và các Cục, Vụ, Viện, Báo, Tạp chí, Trung tâm và các Cục Quản lý thị trường địa phương, các Trường thuộc Bộ Công Thương…; đại diện Lãnh đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Tập đoàn, Tổng Công ty, các Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ngành Công Thương.
Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Bộ Công Thương và kết nối trực tuyến với mạng lưới các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài.
z4991950308689 531f064f882ff56130b455f32b3bf074 9d0c6

Những điểm sáng đóng góp chung vào phát triển kinh tế
Báo cáo tại Hội nghị về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ ngành Công Thương năm 2023, Thứ trưởng Phan Thị Thắng cho biết, năm 2023 nước ta thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh có rất nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường; kinh tế toàn cầu phục hồi chậm hơn nhiều so với dự báo; nhiều quốc gia, trong đó có các đối tác thương mại lớn của nước ta tăng trưởng chậm lại, tiềm ẩn nhiều rủi ro; lạm phát tuy đã hạ nhiệt nhưng vẫn neo ở mức cao dẫn đến nhiều nền kinh tế lớn duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất cao, nhu cầu các nước suy giảm, tác động trực tiếp tới các quốc gia có độ mở kinh tế lớn, trong đó có Việt Nam...
Trong bối cảnh đó, được sự chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cùng với nỗ lực và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, nhân dân cả nước, cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế nước ta đã đạt những kết quả đáng ghi nhận: Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối vĩ mô được bảo đảm… Đóng góp vào các thành tích chung đó, ngành Công Thương, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương và các địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh; chỉ đạo bảo đảm cung ứng vật tư, nguyên liệu, hàng hóa thiết yếu; đẩy mạnh các hoạt động kinh tế đối ngoại, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu hàng hóa; khai thác có hiệu quả các hình thức thương mại, các loại thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, chuỗi cung ứng, thúc đẩy xuất khẩu, đóng góp quan trọng, tích cực vào phát triển kinh tế của đất nước.
Theo đó, giá trị gia tăng ngành công nghiệp ước cả năm tăng 2,98%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 3,48%, đóng góp tích cực cho sự phục hồi của nền kinh tế. Nhiều địa phương đã nỗ lực vượt qua khó khăn, từng bước phục hồi sản xuất, duy trì được thành tích công nghiệp khá với chỉ số IIP tăng ở hầu hết các địa phương trên cả nước, nhiều địa bàn công nghiệp trọng điểm tiếp tục phục hồi hoặc duy trì đà tăng tích cực như Bà Rịa - Vũng Tàu; Bình Dương; Vĩnh Phúc; Vĩnh Long; Quảng Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh...
Về xuất nhập khẩu, trong năm 2023, tích cực tranh thủ cơ hội từ sự phục hồi của các thị trường lớn, truyền thống của nước ta để đẩy mạnh xuất khẩu. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 ước đạt 683 tỷ USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 354,5 tỷ USD, nhập khẩu ước đạt 328,5 tỷ USD. Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng ước đạt gần 30 tỷ USD, tăng gần gấp 3 lần năm 2022, góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế. Trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, tổng cầu thế giới sụt giảm, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam mặc dù chưa đạt được mức tăng trở lại so với năm trước nhưng mức suy giảm đã được thu hẹp đáng kể.
z4991320483329 bd9eaac7fc6eff384e117223e51e2987 931b6

Hoạt động thương mại trong nước tiếp tục khai thác hiệu quả sức mua của thị trường, phục hồi tích cực, đạt mức tăng trưởng vượt trội so với mức tăng trưởng chung của nền kinh tế. Tổng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2023 ước tăng 9,6% so với năm 2022, vượt mục tiêu kế hoạch của ngành (mục tiêu tăng 8-9%). Nguồn cung hàng hóa trong nước dồi dào, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân, giúp ổn định thị trường, các chương trình kích cầu tiêu dùng, tháng khuyến mại tập trung được tổ chức đồng loạt ở các địa phương, nhu cầu mua sắm tăng. Công tác kết nối cung cầu được thực hiện tốt, giá cả tương đối ổn định, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát của Chính phủ; củng cố liên kết giữa các nhà sản xuất trong nước với các hệ thống phân phối lớn trên toàn quốc. Đối với thị trường xăng dầu, công tác điều hành giá và đảm bảo nguồn cung xăng dầu được quan tâm, chỉ đạo thực hiện, luôn theo dõi sát diễn biến thị trường xăng dầu trong nước và thế giới để kịp thời chỉ đạo hoặc kiến nghị các cơ quan chức năng những giải pháp nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường.
