Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác khuyến công tỉnh Đắk Lắk

Thứ hai - 22/01/2024 03:28
Thực hiện Nghị định số 45/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của Chính phủ về khuyến công, hoạt động khuyến công tỉnh Đắk Lắk thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng, động viên và huy động được các nguồn lực tham gia, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư vào sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, góp phần quan trọng đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp của tỉnh theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá; tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân khu vực nông thôn; đảm bảo an sinh xã hội.
Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác khuyến công tỉnh Đắk Lắk
Hoạt động khuyến công Đắk Lắk luôn bám sát mục tiêu của các chương trình khuyến công quốc gia, địa phương theo từng giai đoạn đã được Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch UBND tỉnh ban hành để cụ thể hoá bằng các đề án có quy mô, chất lượng; tập trung hỗ trợ phát triển các sản phẩm chủ lực, có tiềm năng và lợi thế của tỉnh. Tổng số lượng đề án đã thực hiện từ năm 2012 - 2023 là 214 đề án, với tổng kinh phí 99.216 triệu đồng, trong đó: kinh phí từ chương trình khuyến công quốc gia hỗ trợ 5.586 triệu đồng, kinh phí từ chương trình khuyến công địa phương hỗ trợ 20.718 triệu đồng và kinh phí từ nguồn đối ứng của các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn là 62.912 triệu đồng.
z4648265123313 e12d3d8677e5d855c5ad0c0524b8d490
Cụ thể, đã hỗ trợ triển khai thực hiện 02 đề án đào tạo nghề cho 80 lao động; 33 đề án tập huấn nâng cao năng lực kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ, áp dụng sản xuất sạch trong công nghiệp với hơn 2.069 học viên tham gia; 96 đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tổ chức thành công các đợt bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh vào các năm 2017, 2019 và 2021, kết quả có 23 cơ sở với 29 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh; hỗ trợ cho các cơ sở tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực và quốc gia, kết quả có 19 cơ sở với 21 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm tiêu biểu cấp khu vực và 6 cơ sở với 8 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm tiêu biểu cấp quốc gia; hỗ trợ xây dựng và nộp hồ sơ đăng ký nhãn hiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn cho 15 cơ sở CNNT; kịp thời hỗ trợ giới thiệu và quảng bá rộng rãi với các tỉnh bạn về sản phẩm CNNT chủ lực của tỉnh, tạo điều kiện cho các cơ sở CNNT của tỉnh liên doanh, liên kết, ký kết hợp đồng, mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm thông qua việc hỗ trợ hơn 100 lượt cơ sở CNNT tham gia hội chợ, triển lãm tại các tỉnh, thành phố trong cả nước... 
nt1shin
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động khuyến công của tỉnh còn một số tồn tại, hạn chế như sau:
Chưa hình thành được mạng lưới cộng tác viên khuyến công cấp huyện, cấp xã nên công tác thông tin, tuyên truyền về chính sách khuyến công đến người dân chưa sâu, rộng. Hầu hết các cán bộ làm công tác khuyến công tại các huyện, thị xã, thành phố là kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi. Năng lực cán bộ tham gia hoạt động khuyến công chưa cao và chưa chuyên nghiệp, còn hạn chế trong các lĩnh vực như: tư vấn dự án đầu tư, về chính sách đất đai, lĩnh vực công nghệ… còn thiếu cán bộ chuyên ngành kỹ thuật và đặc biệt thiếu cán bộ có trình độ chuyên môn cao. Kinh phí thực hiện khuyến công hàng năm chỉ mới dừng lại ở ngân sách nhà nước hỗ trợ và đối ứng của các đơn vị thụ hưởng mà chưa huy động được các nguồn lực khác tham gia vào hỗ trợ hoạt động khuyến công. Công tác khảo sát, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các đề án khuyến công còn một số nội dung, thời gian chưa đảm bảo theo quy định, nhất là việc xây dựng và đăng ký kế hoạch khuyến công hằng năm còn bị động, lúng túng… dẫn đến phải dừng, điều chỉnh, bổ sung nhiều lần. Quy mô của một số đề án khuyến công còn nhỏ, chưa đa dạng, chưa có nhiều đề án khuyến công có sức lan toả lớn, có vai trò làm động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn; chất lượng, hiệu quả đề án còn thấp, chưa đáp ứng được mục tiêu đề ra. Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các đề án khuyến công chưa được thường xuyên. Chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu của ngành công nghiệp nói chung và lĩnh vực khuyến công nói riêng.
