Đẩy mạnh hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm hàng hóa qua các sàn Thương mại điện tử

Thứ hai - 11/10/2021 01:58
Thương mại điện tử là một trong các lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, nơi các công nghệ tiên tiến của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) được ứng dụng rộng rãi để tăng hiệu quả của chu trình kinh doanh, góp phần hiện đại hóa hệ thống phân phối, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu.
Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử (TMĐT) quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 gắn kết chặt chẽ với các chiến lược, chính sách về chủ động tham gia CMCN 4.0, định hướng phát triển kinh tế số và chuyển đổi số quốc gia với mục tiêu thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi TMĐT trong doanh nghiệp và cộng đồng; thu hẹp khoảng cách giữa các thành phố lớn và các địa phương về mức độ phát triển TMĐT; xây dựng thị trường TMĐT lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững; mở rộng thị trường tiêu thụ cho hàng hóa Việt Nam trong và ngoài nước thông qua ứng dụng TMĐT; đẩy mạnh giao dịch TMĐT xuyên biên giới.
1
"Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia" - cầu nối doanh nghiệp đến thị trường 63 tỉnh thành phố
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đang triển khai các hoạt động với mục tiêu hỗ trợ các phát triển sản phẩm Việt, hàng hoá của doanh nghiệp Việt trên các sàn TMĐT, nhằm đảm bảo việc lưu thông hàng hóa thông qua thương mại điện tử; cụ thể như đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với Tổng công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post - Sàn thương mại điện tử Voso) và Sàn thương mại điện tử Sendo để xây dựng “Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia” trên các sàn thương mại điện tử; lên phương án kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong vận chuyển hàng hóa thiết yếu, tăng cường nguồn cung hàng hóa, giảm áp lực cho các tỉnh thành trong thời gian giãn cách, cũng như đề xuất các địa phương tạo điều kiện cho đội ngũ nhân viên giao hàng thương mại điện tử được phép hoạt động, đảm bảo lưu thông hàng hóa, trong đó có mặt hàng nông sản và rau củ quả tươi sống.                 
2
Chương trình đi chợ tại nhà của sàn TMĐT Sendo
Với các thế mạnh của mình, các sàn TMĐT đi tiên phong trong việc triển khai hợp tác với các nhà sản xuất trong nước, trong đó ưu tiên tập trung các sản phẩm Việt, nông sản Việt thông qua các dự án như: Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia, Nông nghiệp số và Đi chợ tại nhà đã và đang vươn mạnh ra các tỉnh thành trên toàn quốc, đến các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể đang sản xuất và kinh doanh nông sản và thủy sản trên cả nước thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số để phát triển kinh doanh bền vững trên các nền tảng TMĐT. “Gian hàng Việt trực tuyến” được xây dựng với mô hình phân phối trực tiếp từ nhà sản xuất tới người tiêu dùng, tạo ra một không gian phân phối hàng hóa hiện đại, được quản lý chặt chẽ cho các nhà sản xuất hàng Việt, định vị đúng giá trị thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm, hình ảnh doanh nghiệp sản xuất Việt Nam.

Các sàn TMĐT hỗ trợ giúp doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, người nông dân ở các  địa phương từng bước chuyển đổi số để đạt được sự ổn định và chủ động về đầu ra cho sản phẩm của mình; mang trực tiếp nông sản từ vườn hay thủy sản đến bàn ăn của người tiêu dùng với giá tốt và tươi ngon nhất; cắt giảm các khâu phân phối cồng kềnh và các chi phí trung gian cho người nông dân, hỗ trợ các nhóm nông sản có chứng nhận OCOP; góp phần xây dựng thương hiệu và truyền thông cho các sản phẩm nông sản địa phương vươn ra toàn quốc.

Tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Nghị quyết số 04 về chuyển đổi số tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch phát triển TMĐT Đắk Lắk giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn tỉnh Đắk Lắk; thành lập Trung tâm chuyển đổi số thuộc Hội doanh nghiệp tỉnh. Sở Công Thương đã chủ động phối hợp với Cục Thương mại điện tử và kinh tế số - Bộ Công Thương cùng các ngành, đơn vị liên quan tổ chức nhiều chương trình hội thảo, tập huấn phổ biến kiến thức về chuyển đổi số và thương mại điện tử cho doanh nghiệp, hợp tác xã, người sản xuất và các tổ chức kinh tế trên địa bàn tỉnh; cung cấp danh sách các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác… có các sản phẩm hàng hóa nông sản, nông sản đã qua chế biến đến các sàn TMĐT để được hỗ trợ đưa sản phẩm lên sàn, thông qua công tác hỗ trợ của hoạt động xúc tiến thương mại Đắk Lắk bước đầu đã có 25 doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ hợp tác tham gia các sàn TMĐT với trên 150 sản phẩm hàng hóa.
3
Tập huấn trực tuyến chuyển đổi số
Doanh nghiệp Đắk Lắk để tham gia các sàn thương mại điện tử cần nắm bắt những kiến thức, quy định cơ bản cho các thành viên đăng ký sử dụng, tạo lập gian hàng giới thiệu hoặc mua bán sản phẩm, cung cấp dịch vụ hay khuyến mại hàng hóa được thực hiện trên sàn giao dịch TMĐT. Hoạt động mua bán hàng hóa qua sàn giao dịch TMĐT  phải được thực hiện công khai, minh bạch, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng. Thực hiện đúng quy định giao dịch, người mua đăng ký mở tài khoản, đăng nhập và sử dụng dịch vụ trên sàn giao dịch TMĐT; người bán có thể đăng nhập và bắt đầu đăng tải thông tin bán hàng, cập nhật thông tin sản phẩm, kiểm duyệt thông tin sản phẩm trước khi đưa lên sàn giao dịch TMĐT, phải cung cấp thông tin chính xác và đầy đủ bao gồm tên, địa chỉ, mã số thuế, mã số doanh nghiệp, số điện thoại, email khi đăng ký bán hàng trên sàn giao dịch TMĐT  đồng thời chịu hoàn toàn trách nhiệm về thông tin đã cung cấp, các thông tin này sẽ được đưa vào dữ liệu quản lý và thẩm định năng lực người bán nhằm đảm bảo các giao dịch được thực hiện thành công và phòng tránh tối đa các rủi ro phát sinh..
To hop 1
Nhóm sản phẩm cà phê Đắk Lắk tham gia sàn TMĐT
Thông thường trong vòng 48 giờ kể từ khi người mua hoàn tất việc đặt đơn hàng, người bán sẽ thực hiện xác nhận đơn hàng, sau đó sàn TMĐT sẽ tiến hành chuyển thông tin đơn hàng cho nhà vận chuyển để tiến hành giao hàng cho người mua, thời gian giao hàng tùy thuộc vào gói vận chuyển mà người mua chọn trong đơn hàng và khoảng cách địa lý giữa người bán và người mua.  Người bán có trách nhiệm tiếp nhận bảo hành sản phẩm dịch vụ cho người mua theo đúng thông tin sản phẩm và cam kết trong giấy bảo hành của sản phẩm, người mua có quyền khiếu nại, khiếu kiện người bán trong trường hợp người bán từ chối bảo hành bảo trì sản phẩm khi đang còn trong thời hạn bảo hành bảo trì ghi trên giấy bảo hành. Các sàn TMĐT khuyến cáo người mua hàng cần kiểm tra các chính sách bảo hành, bảo trì đối với hàng hóa có dự định mua, sàn sẽ không chịu trách nhiệm chính trong việc bảo hành bất kỳ sản phẩm nào, chỉ hỗ trợ trong khả năng cho phép để sản phẩm của người mua được bảo hành theo chế độ của người bán. Quy trình thanh toán là sau khi đơn hàng đã hoàn tất, sàn TMĐT sẽ tiến hành đối chiếu và chuyển tiền vào tài khoản của người bán.
To hop 2
Nhóm sản phẩm hồ tiêu Đắk Lắk tham gia sàn TMĐT
Các sản phẩm hàng hóa Đắk Lắk sẽ được hưởng lợi chung từ các hoạt động truyền thông, quảng bá, các sự kiện, hoạt động kết nối phân phối TMĐT trên “Gian hàng Việt trực tuyến” do Bộ Công Thương, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cùng với các đối tác tổ chức triển khai, đồng thời có thể tiếp cận khách hàng, người tiêu dùng lớn trên phạm vi toàn quốc. Với tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, Sở Công Thương tiếp tục triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, phối hợp với Cục thương mại điện tử và kinh tế số - Bộ Công Thương cùng các sàn TMĐT trong cả nước tiếp tục hỗ trợ  các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tham gia trên các sàn, tư vấn mở cửa hàng và đăng bán sản phẩm trên Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia và Nông nghiệp số. Bên cạnh đó, hỗ trợ miễn phí vận chuyển, truyền thông quảng cáo cũng như các cách thức duy trì kinh doanh dài hạn trên các sàn TMĐT hợp tác với Bộ Công thương và sẽ không ngừng hỗ trợ phát triển TMĐT, chuyển đổi số cho doanh nghiệp Đắk Lắk, hàng hóa Đắk Lắk và nông sản Đắk Lắk.

Tác giả: Huỳnh Ngọc Dương - PGĐ Sở Công Thương

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây