Sở Công Thương Đắk Lắkhttps://socongthuong.daklak.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ bảy - 21/10/2023 03:35
Chiều ngày 21 tháng 10 năm 2023, Tỉnh Sơn La đã phối hợp với Cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường - Bộ Nông nghiệp & PTNT, Cục Xuất nhập khẩu và Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương, Hiệp Hội Cà phê - Ca cao Việt Nam tổ chức Hội thảo “Phát triển bền vững, nâng tầm giá trị và kết nối giao thương Cà phê Sơn La ”
Từ ngày 20/10 đến hết ngày 23/10/2023 tỉnh Sơn La tổ chức Lễ hội Cà phê Sơn La lần thứ nhất năm 2023 nhằm kỷ niệm 128 năm ngày thành lập tỉnh Sơn La (10/10/1895 - 10/10/2023); 15 năm thành lập thành phố Sơn La (26/10/2008 - 26/10/2023) với chủ đề "Arabica, Cà phê Sơn La - Hương vị núi rừng Tây Bắc"
Trong khuôn khổ Lễ hội được tổ chức lần đầu tiên, Ban tổ chức đã tổ chức Hội nghị phát triển bền vững, nâng tầm giá trị và kết nối giao thương tiêu thụ cà phê Sơn La vào chiều ngày 21 tháng 10 năm 2023 nhằm đánh giá kết quả đạt được, khó khăn hạn chế, đề xuất các giải pháp để phát triển hoạt động sản xuất, chế biến cà phê chất lượng cao, mở rộng hợp tác, giao lưu, kết nối thị trường hướng tới sự phát triển bền vững cho ngành cà phê Sơn La.
Về phía tỉnh Sơn La, có đồng chí Ông Lò Minh Hùng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, đồng chí Nguyễn Thành Công - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, đại diện lãnh đạo Sở Công Thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh.
Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Cục Chế biến và phát triển thị trường, đại diện lãnh đạo Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam, một số tổ chức quốc tế về nông nghiệp và các lãnh đạo các Sở, ban, ngành tỉnh Sơn La, các đại diện nông dân sản xuất cà phê, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cà phê tại các điểm cầu trực tuyến các tỉnh, thành trên cả nước...
Ông Lò Minh Hùng cho biết, trong những năm qua, tỉnh Sơn La đã ban hành nhiều chính sách, chủ trương và cơ chế để thúc đẩy sự phát triển của ngành cà phê Arabica, đến nay cây cà phê đã phát triển tập trung thành vùng chuyên canh với diện tích cà phê chè đạt 20.137 ha, Sơn La là tỉnh có diện tích cây cà phê chè (Arabica) lớn nhất cả nước; sản lượng năm 2023 ước đạt 32.218 tấn cà phê nhân. Giá trị sản xuất cà phê năm 2022 (tính theo giá so sánh 2010) ước đạt 857.834,52 triệu đồng; Diện tích cà phê được cấp chứng nhận bền vững và tương đương là 18.509,5 ha để phục vụ xuất khẩu; đã thực hiện tái canh, đốn trẻ được 1.030,6 ha nâng cao năng suất, chất lượng cà phê; phát triển cà phê đặc sản với diện tích là 1.120 ha, sản lượng đạt gần 1.000 tấn cà phê nhân; diện tích được Công nhận vùng ứng dụng công nghệ cao cho 1.039,5 ha; có 4 sản phẩm cà phê được cấp quyết định công nhận sản phẩm OCOP trong đó (01 sản phẩm đạt 5 sao, 3 sản phẩm đạt 4 sao); trên địa bàn có 09 cơ sở chế biến cà phê quy mô công nghiệp; có 5 đơn vị tham gia chế biến sâu sản phẩm cà phê. Sản phẩm cà phê Sơn La đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bảo hộ Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cà phê Sơn La, đến nay vẫn duy trì quản lý cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “cà phê Sơn La” cho 6 tổ chức. Sản phẩm Cà phê Sơn La đang từng bước tạo dựng thương hiệu trên thị trường, bước đầu tham gia vào chuỗi giá trị cà phê toàn cầu, xuất khẩu sang 20 nước thuộc EU, Bắc Mỹ, Trung Đông và các nước ASEAN. Giá trị xuất khẩu cà phê Sơn La trong năm 2022 đạt khoảng 82,4 triệu USD, giá tiêu thụ tiếp tục được giữ ổn định ở mức cao, góp phần cải thiện thu nhập của người nông dân, tạo thêm việc làm, phát triển kinh tế xã hội địa phương.
