Sở Công Thương Đắk Lắkhttps://socongthuong.daklak.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ ba - 24/10/2023 04:25
Ngày 24/10/2023, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển Công nghiệp phối hợp với phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Ea Kar tổ chức nghiệm thu Đề án Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất cà phê bột tại HTX Nông nghiệp Minh Tân Đạt, xã Cư Ni, huyện Ea Kar
Huyện Ea Kar nằm trên trục Quốc lộ 26, là cửa gõ phía Đông nối tỉnh Đắk Lắk với các tỉnh Miền Trung, đặc biệt với Phú Yên và Khánh Hoà, có vị trí chiến lược an ninh quốc phòng quan trọng, hệ thống giao thông phát triển tương đối hoàn chỉnh Quốc lộ 26, Quốc lộ 29, Tỉnh lộ 11, Tỉnh lộ 19 đi qua huyện có vai trò quan trọng trong giao lưu kinh tế văn hoá cũng như phát triển kinh tế xã hội. Trên địa bàn huyện Ea Kar có diện tích trồng cây cà phê là 9.403 ha, với sản lượng là 17.447 tấn/năm. Cây cà phê đã được đầu tư phát triển, nhân giống, áp dụng kỹ thuật vào trồng trọt cũng như sản xuất nên cà phê thu hoạch đạt năng suất và chất lượng cao. Từ nguồn nguyên liệu dồi dào tại địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất, chế biến các sản phẩm từ cà phê.
Hợp tác xã nông nghiệp Minh Tân Đạt có địa điểm sản xuất tại thôn 12 xã Cư Ni huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk hiện đang sản xuất ra các sản phẩm cà phê hạt rang mộc và cà phê bột, với tổng số thành viên 98 thành viên sở hữu diện tích trồng cà phê trên 210 ha, với sản lượng 200 tấn/năm. Nhằm tận dụng được nguyên liệu cà phê sẵn có trên địa bàn HTX thu mua thêm cà phê quả chín của các hộ dân để phục vụ cho việc sản xuất.
Những năm gần đây thị trường rất ưa chuộng các sản phẩm nhất là sản phẩm cà phê bột được sản xuất từ những hạt cà phê chất lượng cao. Tuy nhiên, do tình hình thực tế các cơ sở sản xuất kinh doanh mặt hàng cà phê nhân sử dụng máy móc thiết bị cũ, công suất thấp nên năng suất chưa cao, năng lực chế biến còn hạn chế chưa nâng cao được sức cạnh tranh về chất lượng và số lượng. Các sản phẩm vẫn chưa được đa dạng. Với mục tiêu tạo ra các dòng sản phẩm cà phê chất lượng cao, hợp vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu. HTX nhận thấy việc đầu tư công nghệ mới trong quy trình sản xuất cà phê là việc tiên quyết, đáp ứng nhu cầu về chất lượng, số lượng của thị trường tiêu thụ. Chính vì vậy mà HTX mạnh dạn đầu tư máy tách màu vào trong quy trình sản xuất cà phê, nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm, tạo ra dòng sản phẩm chất lượng, đảm bảo yêu cầu của thị trường, giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho HTX.
Nguyên liệu cà phê quả tươi sẽ được qua máy tách màu để lựa chọn
những hạt cà phê chín chất lượng phục vụ cho quá trình chế biến
Sau khi hoàn tất hồ sơ và trình cấp có thẩm quyền xem xét, Sở Công Thương đã phê duyệt hỗ trợ 210 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương năm 2023 để triển khai thực hiện hoạt động hỗ trợ này. Máy tách màu trong quy trình sản xuất của HTX đầu tư là máy mới với công nghệ tiên tiến, đáp ứng được quy trình sản xuất cà phê, tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất, giảm thiểu hao hụt nguyên liệu trong quá trình chế biến, tạo ra sản phẩm có chất lượng và giá trị, mang lại cho người tiêu dùng sự hài lòng về chất lượng, nhằm nâng cao sức khoẻ cộng đồng và ý thức vệ sinh an toàn thực phẩm, cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh, mang lại lợi nhuận cao cho HTX.
Máy móc, thiết bị được hỗ trợ từ nguồn kinh phi Khuyến công địa phương năm 2023
Qua theo dõi quá trình vận hành máy móc thiết bị và cho ra sản phẩm đạt yêu cầu tại cơ sở, đại diện các bên tham gia nghiệm thu cơ bản thống nhất nghiệm thu và đưa ra các yêu cầu cần đáp ứng trong quá trình sản xuất tại cơ sở nhằm đảm bảo an toàn về môi trường, vệ sinh thực phẩm cũng như các tiêu chuẩn chất lượng, bao bì đóng gói, nhãn hiệu… trước khi ra thị trường tiêu thụ.
Đại diện Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển công nghiệp cũng đưa ra ý kiến về định hướng quảng bá, phát triển sản phẩm thông qua các đợt hội chợ triển lãm, kết nối giao thương do Sở Công Thương tổ chức, đồng thời phổ biến các tiêu chí để được chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tại các kỳ bình chọn sắp đến.
Đại diện chính quyền địa phương mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành tạo điều kiện cho HTX tiếp cận các Chương tình quảng bá phát triển sản phẩm, tiếp tục hỗ trợ từ chương trình khuyến công để HTX mở rộng sản xuất kinh doanh trong thời gian đến.
Hoạt động hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất cà phê bột tại xã Cư Ni, huyện Ea Kar, nhằm đổi mới ứng dụng công nghệ thiết bị tiên tiến, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, giảm thiểu hao hụt nguyên liệu trong quá trình chế biến, tạo ra sản phẩm cà phê chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và hướng tới thị trường xuất khẩu; Sử dụng nguyên liệu tại địa phương, giải quyết ổn định đầu ra cho người trồng cây cà phê, tạo việc làm cho lao động tại địa phương có thu nhập ổn định; Tạo điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh đem lại lợi nhuận cho HTX; Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng ngành sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghệ chế biến nông sản, góp phần nâng giá cao trị sản xuất công nghiệp, phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.