Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 6/2025

Thứ sáu - 27/06/2025 05:09
Chiều ngày 27/6/2025, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng tổ chức Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 6/2025 với chủ đề Xúc tiến xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản mùa vụ Việt Nam.
 
Tham dự tại Hội nghị có Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại - Bộ Công Thương, và  đại diện đến từ các cơ quan thuộc Bộ Công Thương, các Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam, Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại nước ngoài, Sở Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và các cơ quan truyền thông báo chí...
Ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị Ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết về Đánh giá tổng quan về tình hình sản xuất, trong nước và xuất khẩu các mặt hàng nông sản, đặc biệt  nhóm mặt hàng nông sản có tính thời vụ  như vải, nhãn, xoài, chôm chôm, thanh long…; đánh giá thực trạng và xu hướng tại một số thị trường xuất khẩu truyền thống cũng như thuận lợi, khó khăn trong mở rộng, đa dạng hóa thị trường của các doanh nghiệp trong ngành như thuận lợi về Tiềm năng sản xuất đa dạng: Việt Nam có diện tích cây ăn trái đa dạng và sản lượng liên tục tăng với trên 1,2 triệu hecta , trên 12 triệu tấn trái cây /năm; Chất lượng sản phẩm được nâng cao: Nhiều doanh nghiệp, HTX đã chủ động đầu tư vào công nghệ sản xuất, bảo quản, chế biến, và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế như GlobalGAP, VietGAP, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh; Các Hiệp định thương mại tự do (FTA): Việt Nam đã ký kết 17 Hiệp định FTA thế hệ mới, tạo cơ hội lớn để tiếp cận các thị trường tiềm năng với các ưu đãi thuế quan có khi 0; Sự hỗ trợ từ Nhà nước và các Hiệp hội: Các hoạt động xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa thị trường chính ngạch được tăng cường, giúp doanh nghiệp nắm bắt thông tin và cơ hội kinh doanh mở rộng; Chế biến sâu đang được đầu tư : Việc đẩy mạnh chế biến sâu, chế biến tinh giúp tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm, đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu (nước ép, trái cây sấy khô, đông lạnh...) và giảm áp lực phụ thuộc vào trái cây tươi.
Về khó khăn: Ngành nông sản Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng có tính mùa vụ cao (như vải, nhãn, xoài, chôm chôm, thanh long, Sầu Riêng...), đang chịu áp lực lớn trong việc duy trì đơn hàng, giữ thị phần và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Đặc tính mùa vụ gây nhiều áp lực lớn trong việc thu hoạch, vận chuyển và tiêu thụ dồn dập, dễ gây ùn ứ và rớt giá; Kinh tế thế giới tiềm ẩn nhiều bất ổn, xu hướng bảo hộ gia tăng và các rào cản phi thuế quan, cũng như thuế quan ngày càng nâng cao và khắt khe; Phụ thuộc vào thị trường truyền thống (đặc biệt là Trung Quốc): Mặc dù đã có những nỗ lực đa dạng hóa, nhưng sự phụ thuộc lớn vào một vài thị trường (nhất là Trung Quốc, Mỹ) vẫn là rủi ro lớn khi có những thay đổi về chính sách thuế quan hoặc tiêu chuẩn; Hạn chế về tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm: Mặc dù đã cải thiện, nhưng nhiều sản phẩm rau quả Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường khó tính (EU, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc) về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm dịch thực vật, truy xuất nguồn gốc. Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún cũng gây khó khăn trong việc áp dụng quy trình sản xuất đồng bộ; Công nghệ sau thu hoạch và logistics còn yếu như Hạ tầng kho lạnh và vận chuyển lạnh chưa đủ phát triển bao phủ các khâu, chi phí logistics còn cao, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm tươi và khả năng cạnh tranh. Tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch vẫn còn cao 20-40; Khả năng thích ứng với quy định thị trường: Các quy định nhập khẩu của nhiều thị trường thay đổi thường xuyên, đòi hỏi doanh nghiệp phải cập nhật liên tục, điều này khó khăn đối với các doanh nghiệp SME, nhỏ và siêu nhỏ; Cạnh tranh gay gắt: Rau quả Việt Nam phải cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới (Thái Lan, Philippines, Malaysia, Nam Mỹ...); Marketing và xây dựng thương hiệu: Khả năng quảng bá, xây dựng thương hiệu và thâm nhập sâu vào các kênh phân phối hiện đại ở các thị trường mới còn hạn chế. Nhiều sản phẩm vẫn xuất khẩu dưới dạng thô hoặc qua trung gian của các Cty nước ngoài...
Ông Tạ Đức Minh – Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản phát biểu tại Hội nghị
Theo Ông Tạ Đức Minh – Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cho biết về các hoạt động Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản đã triển khai như sau: Phát huy vai trò cầu nối, Thương vụ đã phối hợp với các đơn vị liên quan, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến xuất khẩu; hỗ trợ, cung cấp thông tin thị trường thường xuyên, kịp thời phục vụ nhu cầu tra cứu, tìm hiểu của doanh nghiệp…; Đối với các nông sản mùa vụ, ví dụ như quả vải, ngay từ giữa Quý 2, Thương vụ đã làm việc với các nhà nhập khẩu để trao đổi về thông tin thị trường, thu hút sự quan tâm và nắm tình hình, kế hoạch, tiến độ nhập khẩu. Ngay khi những lô vải đầu tiên của vụ mùa 2025 tới Nhật vào cuối tháng 5, Thương vụ đã giới thiệu tại Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản, mặc dù không được mời khách dùng thử như trước theo yêu cầu của Ban tổ chức, nhưng sự xuất hiện của quả vải tươi cũng đã thu hút được sự quan tâm của khách tham quan; Đồng thời, thương vụ cũng thường xuyên đăng tải các thông tin quảng bá quả vải trong cộng đồng; giới thiệu đơn vị phân phối, cách thức mua hàng để góp phần hỗ trợ các đơn vị nhập khẩu tiêu thụ sản phẩm và để người tiêu dùng dễ dàng tìm mua; Đối với mặt hàng gạo, mặc dù không phải là sản phẩm mùa vụ, nhưng trước tình hình giá gạo tại Nhật Bản tăng cao, từ đầu năm, Thương vụ đã rất khẩn trương nắm bắt tình hình, xu hướng để thông tin kịp thời đến các doanh nghiệp, đồng thời phối hợp, hỗ trợ tìm kiếm nguồn hàng xuất khẩu đáp ứng yêu cầu của thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu trong bối cảnh Chính phủ Nhật Bản đang nỗ lực triển khai các biện pháp để bình ổn giá gạo trên thị trường.
Hiện tại, bên cạnh việc tiếp tục tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp triển khai các hoạt động triển lãm, giao thương, kết nối tiêu thụ tại thị trường Nhật Bản, Thương vụ Nhật Bản đang đẩy mạnh việc mời doanh nghiệp Nhật Bản về Việt Nam tham quan, tìm hiểu môi trường đầu tư kinh doanh, tìm kiếm nguồn hàng nhập khẩu. Trong 6 tháng đầu năm Thương vụ đã tổ chức 02 đoàn về. Hiện nay Thương vụ đang tập trung mời khách mua hàng tham dự Vietnam International Sourcing 2025 và Foodexpo 2025 (qua nhiều hình thức, từ mời trực tiếp qua các hoạt động đối ngoại, gửi thông tin tới các tổ chức, doanh nghiệp tới việc phổ biến thông tin qua các hội thảo, các hoạt động giao thương…). 
Về dài hạn, thương vụ đang kêu gọi, thúc đẩy hoạt động đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, trong đó có các nội dung logictis, sản xuất chế biến nông sản, thực phẩm.

Ngoài ra, tại Hội nghị còn được nghe chia sẻ từ đại diện doanh nghiệp Việt Nam ngành nông sản về Tình hình tiêu thụ đơn hàng trong nước và xuất khẩu của doanh nghiệp, thuận lợi và khó khăn trong quá trình đa dạng hóa thị trường bao gồm thủ tục kiểm dịch, chi phí logistics, đàm phán giá với đối tác, và khả năng cạnh tranh với hàng cùng loại từ các quốc gia. Kiến nghị, đề xuất cụ thể đối với các Thương vụ và cơ quan chức năng; đại diện Phát biểu của đại diện Bộ Nông nghiệp và Môi trường về Thực trạng sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu các mặt hàng nông sản mùa vụ năm 2025, cơ hội, thách thức và kiến nghị chính sách hỗ trợ cho các mặt hàng nông sản, đặc biệt nhóm các mặt hàng nông sản có tính thời vụ, đề xuất các giải pháp cụ thể về xúc tiến thương mại hỗ trợ các mặt hàng nông sản theo mùa vụ cho doanh nghiệp, vai trò điều phối của Trung ương và địa phương; đại diện địa phương về Báo cáo nhanh tình hình sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ nông sản mùa vụ tại địa phương trong 6 tháng đầu năm 2025; đánh giá khó khăn, vướng mắc trong hoạt động tiêu thụ và xuất khẩu nông sản; Đề xuất các giải pháp cụ thể về xúc tiến thương mại hỗ trợ các mặt hàng nông sản theo mùa vụ cho doanh nghiệp địa phương;...
Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại tháng 6/2025 với chủ đề "Xúc tiến xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản mùa vụ Việt Nam" đã tạo điều kiện kết nối doanh nghiệp với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Doanh nghiệp được cập nhật thông tin thị trường, nhu cầu tiêu dùng và chính sách nhập khẩu tại các quốc gia. Hội nghị hỗ trợ tư vấn chiến lược xuất khẩu phù hợp cho từng mặt hàng nông sản. Các rào cản kỹ thuật và tiêu chuẩn chất lượng quốc tế cũng được phổ biến cụ thể. Nhiều cơ hội hợp tác, ký kết đơn hàng đã được mở ra. Ngoài ra, doanh nghiệp còn được hướng dẫn xây dựng thương hiệu và bao bì phù hợp thị hiếu quốc tế. Đây là nền tảng quan trọng giúp nông sản Việt Nam nâng cao vị thế trên thị trường toàn cầu.




 

Tác giả: Tin: Hoàng Thúy An – TTKC&XTTM

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây