Sở Công Thương Đắk Lắkhttps://socongthuong.daklak.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ năm - 16/11/2023 03:19
Công đoàn ngành Công Thương hiện đang quản lý 55 CĐCS, với 4.042 đoàn viên công đoàn; trong đó có 04 CĐCS thuộc khu vực hành chính sự nghiệp, 51 CĐCS thuộc khu vực sản xuất kinh doanh.
Với đặc thù của ngành chủ yếu là đoàn viên, người lao động thuộc các CĐCS khu vực sản xuất kinh doanh; vì thế, nâng cao hiệu quả thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) tại các doanh nghiệp, góp phần thực hiện tốt chức năng của tổ chức công đoàn về tham gia bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, người lao động thuộc ngành Công Thương là nhiệm vụ then chốt thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ đoàn viên, người lao động. Nếu tổ chức Công đoàn không làm tốt chức năng nhiệm vụ này, dễ xảy ra tranh chấp lao động; quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động dễ bị xâm phạm.
Trong những năm qua, Công đoàn ngành Công Thương luôn xác định việc thực hiện chức năng tham gia bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, người lao động là nhiệm vụ quan trọng, thực hiện xuyên suốt trong hoạt động Công đoàn, góp phần phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần; bảo đảm các chế độ chính sách cho đoàn viên, người lao động; trong đó có nhiều chế độ có lợi hơn so với quy định của pháp luật.
Để thực hiện tốt chức năng tham gia bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, người lao động, CĐN xác định việc nâng cao hiệu quả thương lượng, ký kết TƯLĐTT là một trong những nội dung quan trọng hàng đầu trong quá trình triển khai thực hiện. Việc ký kết và thực hiện TƯLĐTT có tác dụng tích cực trong việc mở rộng dân chủ, tạo cơ hội để người lao động và người sử dụng lao động tìm được tiếng nói chung và cộng đồng trách nhiệm của cả hai bên trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh trên cơ sở pháp luật lao động. Từ đó, tạo sự gắn bó chặt chẽ, xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà, ổn định, phát triển tại các doanh nghiệp.
Công đoàn ngành Công Thương đã nỗ lực nâng cao chất lượng cán bộ Công đoàn; chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ CĐCS trong quá trình thương lượng ký kết TƯLĐTT như: Xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn quy trình thương lượng, ký kết TƯLĐTT, xây dựng Thoả ước mẫu triển khai đến các CĐCS DN, tổ chức tập huấn cho cán bộ CĐCS, tư vấn hỗ trợ cho BCH CĐCS trong quá trình thương lượng, ký kết TƯLĐTT. Hướng dẫn CĐCS làm tốt vai trò cầu nối giữa công nhân lao động với chủ doanh nghiệp, chủ động đề xuất với người sử dụng lao động để thương lượng, ký kết và sửa đổi, bổ sung TƯLĐTT, xác định nội dung thương lượng trọng tâm, gắn với quyền lợi của đoàn viên, NLĐ. Xác định rõ TƯLĐTT là cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức Công đoàn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động.
Đến nay, toàn ngành đã có 38/48 đơn vị ký kết TƯLĐTT, đạt tỷ lệ 79,1%; có trên 85% doanh nghiệp có tổ chức công đoàn đã tổ chức đối thoại hằng năm; có 05 doanh nghiệp có bản TƯLĐTT đạt loại A, 21 doanh nghiệp có bản TƯLĐTT đạt loại B. Nhiều bản thỏa ước được thương lượng đạt được nhiều điều khoản cao hơn quy định của pháp luật về quyền lợi của người lao động, phù hợp với khả năng điều kiện của doanh nghiệp; tập trung vào những vấn đề, như: Tiền lương, chế độ phúc lợi, thời gian làm việc, nghỉ ngơi, thăm hỏi ốm đau, trợ cấp khó khăn đột xuất, đóng bảo hiểm TNLĐ, bảo hiểm nhân thọ cho người lao động… Qua đó, góp phần chăm lo, đảm bảo quyền lợi của người lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ tại DN.
Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 20% doanh nghiệp chưa xây dựng TƯLĐTT, một số doanh nghiệp mặc dù đã ký kết TƯLĐTT, nhưng chất lượng chưa cao, chủ yếu còn sao chép luật, không thể hiện nhiều trách nhiệm phía người sử dụng lao động; vẫn còn những TƯLĐTT chưa sửa đổi kịp thời để phù hợp với chính sách mới. Một số chủ sử dụng lao động né tránh thương lượng, ký kết TTƯLĐTT; người sử dụng lao động và người lao động chưa tìm được tiếng nói chung, chưa ký được TƯLĐTT đảm bảo quyền lợi cho cả đôi bên.
Để công nhân lao động yên tâm, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, việc ký kết TƯLĐTT rất quan trọng. Nhưng quan trọng hơn, thỏa ước đó phải thực sự là tiếng nói của công nhân lao động và trở thành chỗ dựa cho người lao động. Để đạt được điều đó, cần có sự vào cuộc của các cấp các ngành và quan trọng là của người sử dụng lao động và tổ chức công đoàn. Để nâng cao hiệu quả tổ chức đối thoại, thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT tại các doanh nghiệp, thời gian tới, Công đoàn ngành Công Thương tập trung vào một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, các cấp công đoàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người sử dụng lao động và người lao động về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT.
Thứ hai, củng cố nâng cao chất lượng CĐCS doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước. Động viên người lao động tích cực tham gia các hoạt động của Công đoàn cơ sở để phát huy hiệu quả hoạt động của tổ chức Công đoàn. Thành lập các tổ tư vấn pháp luật nhằm tăng cường tuyên truyền về những quy định về thương lượng, đối thoại, ký kết TƯLĐTT theo Bộ Luật Lao động năm 2019.
Thứ ba, tăng cường tổ chức tập huấn cho cán bộ Công đoàn cơ sở nhằm cung cấp những kiến thức, kỹ năng cần thiết để tham gia thương lượng, đàm phán với doanh nghiệp trong xây dựng TƯLĐTT; nâng cao vai trò, trách nhiệm của Công đoàn trong thương lượng, ký kết và giám sát thực hiện TƯLĐTT trong doanh nghiệp.
Thứ tư, Chủ động phối hợp với các ngành chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về lao động; về thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT ở các doanh nghiệp, đảm bảo quyền lợi tập thể và trách nhiệm giữa người lao động và người sử dụng lao động. Xử lý nghiêm những DN vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Thứ năm, định kỳ tổ chức đánh giá chất lượng các TƯLĐTT; sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện việc thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT, biểu dương khen thưởng các đơn vị làm tốt; kịp thời kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết những hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Nâng cao năng lực đối thoại, thương lượng ký kết TƯLĐTT trong doanh nghiệp cũng chính là mục tiêu trong kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” của Công đoàn ngành Công Thương. Phấn đấu đến năm 2025 có trên 85% trở lên các doanh nghiệp có tổ chức công đoàn ký kết được thoả ước lao động tập thể và có ít nhất 70% số vụ việc của đoàn viên cần tư vấn, tranh tụng có đại diện công đoàn tham gia góp phần xây dựng xây dựng tổ công đoàn ngày càng vững mạnh./.
Tác giả: Tin: Anh Tuấn - Công đoàn ngành công Thương