IMG 0540
Để nâng cao chất lượng công tác khuyến công trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới, tỉnh Đắk Lắk cần tập trung thực hiện đồng bộ những giải pháp như sau:
Một là, Đẩy mạnh và đa dạng các hình thức tuyên truyền, kết hợp qua các phương tiện truyền thông truyền thống và trên các nền tảng số đảm bảo kiểm soát thông tin nhằm truyền thông về cơ chế, chính sách và những điển hình trong các hoạt động khuyến công.
Hai là, Tham mưu, đề xuất hình thành được mạng lưới cộng tác viên khuyến công, ít nhất là cấp huyện. Kiện toàn, sắp xếp, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao nhận thức về hoạt động khuyến công và sản xuất bền vững cho cán bộ, viên chức làm công tác khuyến công của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp. Cán bộ khuyến công cấp huyện cần được bố trí ổn định và trong trường hợp cán bộ mới đảm nhận công tác này phải được tập huấn về nghiệp vụ khuyến công, để xây dựng đội ngũ quản lý một cách hệ thống và chuyên nghiệp.
Ba là, Ngoài nguồn kinh phí từ chương trình khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương hỗ trợ cần phối hợp, lồng ghép các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển kinh kế - xã hội chủa địa phương; tích cực tìm kiếm, tranh thủ sự đồng tình hợp tác, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân để huy động các nguồn lực và nguồn vốn hợp pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh.
Bốn là, Thường xuyên rà soát, cập nhập những chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước để tham mưu, đề xuất các cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện đồng bộ hệ thống văn bản về hoạt động khuyến công. Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị xây dựng kế hoạch khuyến công hằng năm đúng tiến độ, đạt chất lượng. Các đề án khuyến công sau khi được phê duyệt triển khai thực hiện đúng mục đích, nội dung, tiến độ và hiệu quả. Thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin về tình hình hoạt động của cơ sở, tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc để từ đó có những giải pháp, hỗ trợ kịp thời củng cố và phát triển sản xuất.
Năm là, Hỗ trợ đầu tư có chọn lọc nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công, tranh thủ mọi nguồn lực, chú trọng những địa phương trọng điểm, lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Tập trung ưu tiên thực hiện các đề án nhóm, đề án điểm để tạo sức lan toả, động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn.
Sau là, Chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp chủ trì, các cơ quan đơn vị có liên quan phối hợp hằng năm xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra, giám sát tình hình hoạt động tại các cơ sở công nghiệp nông thôn đã được hỗ trợ kinh phí để thực hiện đề án khuyến công hỗ trợ máy móc thiết bị phục vụ sản xuất.
Bảy là, Hằng năm tiến hành sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm việc triển khai thực hiện trong năm, trên cơ sở đó đề ra các giải pháp cụ thể thực hiện nhiệm vụ cho năm sau. Kịp thời đề xuất khen thưởng, đông viên, khuyến khích các tổ chức, cá nhân có nhiều thành tích trong công tác khuyến công.
IMG 1128
Nhìn chung qua thời gian thực hiện Nghị định số 45/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của Chính phủ về khuyến công, có thể khẳng định hoạt khuyến công của tỉnh là đòn bẩy giúp cho các cơ sở công nghiệp nông thôn phát triển một cách tích cực; góp phần quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa công nghiệp nông thôn; trên cơ sở có sự đồng hành, hỗ trợ của Nhà nước trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ tiên tiến trong sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp một cách bền vững./.
 

Tác giả: Ngô Văn Tượng - Giám đốc TTKC

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây