Tham dự Hội nghị về phía tỉnh Ninh Bình có ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Giám đốc Sở Công Thương; đại diện lãnh đạo: Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Cụm công nghiệp, Chi cục Quản lý thị trường, Văn phòng và các phòng thuộc trung tâm Xúc tiến Thương mại và Cụm công nghiệp. Về Phía tỉnh Đắk Lắk có ông Nguyễn Văn Nhiệm - Phó Giám đốc Sở Công Thương; đại diện lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến Thương mại và các phòng liên quan; tham dự hội nghị còn có các nhà phân phối, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh của hai tỉnh Ninh Bình và Đắk Lắk cùng các phóng viên báo đài đến và đưa tin.
Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Ninh Bình phát biểu tại Hội nghị: Thời gian qua, cùng với các tỉnh, Ninh Bình đã triển khai đồng bộ nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, giao thương hàng hóa nhằm mở rộng thị trường, đưa sản phẩm hàng hóa của tỉnh tới người tiêu dùng cả nước và tạo cơ hội cho người tiêu dùng Ninh Bình được sử dụng sản phẩm, hàng hóa Việt Nam chất lượng cao từ các tỉnh, thành phố trong cả nước. Hội nghị kết nối giao thương lần này các doanh nghiệp muốn nói lên cái tôi có và cái tôi cần,..mong muốn thông qua các nhà phân phối, các cửa hàng OCOP và các doanh nghiệp của tỉnh Đắk Lắk, sản phẩm của tỉnh Ninh Bình được có mặt nhiều trên thị trường tỉnh Đắk Lắk đồng thời Sở Công Thương Ninh Bình sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để phối hợp quảng bá, tiêu thụ sản phẩm của Đắk Lắk tiếp cận thị trường miền Bắc nói chung và tỉnh Ninh Bình nói riêng.

Tại Hội nghị Ông Nguyễn Văn Nhiệm - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk cũng chia sẽ: Đây là dịp để hai địa phương tăng cường hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trong việc tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường và thúc đẩy phát triển kinh tế vùng theo hướng bền vững, sự kiện hôm nay không chỉ góp phần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại mà còn là cầu nối để các doanh nghiệp hai tỉnh cùng trao đổi, học hỏi, tìm kiếm cơ hội hợp tác lâu dài. Một trong những thế mạnh lớn nhất của Đắk Lắk là sản xuất và chế biến nông sản. Đắk Lắk được mệnh danh là “Thủ phủ cà phê” của Việt Nam với diện tích trên 200.000 ha, sản lượng đạt hơn 550.000 tấn mỗi năm, chiếm gần 30% tổng sản lượng cà phê cả nước. Cà phê Đắk Lắk đã xuất khẩu đến trên 75 quốc gia và vùng lãnh thổ và ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường Quốc tế. Ngoài cà phê, Đắk Lắk còn sở hữu nhiều nông sản chủ lực khác như: Hồ tiêu với sản lượng khoảng 80.000 tấn/năm; Cao su đạt trên 36.000 tấn/năm; Điều hơn 34.000 tấn/năm và đặc biệt là trái cây như bơ, sầu riêng, mít, xoài là những sản phẩm đang có nhu cầu lớn tại thị trường khu vực. Bên cạnh đó, tỉnh cũng dẫn đầu cả nước về sản lượng mật ong với hơn 300.000 đàn ong và khoảng 15.000 tấn mật/năm. Ông tin tưởng với sự tương đồng trong định hướng phát triển, sự quyết tâm của lãnh đạo hai địa phương các hoạt động kết nối giao thương như hôm nay sẽ mang lại nhiều kết quả tích cực tạo điều kiện để các sản phẩm chủ lực của Đắk Lắk có mặt nhiều hơn tại thị trường Ninh Bình và khu vực phía Bắc đồng thời mở ra cơ hội để sản phẩm đặc trưng của Ninh Bình đến gần hơn với người tiêu dùng Đắk Lắk và Khu vực Tây Nguyên.

Các doanh nghiệp của hai tỉnh đã trình bày tham luận giới thiệu về các sản phẩm và định hướng các giải pháp phát triển thị trường trong thời gian tới; tiến hành trưng bày giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu tại hội nghị như: Cà phê, Socola, các sản phẩm sấy thăng hoa, rượu đinh lăng, tinh bột nghệ, mắm tép, gốm bồ bát, cơm cháy…nhằm xúc tiến tiêu thụ quảng bá các sản phẩm của hai địa phương hướng tới phát triển mở rộng thị trường và xuất khẩu.
Kết quả hội nghị đã có 9 biên bản ký ghi nhớ hợp tác cung ứng sản phẩm giữa nhà phân phối, doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Ninh Bình.