Bên cạnh những kết quả đạt được thì ngành sản xuất cà phê tỉnh Sơn La vẫn còn tồn tại khó khăn như: năng suất chưa cao, chất lượng chưa đồng đều; diện tích cà phê già cỗi, giống cũ chiếm tỷ lệ lớn; việc thực hiện đồng bộ về chăm sóc, nhất là khâu thu hái, đầu tư của người dân còn chưa đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật; Mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến, kiểm soát chất lượng và thương mại còn nhiều bất cập, nhất là mối liên kết trong phát triển vùng nguyên liệu.
Việc thực hiện Quy định xuất khẩu các hàng hóa và sản phẩm có liên quan đến gây mất rừng và suy thoái rừng của Châu Âu (EU) chưa có tiêu chí, quy định rõ ràng; sản phẩm cà phê của tỉnh vẫn chủ yếu là xuất khẩu thô, tổ chức sản xuất quy mô nhỏ lẻ, chất lượng chưa đồng đều, công nghệ chế biến sản xuất sâu còn hạn chế; Chế biến sâu cà phê nhằm nâng cao giá trị gia tăng còn rất khiêm tốn, những vấn đề trên đang là những trở ngại lớn trong phát triển cà phê bền vững tại Sơn La.
Các đại biểu tham dự Hội nghị này đã đưa ra rất nhiều các giải pháp đối với sự phát triển của ngành cà phê Sơn La, trong đó có ý kiến của đại diện GIZ - Tổ chức hợp tác quốc tế Đức, Bà cho rằng, các chính sách mới đây nhất của Châu Âu, trong đó có luật chống phá rừng - EUDR có sự tác động đến người trồng cà phê của Việt Nam nói chung cũng như hoạt động xuất khẩu của cà phê Việt Nam sang các nước Châu Âu, tuy nhiên, GIZ sẽ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ cùng Việt Nam, thông qua các dự án để cà phê Việt Nam có thể tiếp tục được xuất khẩu đi các thị trường này.
Ngoài ra, các đại biểu tham gia Hội nghị nhấn mạnh về các thách thức mà ngành cà phê Việt Nam nói chung và tỉnh Sơn La nói riêng phải đối mặt trong thời gian tới, trong đó có vấn đề biến đổi khí hậu, sự nóng lên toàn cầu ảnh hưởng đến chu trình phát triển, thu hái và chất lượng của cây cà phê và ngành cà phê cũng đang phải đối mặt với các yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường. Điển hình là hoạt động giảm ngưỡng dư lượng tối đa cho phép (MRLs) đối với các hoạt chất tồn dư trong sản phẩm, đồng thời xây dựng và ban hành các yêu cầu thẩm định trách nhiệm về xã hội – môi trường – quản trị của thị trường châu Âu - thị trường lớn nhất của cà phê Việt Nam, hay các cam kết giảm phát thải khí nhà kính, tiến tới trung hoà carbon vào năm 2050 của các tập đoàn rang xay toàn cầu.
Đối với doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk tham gia trực tuyến Hội thảo, một số công ty đã bày tỏ mong muốn được hợp tác, trao đổi kinh nghiệm và phát triển hoạt động giao thương với các công ty và người dân trồng cà phê của tỉnh Sơn La, trong đó có Công ty TNHH Vương Thành Công, Robanme...
Đại diện doanh nghiệp, công ty CP cà phê Phúc Sinh cho rằng, chế biến sâu cà phê Arabica bền vững là giải pháp quan trọng góp phần nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của cà phê Arabica Sơn La với thị trường thế giới. Nhưng để đạt được hiệu quả cao nhất cần có sự tích hợp đồng bộ các giải pháp trong chuỗi trồng – chế biến – tiêu thụ cà phê. Với sự quan tâm và đầu tư của cơ quan chức năng và các doanh nghiệp, Sơn La có thể trở thành một trung tâm sản xuất cà phê chất lượng cao đáp ứng được các tiêu chuẩn ngày càng khó của thế giới.
Về định hướng trong thời gian tới, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường đã đề xuất một số giải pháp quan trọng, trong đó có giải pháp tiếp tục rà soát phân loại diện tích cà phê hiện có, để lập kế hoach trồng tái canh những diện tích cà phê già cỗi trên địa bàn phù hợp có lợi thế, chuyển đổi dần diện tích cà phê đã trồng không theo quy hoạch, kế hoạch năng suất quá thấp, sang trồng cây khác, phát triển vùng cà phê ứng dụng công nghệ cao theo đúng quy trình kỹ thuật bảo đảm tiến độ và đạt hiệu quả cao. Cục cho rằng, Sơn La có những đặc điểm thuận lợi khi có được kinh nghiệm từ những lần tái canh cây cà phê trước cũng như kinh nghiệm phát triển, tái canh cây cà phê của các vùng trồng khác trên cả nước, hiện đang là thời điểm sắp diễn ra quá trình tái canh cây cà phê trên địa bàn này.
Cục Xúc tiến Thương mại Bộ Công Thương cũng đưa ra một số giải pháp đối với ngành cà phê, trong đó có các kinh nghiệm quốc tế như để quảng bá thành công cho thương hiệu của một sản phẩm, trước tiên phải có các sản phẩm tốt, phải tăng cường giám sát, đảm bảo số lượng và chất lượng đầu vào, chú trọng từ những hoạt động đầu vào của quá trình sản xuất như trồng trọt, thu hái đến chế biến để cà phê có chất lượng cao và đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng, điều này cũng sẽ là yếu tố góp phần gia tăng giá trị xuất khẩu của cà phê, phát triển cà phê gắn liền với du lịch, hay còn được gọi là du lịch cà phê như Columbia và Indonesia đã rất thành công. Du lịch cà phê cũng giúp các địa phương thúc đẩy phát triển các sản phẩm cà phê như quà lưu niệm và các loại đồ uống khác nhau để nâng cao giá trị trải nghiệm cho du khách. Thưởng thức cà phê tại không gian bản địa không chỉ nâng cao trải nghiệm của du khách mà còn giúp nâng cao danh tiếng và sự tiêu thụ cà phê địa phương tại Việt Nam sau khi du khách trở về nhà, ngoài ra, xây dựng thương hiệu cà phê gắn với chỉ dẫn địa lý cũng là một kinh nghiệm mà một số nước đã rất thành công.
Cục Xúc tiến Thương mại đã đưa ra một số giải pháp thiết thực, trong đó nhấn mạnh việc xây dựng văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê; Thúc đẩy đăng ký, bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận cà phê Sơn La, chỉ dẫn địa lý “Cà phê Sơn La” trên thị trường quốc tế; Nâng cao hình ảnh, giá trị thương hiệu cho cà phê Sơn La; Xây dựng hoạt động tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện truyền thông, tại các sự kiện và bằng các phương thức khác nhau.
Hội nghị đã công bố các quyết định của tỉnh Sơn La về việc công bố các vùng sản xuất cà phê công nghệ cao của một số công ty cà phê đóng trên địa bàn tỉnh như: Công ty TNHH Tuấn Út Sơn La và Công ty CP cà phê Phúc Sinh, cũng như quyết định về chủ trương của dự án đầu tư phát triển ngành cà phê bền vững của tỉnh của Công ty TNHH Công nghệ DTECH Sơn La.
Kết thúc Hội nghị, Phó Chủ tịch tỉnh Sơn La đã kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp phát triển Nông thôn tiếp tục hỗ trợ tỉnh Sơn La trong các vấn đề liên quan đến phát triển cà phê bền vững trong tương lai cũng như hỗ trợ doanh nghiệp và người sản xuất cà phê tiếp tục đẩy mạnh quảng bá thương hiệu và sản phẩm cà phê thông qua các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. Ông cũng đề nghị các cơ quan, ban ngành có liên quan trên địa bàn tổng hợp các nội dung có liên quan đã nêu trong Hội thảo, tiến tới đề xuất các giải pháp để tỉnh Sơn La có thể thực hiện trong thời gian tới.
Tác giả: Tin: Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - Phòng Quản lý thương mại