Với mục tiêu: Xây dựng, hình thành cơ chế, chính sách và chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng chuyển đổi số của ngành. Phổ cập kiến thức chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức và doanh nghiệp thuộc ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk; Nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý điều hành của Sở Công thương; Phấn đấu đến năm 2030, Sở Công Thương hoàn thành cơ bản các mục tiêu theo lộ trình chuyển đổi số của tỉnh Đắk Lắk, xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Ảnh. tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội thảo chuyển đổi số năm 2021
Mục tiêu cụ thể trong từng giai đoạn, Giai đoạn 2021-2025: Phát triển Chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động các cơ quan nhà nước: Phấn đấu đạt 90% trở lên hồ sơ công việc tại cấp Sở được xử lý trên không gian mạng (Trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); Cung cấp thông tin, cơ sở dữ liệu của ngành Công Thương được kết nối, chia sẻ lên cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh; Phấn đấu thực hiện 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê tổng hợp về kinh tế- xã hội của ngành Công Thương được thực hiện trên Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh; Phấn đấu 50% hoạt động kiểm tra của ngành được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý. Phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế: tỷ trọng kinh tế số trong ngành Công Thương đạt tối thiểu 10%; 90% Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất kinh doanh; 60% Doanh nghiệp cung cấp hàng hóa dịch vụ tiếp cận và tham gia hoạt động giao dịch điện tử; Năng xuất lao động ngành Công Thương hàng năm tăng bình quân 7%.
Giai đoạn 2026-2030: Phát triển Chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động các CQNN: Phấn đấu đạt 100% hồ sơ công việc tại cấp Sở được xử lý trên không gian mạng (Trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); 70% hoạt động kiểm tra của ngành được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý; Phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; tỷ trọng kinh tế số trong ngành Công Thương đạt tối thiểu 20%; Năng suất lao động ngành Công Thương hằng năm tăng trên 7,5%.
Để đạt được mục tiêu, hoàn thành kế hoạch, nhiệm vụ đặt ra, Thứ nhất là: Công tác chỉ đạo, tuyên truyền, nâng cao nhận thức: Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác chuyển đổi số. Ban hành kịp thời kế hoạch chuyển đổi số từng năm. Tổ chức thực hiện nghiêm túc nội dung kế hoạch, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và tổng hợp kết quả báo cáo theo đúng quy định; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chuyển đổi số bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Bố trí nguồn lực cho công tác chuyển đổi số ngành Công Thương; Phát huy tinh thần năng động, sáng tạo có những sáng kiến mới trong công tác chuyển đổi số, gắn liền với kết quả thực hiện chuyển đổi số vào công tác thi đua, khen thưởng. Thứ hai là: Xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách: Xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách, theo đó: Kiện toàn tổ công tác theo dõi, triển khai đôn đốc các nhiệm vụ về chuyển đổi số của Sở Công Thương; Thường xuyên rà soát, tham mưu sửa đổi, bổ sung các Kế hoạch triển khai các nội dung liên quan đến ứng dựng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan, phát triển Chính quyền số, đảm bảo an toàn thông tin mạng và chuyển đổi số đảm bảo phù hợp với các quy định, hướng đến đạt được điều kiện tốt nhất cho công cuộc chuyển đổi số của ngành. Thứ ba là: Phát triển Chính quyền số, đó là: Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động cơ quan, các quy trình xử lý công việc trong nội bộ cơ quan, với Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh và giao dịch các cơ quan hành chính khác; Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, thống kê chỉ tiêu trên Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh. Phối hợp với các đơn vị, tổ chức liên quan cung cấp thông tin, xây dựng, phát triển và hoàn thiện kho dữ liệu dùng chung của tỉnh nhằm kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng dữ liệu của tỉnh phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành cũng như công tác tra cứu, tìm kiếm dữ liệu; Thường xuyên rà soát nhu cầu, phối hợp xây dựng chương trình nâng cao nhận thức, đào tạo kỹ năng về chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin...; Rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính; đánh giá mức độ phù hợp của thủ tục hành chính với yêu cầu thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4. Nhiệm vụ thứ tư là: Phát triển kinh tế số, trong đó: Phát triển thương mại điện tử, tập trung: Xây dựng và mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa tỉnh Đắk Lắk trong và ngoài nước thông qua ứng dụng thương mại điện tử; đẩy mạnh thương mại điện tử xuyên biên giới. Trong đó hướng đến thị trường thương mại điện tử lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững; Thúc đẩy phát triển kinh tế số, chuyển đổi cho các doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Khuyến khích doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng và phát triển các sản phẩm công nghệ số, nội dung số, quảng cáo số... Hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp cận và tham gia vào các hoạt động thương mại điện tử. Thúc đẩy chuyển đổi số lĩnh vực công nghiệp, cụ thể: Tuyên truyền, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, thay đổi quy trình sản xuất, tăng cường áp dụng các giải pháp công nghệ hiện đại, sáng tạo ra các mô hình sản xuất mới hiệu quả hơn và từng bước chuyển dịch sang phương thức sản xuất mới. Trong đó chú trọng phát triển các trụ cột: Xây dựng chiến lược và cơ cấu tổ chức thông minh, xây dựng nhà máy thông minh, vận hành thông minh, tạo các sản phẩm thông minh, xây dựng dịch vụ về dữ liệu và phát triển kỹ năng số cho người lao động; Tổ chức các Hội nghị, Hội thảo chuyên đề về chuyển đổi số, thu hút nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao cho các doanh nghiệp tham gia vào quá trình chuyển đổi số.
Với mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể, việc tổ chức thực hiện được tiến hành đồng bộ, theo đó, các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc căn cứ chức năng, nhiệm vụ chủ động tham mưu thực hiện. Trong đó, chú trọng lồng ghép thực hiện với Kế hoạch ứng dụng Công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền số và đảm bảo an toàn thông tin mạng tại Sở Công Thương giai đoạn 2021-2025.