Ngoài ra, công tác quản lý nhà nước đối với các ngành, lĩnh vực (quản lý thị trường, phòng vệ thương mại, hội nhập, xúc tiến thương mại, quản lý cụm công nghiệp, khuyến công, khoa học và công nghệ, tổ chức cán bộ...) được tổ chức triển khai đồng bộ, kịp thời, đóng góp tích cực vào thành tích chung của toàn Ngành.
Bên cạnh những kết quả tích cực đó, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực Công Thương năm 2023, như: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tuy có chuyển biến tích cực nhưng còn chậm, mới bắt đầu phục hồi từ cuối quý III trở lại đây. Các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu tiếp tục đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng từ thị trường quốc tế, một bộ phận doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm sản lượng; số doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng cao. Kim ngạch xuất khẩu sang hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm mặc dù mức suy giảm đang dần được thu hẹp. Mức độ phụ thuộc vào khu vực FDI trong xuất khẩu vẫn còn lớn khi kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI (kể cả dầu thô) vẫn chiếm khoảng 73% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Hạ tầng thương mại phát triển không đồng đều, đặc biệt tại các vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn; chưa thu hút được đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, đặc biệt các hạ tầng lớn có tính lan tỏa. Còn thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa các bên trong chuỗi cung ứng hàng hóa (nhà sản xuất, nhà phân phối, nhà vận chuyển, người tiêu dùng).
z4991320478422 8542419a322ce57317109c4d31621ee0 c2b41

Phối hợp hiệu quả, chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương
Chia sẻ tại Hội nghị, đại diện Bộ Nông nghiệp Phát triển và nông thôn cho biết, sự hợp tác phối hợp giữa 2 ngành là truyền thống, gắn kết nhiều năm, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong nhiệm kỳ mới, hai Bộ đã cụ thể hóa hợp tác bằng những chương trình toàn diện như Chương trình phối hợp về phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp, góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa nền nông nghiệp Việt Nam và khẳng định thương hiệu nông sản Việt Nam tại thị trường trong nước và quốc tế. Năm 2023, hai Bộ đã chỉ đạo các đơn vị liên quan trong việc phát triển thị trường, giải quyết đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp; đảm bảo cập nhật nhu cầu thị trường trong nươc; phối hợp đàm phán mở cửa thị trường; chia sẻ thông tin thị trường và tổ chức nhiều chương trình hội thảo, hội nghị, kịp thời phối hợp xử ly vướng mắc trong xuất khẩu.
Đối với công tác phối hợp trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng chia sẻ, Bộ đã phối hợp với Bộ Công Thương cùng các cơ quan có liên quan xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất tại Quyết định số 13/2023/QĐ-TTg ngày 22/5/2023; phối hợp trong công tác rà soát và xây dựng các Quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia về phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất (dự kiến hoàn thiện và trình ban hành vào năm 2024)…
Ở góc độ địa phương, ông Nguyễn Văn Dũng - Thành uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho hay, với sự chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, sự phối hợp và hướng dẫn về chuyên môn của các Bộ, ngành Trung ương nói chung, Bộ Công Thương nói riêng, TP. Hồ Chí Minh đã nỗ lực triển khai các giải pháp điều hành trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại để đảm bảo ổn định phát triển kinh tế, duy trì và thúc đẩy các hoạt động sản xuất, cung ứng, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp khai thác có hiệu quả thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa các cơ hội từ thị trường trong nước. “Để chuẩn bị cho năm 2024, TP. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 7,5 - 8%, trong đó tiếp tục xác định ngành Công Thương là một trong những trụ cột quan trọng đóng góp chung vào tăng trưởng kinh tế thành phố”- ông Nguyễn Văn Dũng nhấn mạnh.
z4991794780380 ff8dc409595a86c19f25a4da11620ef9 4ef57

Cũng tại Hội nghị, đại diện các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng, các đơn vị thuộc Bộ đã thẳng thắn trao đổi, tham luận, đánh giá tình hình và kết quả phát triển ngành Công Thương trong năm 2023; đề xuất các giải pháp trọng tâm năm 2024.
5 giải pháp trọng tâm cho năm 2024
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực và những kết quả quan trọng mà ngành Công Thương đã đạt được trong năm 2023. Toàn Ngành đã nỗ lực vượt qua những thách thức, khó khăn, vừa giải quyết những vấn đề nội tại, vừa tạo ra những bước đột phá và phát triển mới, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi, tình hình quốc tế diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, tác động tiêu cực, nhiều chiều đến quá trình phục hồi, phát triển kinh tế trong nước. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà gửi lời chúc mừng tới Bộ Công Thương, các địa phương, doanh nghiệp về những kết quả quan trọng đã đạt được trong năm qua, đặc biệt là hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài - đây là lực lượng tiên phong trên mặt trận thương mại, kinh tế hội nhập của đất nước.
Phó Thủ tướng khẳng định, ngành Công Thương đang tiên phong đi đầu với hai trụ cột (là công nghiệp và thương mại) để đổi mới và phát triển đất nước, những công việc của ngành Công Thương đã triển khai trong năm 2023 mang tính cách mạng, đổi mới và thử thách.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, chúng ta đã đạt được những con số đáng ghi nhận, minh chứng nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị. Cụ thể, 10/15 chỉ tiêu hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 683 tỷ USD, trong đó xuất siêu khoảng gần 30 tỷ USD; an ninh lương thực được đảm bảo, sản lượng cao, thị trường lao động phục hồi tích cực…Nhiều tổ chức quốc tế có ý kiến đánh giá cao những kết quả đó và dự báo Việt Nam sẽ phục hồi nhanh trong thời gian tới. Trong thành công chung của cả nước có sự đóng góp hết sức quan trọng, toàn diện của ngành Công Thương trên các mặt hoàn thiện tuân thủ pháp lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và phát triển các ngành, lĩnh vực sản xuất, thương mại, trong đó có vấn đề liên quan đến đảm bảo nguồn vật liệu, ung ứng nguồn nhiên liệu quan trọng huyết mạch của nền kinh tế.
Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương thẳng thắn nhận diện những khó khăn thác thức, những tồn tại, bất cập để xác định giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Theo đó, Phó Thủ tướng giao các nhiệm vụ cụ thể đối với ngành Công Thương để tập trung hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ được Chính phủ giao, góp phần thực hiện thắng lợi, toàn diện Kế hoạch năm 2024 đã đề ra.  Khẳng định sứ mệnh lớn lao của Bộ Công Thương, ngành Công Thương đối với sự phát triển của đất nước, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tin tưởng, ngành Công Thương với truyền thống của mình sẽ luôn vượt qua sóng gió, ngày càng mạnh mẽ và kiên định hơn trong quá trình phát triển. Qua đó, tạo ra được những thành tựu mang tính khởi tạo, kiến tạo quan trọng cho phát triển đất nước theo hướng đổi mới, hội nhập, tự lực, tự cường.
Phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng và bế mạc Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đánh giá, khái quát lại những kết quả nổi bật của ngành Công Thương trong năm 2023, cũng như chỉ ra những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan trong hoạt động công tác của Bộ năm 2023. Bộ trưởng nhận định những tồn tại, hạn chế nêu trên là những điểm nghẽn đối với sự phát triển của Ngành trong nhiều năm qua; vì vậy, cần phải nhìn nhận một cách thẳng thắn, cầu thị các hạn chế này để nghiêm túc rút kinh nghiệm và có các giải pháp để khắc phục kịp thời, tạo sự chuyển biến thực chất và mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Về triển khai nhiệm vụ năm tới, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhận định năm 2024 là năm có ý nghĩa quyết định đến kết quả thực hiện các mục tiêu Kế hoạch 5 năm (2021-2025). Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, tình hình quốc tế, khu vực và trong nước được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; các hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Để kịp thời khắc phục những hạn chế, yếu kém thời gian qua, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác, hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ được giao; thay mặt Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các đơn vị trong toàn Ngành quán triệt, tiếp thu và triển khai thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại Hội nghị; đồng thời, tập trung thực hiện tốt một số nội dung, giải pháp sau:
Một là, tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan về phát triển công nghiệp, thương mại; nhất là các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thể chế; trước mắt, tập trung hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Kế hoạch thực hiện 04 Quy hoạch ngành quốc gia về năng lượng, khoáng sản và khẩn trương tham mưu xây dựng, sửa đổi, bổ sung các Luật, Nghị định, cơ chế chính sách có vai trò quan trọng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; đồng thời, chủ động đề xuất với cấp có thẩm quyền cho thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách có tính đột phá để thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới nổi và các mô hình kinh doanh mới, hiệu quả, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế đất nước.
Hai là, khẩn trương xây dựng Kế hoạch hành động và tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024; trong đó, chú trọng các nhiệm vụ, giải pháp tập trung giải quyết các “điểm nghẽn” và tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất, nhất là trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; đẩy nhanh triển khai các dự án phát triển công nghiệp, năng lượng, thương mại, nhất là các dự án trọng điểm để sớm đưa vào hoạt động, góp phần nâng cao năng lực nội sinh của nền kinh tế đất nước.
Ba là, đẩy mạnh, tạo chuyển biến tích cực hơn trong thực hiện cơ cấu lại ngành Công Thương gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế. Chú trọng phát triển các ngành công nghiệp có tính nền tảng, quan trọng và công nghiệp hỗ trợ; đồng thời, ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ mới, công nghệ cao (như sản xuất chíp, chất bán dẫn, khai thác, chế biến khoáng sản quý) để trở thành một động lực thúc mới đẩy sự phát triển của ngành Công Thương trong thời gian tới.
Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế; chủ động tham mưu khai thác các cơ hội từ quan hệ đối ngoại với các nước lớn để đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư các ngành trọng điểm sang nước thứ 3 của các tập đoàn đa quốc gia nhằm chống đứt gãy chuỗi cung ứng, nhất là trong lĩnh vực mà nước ta đang có nhu cầu và lợi thế, như: Công nghiệp điện tử, hạ tầng số, hạ tầng logistics, năng lượng sạch, công nghiệp vật liệu mới, Chíp và chất bán dẫn; khai thác, chế biến khoáng sản quý; đồng thời, tăng cường thực thi hiệu quả các giải pháp kết nối chặt chẽ giữa các doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước nhằm thúc đẩy phát triển kỹ năng quản trị, chuyển giao công nghệ, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt, đáp ứng yêu cầu tham gia ngày càng sâu vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Phát huy tốt hơn nữa vai trò của hệ thống cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong công tác hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu. Tích cực tham mưu đàm phán, ký kết mới và nâng cấp các Hiệp định thương mại tự do với các đối tác còn tiềm năng ở khu vực Trung Đông, Châu Phi và Nam Mỹ, tạo động lực tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư; đồng thời, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu để thúc đẩy xuất khẩu bền vững.
Chú trọng đổi mới công tác xúc tiến thương mại, kết hợp chặt chẽ giữa thương mại truyền thống với hiện đại, thương mại điện tử, kinh tế số nhằm khai thác hiệu quả thị trường nội địa còn nhiều tiềm năng; đồng thời, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả, thị trường các mặt hàng thiết yếu để điều hành phù hợp, hiệu quả; tăng cường công tácquản lý thị trường và nâng cao năng lực phòng vệ thương mại, bảo vệ sản xuất và lợi ích người tiêu dùng, phù hợp với các cam kết quốc tế.
Năm là, tập trung sắp xếp lại bộ máy, nhân sự; chấn chỉnh, sốc lại kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành và ý thức chấp hành của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới lề lối, phương thức làm việc, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong toàn hệ thống nhằm thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, sau Hội nghị, Lãnh đạo Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo bổ sung, hoàn thiện Kế hoạch hành động của Ngành trong năm tới và tập trung tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra với nỗ lực cao nhất ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm mới nhằm thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao. Đối với các kiến nghị, đề xuất của các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp, Bộ Công Thương sẽ khẩn trương xem xét, giải quyết theo thẩm quyền hoặc tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét chỉ đạo giải quyết những vấn đề vượt thẩm quyền.
z4991794749229 ad47281cf3b8b24f2751372ec3958aa4 38083
 
z4991794784989 fb945bcb32e58cb5dc321a65cf291858 c4acd
Trong khuôn khổ Hội nghị, Bộ Công Thương đã công bố quyết định khen thưởng trao tặng Huân chương lao động Hạng Nhì và Hạng Ba của Chủ tịch nước cho 2 cá nhân thuộc Bộ; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 2 cá nhân thuộc Bộ Công Thương đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2018 đến năm 2022 góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc; Tặng Cờ thi đua của Bộ Công Thương cho 06 tập thể thuộc Cơ quan Bộ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác, dẫn đầu trong phong trào thi đua của Bộ Công Thương năm 2022.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây