Hội nghị Quốc tế ngành Hồ tiêu và gia vị Việt Nam (VIPO 2024)

Thứ bảy - 09/03/2024 04:45
Ngày 8 tháng 3 năm 2024, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Quốc tế ngành Hồ tiêu và gia vị Việt Nam (VIPO 2024) với sự tham dự của Ông Huỳnh Tấn Đạt – Cục trưởng Cục bảo vệ thực vật, Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch VPSA cùng các khách mời là các chuyên gia trong nước và quốc tế ngành hồ tiêu và gia vị cùng các công ty hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, sản xuất hồ tiêu và gia vị trong ngoài nước.
VIPO 2024
VIPO 2024
Khai mạc Hội nghị, Cục trưởng Cục BVTV Huỳnh Tấn Đạt cho rằng, khoa học công nghệ và đầu tư là hai nhân tố giúp hiện thực hóa mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, Đẩy mạnh xuất khẩu hồ tiêu và gia vị góp phần cải thiện sinh kế nông hộ, định vị thương hiệu Việt Nam trên thị trường thế giới và tăng trưởng GDP quốc gia, tuy nhiên, Ông Đạt cũng thừa nhận rằng  “Sự phát triển nhỏ lẻ, manh mún đã hạn chế khả năng tiếp cận và áp dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, chi phí đầu tư khá lớn khiến các doanh nghiệp phải cân nhắc, trong khi đa số các doanh nghiệp Việt Nam thuộc diện vừa và nhỏ”, cơ quan quản lý, doanh nghiệp và chính quyền địa phương cần sớm có hướng giải quyết những nút thắt liên quan tới tích tụ, tập trung ruộng đất, thực hiện cánh đồng mẫu lớn… Bởi đó là những vấn đề đặt ra trong quá trình đưa ngành nông nghiệp Việt Nam tiến vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 một cách hiệu quả, bền vững, toàn ngành nông nghiệp phải toàn lực cố gắng, đồng thời phải gắn kết cùng các doanh nghiệp trong và ngoài nước kết hợp cùng công nghiệp và dịch vụ, trở thành những mũi nhọn dẫn dắt toàn nền kinh tế phát triển bền vững.
Tại Hội nghị có sự tham dự của các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế đối với mảng hồ tiêu và gia vị, trong đó có Bà Laura Shumow – Giám đốc điều hành Hiệp hội gia vị thương mại Hoa Kỳ, Ông Sudhanshu Pran Kaul – Phó chủ tịch Olam Food Ingredients, Ông Lâm Văn Xự - Giám đốc phòng thí nghiệm thực phẩm – ngành sức khỏe và dinh dưỡng, Công ty SGS Việt Nam, Ông Nguyễn Văn Thiết – Giám đốc Rainforest Alliance Việt Nam, Ông Abhijit Goswami – Trưởng bộ phận vận hành và đối tác – ThinkAg, Ông Lê Quí Hòa Bình – Quản lý chứng nhận nông nghiệp tại Control Union Việt Nam…
VIPO 2024 HN 1
Các diễn giả, chuyên gia tại sự kiện
Khách mời Hội nghị đã được nghe các thông tin về sự thay đổi chính sách lương thực và môi trường pháp lý đối với ngành thực phẩm của Hoa Kỳ, hiện nay, FDA tiếp tục tăng cường các quy định về an toàn thực phẩm, salmonella vẫn là ưu tiên hàng đầu, Hoa Kỳ tiếp tục tập trung vào hóa chất trong thực phẩm, thúc đẩy các giới hạn có thể đạt được, các quy định về kim loại nặng, theo đó, không có giới hạn chính thức mà thay vào đó các quy định đánh giá mức độ trên cơ sở “tùy trường hợp”, các sản phẩm từ gia vị như quế bị điều tra và sàng lọc sản phẩm nhập khẩu vì nồng độ chì, dung sai giới hạn đối với thuốc trừ sâu trên gia vị ở Hoa Kỳ, các tiến trình kiến nghị về thuốc trừ sâu…
Diễn giả tại VIPO 2024
Diễn giả quốc tế trình bày tại Hội nghị

Ông Sudhanshu Pran Kaul – Phó chủ tịch Olam Food Ingredients đưa ra các quan điểm về thuận lợi, khó khăn và hạn chế của ngành hồ tiêu, gia vị Việt Nam trong thời gian đến, trong đó phải kể đến các vấn đề như: các yêu cầu ngày càng chặt chẽ của thị trường nhập khẩu, người tiêu dùng ngày càng chú trọng đến sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp, các công ty chủ đạo trong ngành hiện đã đang cam kết giảm mức phác thải từ đây cho đến năm 2050 về 0…, ngành hồ tiêu và gia vị có sự cạnh tranh từ các hàng hóa khác như sầu riêng, cà phê, chuối… Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của các phương pháp thực hành nông nghiệp tốt để cải tạo chất lượng đất, cung cấp hệ thống truy xuất nguồn gốc đến tận người nông dân, làm việc chặt chẽ với các chủ thể chính trong ngành để đảm bảo rằng chuỗi cung ứng không vi phạm các quy định về quyền con người, rủi ro sức khỏe, an toàn cũng như tăng cường sử dụng nguồn năng lượng sạch và năng lượng tái tạo trong quá trình chế biến tại các nhà máy…Tuy nhiên, một số cơ hội của ngành hồ tiêu và gia vị có thể kể đến như: Việt Nam đang phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng, đầu tư hơn nữa vào các thành phần gia vị có giá trị về mặt chức năng bằng cách đầu tư vào hoạt động R&D – Nghiên cứu và phát triển, Innovation – Đổi mới công nghệ, xây dựng bộ tiêu chuẩn chung của Việt Nam liên quan đến an toàn thực phẩm, tạo ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng phát triển của người tiêu dùng…Để phát triển hơn nữa ngành gia vị nói chung, Việt Nam cần khắc phục được các giới hạn như việc thiếu kiến thức và ý thức của người nông dân, khó khăn trong việc chuyển đổi mô hình canh tác truyền thống, ngành nông nghiệp cần đạt được quy mô lớn hơn trong thời gian tới, đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ và máy móc…
Đại diện của Control Union cũng đã cho khách mời các thông tin liên quan đến các quy định hữu cơ của Châu Âu mới – sẽ áp dụng từ ngày 01/01/2025, cập nhật quy định tăng cường thực thi hữu cơ Hoa Kỳ - sẽ có hiệu lực từ ngày 19/03/2024 và những thác thức của ngành gia vị Việt Nam. Theo đó, nhóm nông dân phải là đơn vị có pháp nhân mới đăng ký được dự án, nông dân sở hữu riêng cho mình chứng nhận hữu cơ, nhóm nông dân (hợp tác xã) không còn thuộc sự quản lý của thương nhân mà trở thành quan hệ đối tác, các quy định về báo cáo kiểm tra nội bộ, chuỗi cung ứng ngày càng chặt chẽ về mặt quy định…Các thách thức hiện có liên quan đến mô hình hợp tác xã như nhân sự vận hành, làm thế nào để khuyến khích nông dân tham gia hợp tác xã, kinh phí duy trì chứng nhận…Bên cạnh đó, Châu Âu tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực như: giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, ngăn chặn lao động trẻ em, hiện thực hóa thu nhập đủ sống cho nam và nữ, tạo ra các cấp độ ở trang trại và trong chế biến, triển khai thực hiện các hành động vì môi trường, giảm dấu chân carbon - carbon footprint thông qua hoạt động liên quan đến khí hậu, sử dụng hóa chất trong nông nghiệp, nước và đa dạng sinh học...
Đại diện Sáng kiến thương mại bền vững - SSI, Trưởng nhóm phát triển bền vững Ông Tamás Sarkadi cho biết, các chủ thể trong ngành nông nghiệp nên có sự hiểu biết đầy đủ về những thay đổi về mặt quy định, pháp lý của Châu Âu trong thời gian tới, bởi điều này có thể làm thay đổi và tác động đến các quốc gia sản xuất, có thể mang tính tiêu cực hoặc tích cực, rất nhiều doanh nghiệp sẽ phải tuân thủ các quy định này và các quy định của Châu Âu sẽ tạo ra tiêu chuẩn mang tính toàn cầu. Các bộ luật trong phạm vi bao gồm: Chỉ thị thẩm định về tính bền vững của doanh nghiệp - CSDDD, Chỉ thị báo cáo phát triển bền vững doanh nghiệp - CSRD, quy định chống mất rừng - EUDR, quy định cấm lao động cưỡng bức....
 
Trưng bày tiêu và gia vị tại VIPO 2024
Hoạt động trưng bày sản phẩm tại sự kiện
Tại sự kiện do Bộ NN-PTNT phối hợp Bộ Công thương và Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) tổ chức, bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch VPSA tái khẳng định chủ đề VIPO 2024 – phát triển bền vững, toàn diện ngành hồ tiêu và gia vị Việt Nam, bà kêu gọi doanh nghiệp cần nâng cao hơn nữa nhận thức trong vai trò đảm bảo sinh kế cho người dân, bởi đây là động cơ chính để nền kinh tế phát triển bền vững, VPSA đã và đang cố gắng lồng ghép những yếu tố bền vững trong tất cả các chuỗi cung ứng, đồng thời thu hút, tạo điều kiện và cung cấp các kỹ năng cần thiết để người nông dân vừa đáp ứng yêu cầu thị trường, vừa nâng cao chất lượng sản phẩm đầu ra, theo bà Liên, phát triển bền vững cần thời gian lâu dài. Vì thế, doanh nghiệp cần lắng nghe nhiều hơn từ người dân, đồng thời chú trọng tới yếu tố cộng đồng, giúp người nông dân có thêm cơ hội trau dồi, trao đổi kinh nghiệm, VIPO 2024 còn kêu gọi tất cả các tác nhân trong trong ngành hồ tiêu và gia vị, bao gồm các nhà xuất nhập khẩu, thương nhân, nông dân, các cơ quan chính phủ, các công ty tài chính, các tổ chức phi chính phủ… cùng tăng cường hợp tác và phát triển, xây dựng được chuỗi cung ứng lành mạnh và bền vững.
 

Tác giả: Tin: Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - Phòng Quản lý Thương mại

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây