Tỉnh Đắk Lắk tổ chức hội nghị tổng kết ngành hàng sầu riêng năm 2023, phương hướng nhiệm vụ năm 2024

Thứ ba - 02/04/2024 22:56
Sáng ngày 03/4/2024, tại Buôn Ma Thuột đã diễn ra Hội nghị tổng kết ngành hàng sầu riêng năm 2023 và phương hướng nhiệm vụ năm 2024. Về dự Hội nghị tổng kết ngành hàng sầu riêng năm 2023 và phương hướng nhiệm vụ năm 2024 có đại diện lãnh đạo văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh - Ông Nguyễn Thiên Văn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, các sở, ngành: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công Thương, Cục bảo vệ thực vật, Văn phòng SPS Việt Nam, Hiệp hội sầu riêng Thái Lan tại Thành phố Hồ Chí Minh, UBND các huyện và đại diện các công ty kinh doanh, thương mại trong và ngoài tỉnh.
Đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã báo cáo kết quả triển khai ngành hàng sầu riêng năm 2023, phương hướng nhiệm vụ năm 2024, theo đó, trong những năm gần đây cây ăn quả của tỉnh phát triển rất mạnh cả về diện tích, năng suất và sản lượng, theo đó chất lượng sản phẩm cũng được đảm bảo hơn. Mặt khác, về lâu dài việc biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn như hiện nay tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ mất dần lợi thế của vùng trồng cây ăn quả trọng điểm thay vào đó tỉnh Đắk Lắk sẽ được xem là vùng thay thế phát triển tiềm năng.Theo Báo cáo chính thức năm 2023 của Cục Thống kê tỉnh Đắk Lắk tổng diện tích sầu riêng là 32.785 ha, chiếm 50,27% diện tích cây ăn quả, tăng 10.326,4 ha so với năm 2022, sản lượng ước đạt 281.350 tấn, tăng 93.364 tấn so với năm 2022. Đắk Lắk hiện có sản lượng sầu riêng đứng thứ 2 cả nước sau Tiền Giang.Về cơ cấu giống: Sầu riêng DONA và Ri6 là hai giống chủ lực được trồng chiếm 97,3 diện tích sầu riêng toàn tỉnh. Trong đó, diện tích trồng giống DONA chiếm 84,1%; diện tích trồng giống Ri6 chiếm 13,2% và diện tích trồng giống khác (địa phương, Musang king,..) chiếm 2,7%.
Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk có 02 huyện được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Chứng nhận đăng ký nhãn hiệu là “Sầu riêng Krông Pắc” (Quyết định số 16552/QĐ- SHTT ngày 08/3/2022 về việc Cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu) “Sầu riêng Cư M’gar” (Quyết định số 53027/QĐ-SHTT, ngày 10/7/2023 về việc Cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu). Huyện Krông Búk và Ea H’Leo đang xây dựng đề án và đăng ký bảo hộ thương hiệu là sầu riêng Krông Búk và sầu riêng Ea H’Leo. Tổng giá trị thu về của niên vụ sầu riêng năm 2023 khoảng từ 1,0-1,2 tỷ đồng/ha, trừ các khoản chi phí thì lợi nhuận thu về khoảng 0,7 tỷ đồng/ha. Tổng giá trị thu về của niên vụ sầu riêng năm 2023 khoảng từ 1,0-1,2 tỷ đồng/ha, trừ các khoản chi phí thì lợi nhuận thu về khoảng 0,7 tỷ đồng/ha. Trên địa bàn tỉnh hiện có 68 vùng trồng sầu riêng đã được phía Trung Quốc cấp mã số, với tổng diện tích khoảng 2.521 ha; Trong đó huyện Krông Pắc có 37 vùng trồng với tổng diện tích khoảng 1.857 ha.
dai dien hiep hoi sau rieng thai lan phat bieu
Đại diện Hiệp hội sầu riêng Thái Lan phát biểu
Theo báo cáo, kinh nghiệm thành công trong xuất khẩu nông sản nói chung và sầu riêng của Thái Lan nói riêng có rất nhiều để Việt Nam có thể học hỏi, về mặt chính quyền, để khuyến khích người nông dân hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp nói chung và sầu riêng nói riêng, chính phủ đã đưa ra những ưu đãi hấp dẫn cho việc nâng cấp phương thức sản xuất và chất lượng thu hoạch theo tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, như: Chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt (GAP) và Chứng nhận hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000. Theo đó, các doanh nghiệp áp dụng công nghệ nhằm hiện đại hóa sản xuất trong khu vực nông nghiệp tư nhân sẽ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong vòng 5 năm. Thường xuyên tổ chức các chương trình hội thảo và các lớp đào tạo có cấp chứng chỉ về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sầu riêng, kỹ thuật nuôi trái, thu hoạch, phân loại, đóng gói và bảo quản với đối tượng được đào tạo là các chủ vườn, thương lái, thợ phân loại và những đơn vị xuất khẩu sầu riêng. Tăng cường các hoạt động tuyên truyền để các chủ thể tham gia chuỗi cung ứng sầu riêng xuất khẩu nâng cao nhận thức về tầm quan trọng trong việc kiểm soát chất lượng sầu riêng, đặc biệt là khi loại trái cây này đang phụ thuộc vào một thị trường duy nhất. Cơ quan quản lý nhà nước ngành nông nghiệp từ Bộ Nông nghiệp và HTX đến các địa phương sẽ lấy mẫu sầu riêng ngẫu nhiên tại các cơ sở đóng gói để phân tích hàm lượng chất khô, dư lượng kim loại nặng và hoá chất bảo vệ thực vật của sản phẩm bên trong và côn trùng bên ngoài quả sầu riêng trước khi đóng cont xuất khẩu. Người dân và doanh nghiệp thể hiện tinh thần trách nhiệm cao đảm bảo uy tín về chất lượng sản phẩm và vệ sinh an toàn thực phẩm trong chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản từ sản xuất đến bảo quản, chế biến, đóng gói và xuất khẩu (nói thật, làm thật và chất lượng thật) để tạo dựng lòng tin và quảng bá thương hiệu cho một tỉnh hay quốc gia. Các cơ quan quản lý nhà nước cần thiết lập những đường dây nóng để tiếp nhận thông tin và xử lý kịp thời các trường hợp cố tình làm sai của các chủ thể tham gia chuỗi cung ứng sầu riêng. Quyết liệt hơn,  Thái Lan còn có một lực lượng chuyên làm nhiệm vụ đào tạo, kiểm tra và xử phạt bất kỳ cơ sở đóng gói nào có tình trạng mua bán sầu riêng non hay sượng.
Về phương hướng nhiệm vụ năm tới, Mục tiêu phát triển đến năm 2025, ổn định diện tích trên 22.000 ha, sản lượng trên 225 ngàn tấn. Mở rộng và duy trì diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn (VietGAP, hữu cơ,…) và cấp mã số vùng trồng đạt trên 20% diện tích. Tập trung ở các huyện: Ea H’leo, Cư M’gar, Krông Năng, Krông Pắc, Krông Búk và thị xã Buôn Hồ. Cơ cấu tỷ lệ diện tích thu hoạch chính vụ 80% diện tích, rải vụ thu hoạch 20% diện tích. Đẩy mạnh sử dụng các giống mới chất lượng, rải vụ thu hoạch, thuận lợi cho tiêu thụ. Xây dựng hệ thống vườn cây đầu dòng, nhân giống sầu riêng phục vụ sản xuất. Áp dụng đồng bộ biện pháp kỹ thuật thâm canh: tưới nước tiết kiệm, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, xử lý ra hoa rải vụ thu hoạch...
Gắn phát triển vùng sản xuất tập trung với các cơ sở bảo quản, chế biến sản phẩm, triển khai thực hiện chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm cây ăn quả; phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp định hướng quy mô vùng trồng các loại cây ăn quả chủ lực đặc biệt là cây sầu riêng; thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết sản xuất từ xây dựng vùng trồng đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng vùng sản xuất chuyên canh nhằm tạo ra các vùng nguyên liệu đủ lớn, chất lượng tốt để làm cơ sở thu hút đầu tư, kết nối tiêu thụ sản phẩm, vùng sản xuất chuyên canh sầu riêng với tổng diện tích 5.400 ha, diện tích tập trung tại 6 huyện, thị xã, thành phố: Thị xã Buôn Hồ, huyện Cư Mgar, huyện Krông Pắc, huyện Ea Hleo, huyện Krông Năng, huyện Krông Búk.
Đồng thời, hội nghị còn đưa ra các giải pháp trong thời gian tới, trong đó nhấn mạnh việc tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ trái cây xuất khẩu và các hộ sản xuất trong vùng trồng được cấp mã số về việc tuân thủ các biện pháp như: Quản lý dịch hại, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; Xây dựng kế hoạch phối hợp liên ngành nhằm đấu tranh phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm trong các vụ sầu riêng đảm bảo cho người dân, chủ vườn nhận thức được âm mưu, thủ đoạn, các vấn đề phức tạp liên quan đến mùa sầu riêng, phòng tránh ngay việc tranh mua, tranh bán, thậm chí là bảo kê. Ngoài ra, trong thời gian tới sẽ tiến hành đề xuất ban hành quy định bắt buộc các chủ vườn phải có giấy chứng nhận đánh giá chất lượng sầu riêng trước khi thu hoạch.
Theo Cục bảo vệ thực vật, ngành sầu riêng có các điều kiện hết sức thuận lợi để phát triển trong thời gian tới, trong đó, xu hướng ngày càng phổ biến của sầu riêng vượt ra ngoài thị trường châu Á, đặt nó trở thành một sản phẩm xuất khẩu chính với diện tích trồng lớn và sản lượng cao, sầu riêng Việt Nam đã xuất khẩu sang hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, tuy nhiên, ngành hàng còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc như: hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn chưa đầy đủ, xử lý vi phạm chưa kịp thời, công tác giám sát chưa hiệu quả, nhân lực quản lý còn thiếu và yếu, công tác tuyên truyền và đào tạo chưa đa dạng, thông tin chưa được cung cấp đầy đủ cho người dân và doanh nghiệp. Ngoài ra, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự phát, chủ yếu là trồng xen canh, chưa có mô hình quản lý chất lượng sầu riêng thống nhất, liên kết chuỗi sản xuất-chế biến-tiêu thụ lỏng lẻo, quy mô nhỏ lẻ và tình trạng tranh mua, bán tháo, loạn giá, phá vỡ hợp đồng, nhận thức người dân hạn chế về quy định và lợi ích mã số, dẫn đến không phối hợp liên kết, thiếu trách nhiệm. Đối với vấn đề hồ sơ thủ tục cấp mã số giữa các địa phương còn khác nhau gây khó khăn, xuất hiện các nguy cơ gian lận sử dụng mã số trái phép, không đúng quy định, ảnh hưởng uy tín ngành, nhiều cơ sở không mua sầu riêng từ vùng trồng đã cấp mã số, ảnh hưởng truy xuất nguồn gốc, hệ thống truy xuất nguồn gốc thông tin thiếu, chưa được cập nhật liên tục, thông báo vi phạm tăng, nếu không khắc phục có nguy cơ mất thị trường mới mở.
Cũng tại Hội nghị, Hiệp hội sầu riêng Thái Lan tại Tp Hồ Chí Minh cũng chia sẻ, người Thái Lan rất chuyên nghiệp trong việc thu hoạch, đội ngũ cắt chuẩn, nhà vườn cũng hiểu đẹp/ dạt là thế nào, tạo chất lượng sầu riêng đồng đều, đủ tiêu chuẩn, Sầu riêng non, khi bị phát hiện sẽ bị phun sơn đỏ, để không có cơ hội đem đi gạt bán tiếp cho người khác, Thái Lan còn Tổ chức các buổi hội thảo, đào tạo bắt buộc, để chủ vườn, thợ gõ, thợ cắt được học tập, được cập nhật thông tin chung về chất lượng sầu. Qua đó, để các bên thông cảm, hỗ trợ và giám sát lẫn nhau. Thông qua các buổi đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề v.v...Thái Lan thông qua luật để bảo vệ những người thực hiện nghiêm túc,trừng trị những người không thực hiện theo hình thức cả phạt tiền và phạt tù. Ngoải ra, thông qua luật để truyền thông ra thế giới việc nghiêm túc trong vấn đề sầu riêng nói chung và vấn đề nông sản nói riêng.
Sở Công Thương cho biết tại Hội nghị, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt hơn 1.496 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu toàn tỉnh thực hiện hơn 353 triệu USD, trong đó các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như: Cà phê, hạt tiêu, hạt điều, sản phẩm sắn, cao su...Riêng mặt hàng rau quả trong năm 2023 đã xuất khẩu 271,4 triệu USD chiếm 18,1% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, trong đó kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đạt khoảng hơn 100 triệu USD. Sầu riêng tuy là mặt hàng có giá trị cao và có số lượng xuất khẩu lớn tuy nhiên hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng là các doanh nghiệp tỉnh ngoài thu mua sầu riêng của tỉnh và vận chuyển về các tỉnh miền Tây để xuất khẩu do đó kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của tỉnh chưa được ghi nhận tương xứng với tiềm năng.Năm 2024, sầu riêng được dự báo sẽ tiếp tục bứt phá khi sản lượng tăng cao. Trung Quốc sẽ tiếp tục là thị trường tiêu thụ chính và lớn nhất trong năm 2024 cũng như nhiều năm kế tiếp. Để ngành sầu riêng phát triển bền vững, đem lại lợi nhuận kinh tế ổn định cho người dân, doanh nghiệp và đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội của tỉnh tương xứng với tiềm năng, cần chú trọng triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó, cần phát triển kết cấu hạ tầng thương mại, thu hút đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống dịch vụ logistics gắn với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại trong nước để phục vụ liên kết vùng, kết nối vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ, đường sắt, đường biển nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho lưu chuyển hàng hóa và bảo quản, tiêu thụ.
Cũng theo Hiệp hội sầu riêng tỉnh, một trong các giải pháp trong thời gian sắp tới chính là việc hỗ trợ nghiên cứu và phát triển các phương pháp canh tác và xử lý sầu riêng mới, an toàn và hiệu quả. Hỗ trợ tập huấn các tiến bộ khoa học kỹ thuật, các biện pháp thực tế đạt hiệu quả cao trong quá trình canh tác sầu riêng, bơ bằng cách liên kết các chuyên gia có kỹ thuật, kinh nghiệm cao trong các loại cây nói trên. Tạo điều kiện cho các nông dân và doanh nghiệp tham gia vào các dự án nghiên cứu cộng đồng để chia sẻ và học hỏi từ những kinh nghiệm tích lũy được. Thực hiện các điểm mô hình trình diễn khoa học công nghệ đạt hiệu quả cao để nông dân trực tiếp học hỏi. Trong năm tới, Hiệp hội sẽ tổ chức các buổi hội thảo và đào tạo để chia sẻ thông tin về các quy định và tiêu chuẩn của các thị trường xuất khẩu quan trọng, như EU, và cách thức tuân thủ. Cung cấp hướng dẫn chi tiết về các quy trình và thủ tục để đáp ứng các yêu cầu của các thị trường xuất khẩu.

Tác giả: Tin: Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - Phòng Quản lý Thương mại

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây