Tham dự Hội nghị có Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân - Thứ trưởng Bộ Công Thương; Bà Nguyễn Kiều Oanh - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội; Ông Lê Nguyên Ngọc – Giám đốc Sở Công Thương Hà Nam; Bà Vũ Thị Kim Phượng – Phó Giám đốc Sở Công Thương Hải Dương; Ông Trần Văn Cường - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hưng Yên; Ông Phạm Tuấn Hải, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng. Hội nghị có quy mô hơn 200 đại biểu tham dự trực tiếp và trực tuyến là Lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố thuộc vùng đồng bằng sông Hồng, lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ Công Thương, Sở Công Thương, các Hiệp hội ngành hàng, đại diện các cơ quan, tổ chức hỗ trợ kinh doanh, các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu, thương mại, dịch vụ logistic…
Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Thứ trưởng Bộ Công Thương phát biểu khai mạc Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của toàn vùng đạt trên 260,88 tỷ USD, cao nhất trong 6 vùng kinh tế, chiếm 38% kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước, giảm gần 12,25 tỷ USD so năm 2022 do tác động chung của bối cảnh ngoại thương toàn cầu khó khăn. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của vùng năm 2023 đạt trên 126,94 tỷ USD, giảm trên 2,98 tỷ USD so năm 2022; kim ngạch nhập khẩu đạt gần 133,94 tỷ USD, giảm gần 9,26 tỷ USD so năm 2022. Bắc Ninh là địa phương dẫn đầu vùng về kim ngạch xuất nhập khẩu, tiếp theo là Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hà Nam, Quảng Ninh, Hưng Yên…Thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất nước ước đạt 17,382 tỷ USD, trong đó 5/11 địa phương trong vùng thuộc nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước. Cơ cấu kinh tế GRDP của vùng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực; trong đó, công nghiệp - xây dựng, dịch vụ vẫn chiếm tỷ trọng lớn, trở thành động lực và đầu tàu tăng trưởng kinh tế của toàn vùng.Tuy nhiên, vùng đang đối mặt với những vấn đề cần giải quyết như: Kinh tế vùng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của vùng; các địa phương phát triển không đồng đều, phụ thuộc nhiều vào vốn và lao động. Các ngành sản xuất với công nghệ hiện đại chiếm tỉ lệ thấp; chuyển dịch cơ cấu kinh tế tổng thể có kết quả, nhưng còn chậm; chuyển dịch cơ cấu nội ngành (xét đến ngành cấp III và các ngành sản phẩm cụ thể) còn chưa mạnh và rõ nét; chưa hình thành được những chuỗi giá trị (chưa tạo lập được các chuỗi sản xuất) và các cụm liên kết ngành (các cluster); chưa có những đột phá về phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu thương mại tự do. Vùng cũng chưa hình thành các cụm liên kết ngành, các vùng sản xuất nông sản tập trung.
Hoạt động xuất nhập khẩu của vùng đồng bằng sông Hồng những năm qua luôn chiếm tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu xuất nhập khẩu chung của cả nước. Năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của toàn vùng đạt trên 260,88 tỷ USD, cao nhất trong 6 vùng kinh tế, chiếm 38% kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước, giảm gần 12,25 tỷ USD so năm 2022 do tác động chung của bối cảnh ngoại thương toàn cầu khó khăn. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của vùng năm 2023 đạt trên 126,94 tỷ USD, giảm trên 2,98 tỷ USD so năm 2022; kim ngạch nhập khẩu đạt gần 133,94 tỷ USD, giảm gần 9,26 tỷ USD so năm 2022. Bắc Ninh là địa phương dẫn đầu vùng về kim ngạch xuất nhập khẩu, tiếp theo là Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hà Nam, Quảng Ninh, Hưng Yên…
Công tác xúc tiến thương mại được xác định là sợi dây liên kết các địa phương khu vực đồng bằng sông Hồng trong xúc tiến tiêu thụ hàng hóa. Thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với các địa phương trong vùng triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại mang tính liên kết vùng miền ổn định lâu dài và đạt hiệu quả. Các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng trong 02 năm vừa qua đã tổ chức thành công nhiều hội chợ triển lãm thương mại cấp vùng, thu hút sự tham gia của hàng nghìn doanh nghiệp. Tuy nhiên, công tác này cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ hơn nữa để hỗ trợ các doanh nghiệp nắm bắt đa dạng các cơ hội thị trường trong và ngoài nước cho các sản phẩm của vùng đồng bằng sông Hồng.
Đại biểu tham dự tại Hội nghị
Hội nghị tập trung bàn thảo nhiều vấn đề quan trọng trong hợp tác phát triển các hoạt động xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu vùng đồng bằng sông Hồng như: Liên kết phát triển chuỗi giá trị xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, các sản phẩm nông sản chất lượng cao (như gạo, rau củ quả…); Liên kết phát triển dịch vụ logistics phục vụ xuất khẩu, khai thác hiệu quả các sản phẩm kinh tế biển phục vụ xuất khẩu; Liên kết phát triển các lĩnh vực năng lượng, hạ tầng khu – cụm công nghiệp phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu; Hợp tác, liên kết thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại quy mô vùng…
Bên lề Hội nghị kết hợp không gian trưng bày, quảng bá sản phẩm của các địa phương, doanh nghiệp trong vùng, tạo cơ hội kết nối giao thương giữa các nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ của vùng đồng bằng sông Hồng với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại. Các doanh nghiệp trong vùng đồng bằng sông Hồng có sản phẩm chất lượng cao, có tiềm năng và năng lực xuất khẩu được Ban tổ chức Hội nghị tạo điều kiện thuận lợi để tham gia hoạt động này.
Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng đồng bằng sông Hồng đã chia sẻ, trao đổi thông tin giá trị, cùng bàn thảo để triển khai các giải pháp hỗ trợ, liên kết chặt chẽ, hiệu quả hơn trong và ngoài vùng đồng bằng sông Hồng trong công tác xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu; vì mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp của vùng ngày càng lớn mạnh, giúp các sản phẩm hàng hoá, dịch vụ của vùng vươn xa hơn tới các thị trường trong và ngoài nước.