Chiều ngày 17/11/2023, tại Cục Xúc tiến Thương mại đã diễn ra Hội thảo Xúc tiến thương mại sang thị trường Châu Mỹ tại Hà Nội với chuyên đề: Triển vọng hợp tác thương mại hóa và dịch vụ giữa Việt Nam và Canada trong bối cảnh thực thi Hiệp định CPTPP với hơn 150 đại biểu từ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, tổ chức hỗ trợ kinh doanh, các cơ quan ban ngành liên quan, cơ quan thông tấn báo chí và truyền thông, hình thức tham dự vừa trực tuyến vừa trực tiếp.
Hội thảo nhằm mục đích đánh giá mức độ tận dụng các cơ hội ưu đãi mặt hàng thế mạnh của Việt Nam từ Hiệp định CPTPP trong bối cảnh mới, những vấn đề pháp lý cần biết dành cho doanh nghiệp Việt Nam định hướng xuất khẩu sang thị trường Canada, những vấn đề pháp lý cần biết dành cho doanh nghiệp Việt Nam định hướng xuất khẩu sang thị trường Canada, phương pháp tiếp cận thị trường thông qua thương mại song phương với sự tham gia của các diễn giả, chuyên gia gồm: Ông Đinh Sỹ Minh Lăng – Vụ Thị trường Châu Âu - Châu Mỹ, Chuyên gia cao cấp chuyên tư vấn đào tạo của ITC về sử dụng công cụ hỗ trợ phân tích thị trường và tận dụng lợi thế FTA, Ông Nguyễn Trung Hiếu, Thạc sỹ, Luật sư, Tổng giám đốc công ty TNHH Bách Luật (LexNovum Lawyers), Ông Kevin Sullivan, Chủ tịch công ty Export Solutions International (Canada) - hiện là Tổng Giám đốc của Export Solutions International (ESL), một công ty chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn chuyên nghiệp, chuyên hỗ trợ các doanh nghiệp Canada trong việc tìm kiếm nguồn cung, quản lý chuỗi cung ứng và thâm nhập thị trường xuất khẩu.
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã đưa ra các thông tin về thị trường Canada, quan điểm tận dụng Hiệp định CPTPP trong hoạt động xuất khẩu các sản phẩm của Việt Nam sang thị trường này, một số điểm cần lưu ý như vấn đề quy chuẩn chất lượng, xác định các quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng cần đáp ứng.
Các doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu sang thị trường Canada cần thống nhất với các quy chuẩn chất lượng, quy trình, phương thức đánh giá chất lượng hàng hóa, xác định thời điểm chuyển giao rủi ro hàng hóa, tránh ghi nhận các điều khoản ràng buộc mang tính chất tuyệt đối, toàn bộ đối với các trách nhiệm, khiếu nại phát sinh từ hoặc liên quan đến chất lượng hàng hóa, cần lưu ý rằng, tùy thuộc vào mặt hàng, sản phẩm, loại hàng hóa nhập khẩu vào thị trường Canada, nhà xuất khẩu cần tuân thủ các tiêu chuẩn như ISO, các tiêu chuẩn Châu Âu...và phải chịu trách nhiệm chế tài. Đối với các doanh nghiệp nhập khẩu từ thị trường Canada, Luật sư Nguyễn Trung Hiếu lưu ý cơ chế tự chứng nhận xuất xứ có thể được áp dụng từ năm 2024, sau khi Việt Nam tham gia Hiệp định CPTPP được 5 năm. Cơ chế này khá thuận tiện đối với sản phẩm nội khối, DN sẽ tự đưa ra xác nhận CO nộp cho cơ quan hải quan để được hưởng cơ chế ưu đãi. Tuy nhiên, DN cần lưu ý các DN xuất từ Canada phải có thực sự đủ uy tín, tin tưởng giúp DN sử dụng thông tin cung cấp cho các cơ quan hữu quan của Việt Nam để hưởng thuế suất ưu đãi.
Về vấn đề hậu mãi, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ phải tuân thủ theo một số quy định của thị trường Canada như đảm bảo sự thỏa mãn của khách hàng (satisfaction guarantee), xác định mức giá cạnh tranh (price matching), các doanh nghiệp cần đánh giá và xây dựng các chính sách, phương án bán hàng phù hợp, cần dự trù giá bán hoặc chi phí chênh lệch phải hoàn trả, cần xem xét mua bảo hiểm hàng hóa để ứng phó trước với cơ chế hậu mãi của thị trường, đặc biệt là thị trường khu vực Bắc Mỹ.
Ngoài ra, một số các lưu ý khác như đối với nhà nhập khẩu, mặc dù tuân thủ theo thỏa thuận tại Chương 3 Hiệp định CPTPP: Quy tắc xuất xứ và các thủ tục chứng nhận xuất xứ, nhưng các nhà nhập khẩu xác lập hợp đồng hoặc thỏa thuận không chịu nhiều trách nhiệm, nghĩa vụ về xuất xứ của hàng hóa, nguyên vật liệu. Theo ông Đinh Sỹ Minh Lăng: “Người Canada được đào tạo để nhận biết sản phẩm nhập khẩu có đảm bảo các yếu tố bền vững về môi trường, sản phẩm xanh cũng như các dấu vết carbon thấp để lựa chọn. Bên cạnh các tiêu chí về nguồn gốc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế bằng 0, Canada còn đưa ra những cái tiêu chí về môi trường bền vững, nhất là các sản phẩm nông sản, nên bên cạnh các sản phẩm thế mạnh Việt Nam cần đáp ứng được các tiêu chuẩn về môi trường bền vững”.
Các chuyên gia hết sức lưu ý với các nhà xuất khẩu đối với vấn đề thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp của thị trường Canada, doanh nghiệp cần nghiên cứu cụ thể một số quy định như: Đạo luật SIMA và Luật quản lý ngoại thương của Việt Nam. Các doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ và nghiêm túc với chính quyền nước sở tại khi có các vấn đề về chống bán phá giá/chống trợ cấp xảy ra cũng như đưa ra một số giải pháp để các nhà nhập khẩu và doanh nghiệp để tránh trở thành đối tượng bị áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp.
Ông Kevin Sullivan cho biết, Việt Nam và Canada có nhiều điểm chung về mặt địa chính trị quan trọng, Canada là cửa ngõ đi vào hai thị trường Bắc Mỹ và Mexico, hai quốc gia có sự bổ trợ đối với hoạt động xuất nhập khẩu vì sự khác biệt về mặt thổ nhưỡng, khí hậu nên một số sản phẩm của Việt Nam rất được ưa chuộng tại thị trường này như các sản phẩm dành cho người ăn kiêng, tốt cho sức khỏe như xoài sấy dẻo, sản phẩm nông sản an toàn...Ông khuyến nghị rằng các công ty tại Việt Nam nên thiết lập mối quan hệ với các nhà nhập khẩu hoặc phân phối tại đây để có thể thúc đẩy quá trình xuất khẩu hàng hóa một cách thuận lợi hơn, vì các công ty này sẽ trực tiếp phụ trách các vấn đề liên quan đến nhập khẩu, hoàn thiện các quy trình thương mại hóa cho sản phẩm của Việt Nam tại thị trường Canada cũng như Bắc Mỹ, tạo ra đòn bẩy cho nhiều chủng loại sản phẩm khi xâm nhập thị trường một cách dễ dàng hơn. Việt Nam nên xem xét xuất khẩu các sản phẩm theo phương thức gia công hàng hóa (private label products). Ông cho biết, thị trường Canada đánh giá rất cao sự sáng tạo và mẫu mã hàng hóa của Việt Nam.
Kết thúc chia sẻ của mình, Ông Sullivan cho rằng, Việt Nam vốn nổi tiếng với những sản phẩm như trà, cà phê, thủy sản và kim ngạch xuất khẩu vào Canada đang tăng. Nếu kết hợp được với các nhà phân phối tại Canada sẽ tạo nên quỹ đạo cùng hợp tác và phân phối hàng hóa rộng khắp. Đây là cách thức dễ dàng nhất để DN đạt được thành công trong bối cảnh xuất khẩu hàng hóa vào thị trường này còn nhiều khó khăn.
Việc Canada giảm thuế nhập khẩu về 0% cho hàng hóa của Việt Nam theo lộ trình sẽ tạo ra những tác động tích cực trong việc thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu. Theo đó, không chỉ Canada mà các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường các nước thành viên Hiệp định CPTPP sẽ được hưởng cam kết cắt giảm thuế quan rất ưu đãi. Theo thống kê năm 2022, tỷ lệ sử dụng giấy chứng nhận xuất xứ CPTPP (C/O CPTPP0) của hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam tiếp tục ghi nhận tăng trưởng tích cực và tăng đáng kể so với năm 2021, cụ thể, thủy sản tăng 41,7%, cà phê tăng 140,1%, hạt điều tăng 39,4%...
Một số yếu tố cũng đã được đề cập tại hội thảo, các nguyên nhân dẫn đến việc Việt Nam xuất khẩu sang Canada còn khiêm tốn, trong đó phải kể đến năng lực vận tải và logistics nội địa, thiếu hụt lao động khiến giá thành xuất khẩu của Việt Nam sang Canada kém cạnh tranh so với các nước láng giềng Nam Mỹ, một số nước Nam Mỹ bắt đầu đẩy mạnh việc phát triển các cây ăn quả nhiệt đới tương tự của Việt Nam như mít, xoài, na, thanh long, măng cụt và thúc đẩy xuất khẩu vào Canada trong những năm gần đây. Các nguyên nhân khác như: các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam kém cạnh tranh về giá so với các mặt hàng cùng loại của Trung Quốc, Ấn Độ, Chi Lê, Ecuador, Canada duy trì chính sách tỷ giá thấp để thúc đẩy xuất khẩu cũng là nguyên nhân gây bất lợi cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vì giá của Việt Nam sẽ trở nên đắt hơn. Một số lĩnh vực mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam sang Canada cũng có nguy cơ bị áp thuế chống bán phá giá hoặc xem xét gia hạn áp thuế chống bán phá giá như tấm pin năng lượng mặt trời (hiện Việt Nam chiếm gần 1/3 thị phần của Canada), thép chống ăn mòn, ghế bọc nệm...cũng là những cản trở không nhỏ. Ngoài ra, hiện nay, Canada đã ký kết rất nhiều các FTA song phương và đẩy mạnh chính sách hướng về khối kinh tế Nam Mỹ, Canada đã gia hạn chương trình ưu đãi phổ cập thuế quan cũng như chương trình ưu đãi phổ cập thuế quan tăng cường dành cho những quốc gia ủng hộ các vấn đề về biến đổi khí hậu, bình đẳng giới...Quan trọng hơn nữa, thị trường Canada và các nước ký kết CPTPP có những yêu cầu về tiêu chuẩn phát triển bền vững như bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí....Tại phiên chất vấn, một số công ty tham gia trực tuyến và trực tiếp đã đề nghị được hỗ trợ để có thể xuất khẩu một số mặt hàng thông qua hoạt động tư vấn của Hội thảo.