Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại tại Trụ sở Bộ Công Thương - 23 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội kết hợp trực tuyến trên nền tảng Zoom và livestream trên fanpage Facebook Cục Xúc tiến thương mại.
Tham dự Hội nghị có Ông Nguyễn Hoàng Long, Thứ trưởng Bộ Công Thương, chủ trì Hội nghị; Ông Bùi Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại; Bà Trương Thùy Linh, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại; Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên và đại diện Sở Công Thương, các tham tán thương mại tại thị trường nước ngoài, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Trung tâm Xúc tiến Thương mại địa phương, Chi cục Quản lý chất lượng nông sản, lâm sản; đại diện Hiệp hội ngành hàng, các Liên minh Hợp tác xã, một số doanh nghiệp xuất nhập khẩu quy mô lớn, hơn 100 đại biểu tham gia trực tiếp, trực tuyến và các cơ quan truyền thông báo chí...
Phát biểu tại Hội nghị, Bà Trương Thùy Linh, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho biết nhiều ngành sản xuất/xuất khẩu của Việt Nam đang có những bước phát triển vượt bậc, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam liên tục tăng trưởng mạnh thời gian gần đây. Cụ thể, tính chung 8 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 265,09 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài những lợi thế đặc thù của quốc gia đang phát triển, như giá nhân công rẻ, giá thành sản xuất thấp, thì việc hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ngày càng đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế càng khiến hàng hóa Việt Nam trở thành mối đe dọa lớn cho ngành sản xuất trong nước của nhiều quốc gia nhập khẩu. Do vậy, để hạn chế thiệt hại đối với ngành sản xuất trong nước của mình, nhiều quốc gia đang ngày càng tích cực hơn trong việc sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại, gồm biện pháp chống bán phá giá, biện pháp chống trợ cấp và tự vệ, lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam (ở một số nước, như Hoa Kỳ, còn sử dụng công cụ thứ 4, có tên “biện pháp chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại”, nhằm ngăn chặn các hành vi thay đổi nguồn gốc của các mặt hàng xuất khẩu đang bị áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp để “né” thuế). Điều này khiến số lượng vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam ngày càng gia tăng.
Trong giai đoạn 2001 – 2011, số lượng vụ việc nước ngoài điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam chỉ dừng ở con số 50 vụ việc. Nhưng, kể từ đó đến nay, số lượng các vụ việc phòng vệ thương mại đã tăng thêm 207 vụ việc. Trong tổng số 257 vụ việc mà Việt Nam phải đối mặt tới nay, có 141 vụ việc điều tra chống bán phá giá, 37 vụ việc điều tra chống lẩn tránh, 27 vụ việc điều tra chống trợ cấp và 52 vụ việc điều tra tự vệ. Năm 2020 là nhiều vụ việc phòng vệ thương mại nhất, với 39 vụ việc. Còn tính đến đầu năm tới nay, Cục Phòng vệ thương mại đã và đang xử lý 14 vụ việc mới phát sinh.
Chương trình Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại bao gồm 2 phiên chính: Phiên 1: Thông tin về các vụ việc điều tra chống trợ cấp của nước ngoài đối với hàng xuất khẩu Việt Nam, đề xuất, kiến nghị từ phía cơ quan quản lý, ngành hàng. Phiên 2: Vai trò phối hợp của Thương vụ trong việc dự báo tình hình, theo đuổi, xử lý các vụ việc điều tra chống trợ cấp;tham khảo các quy định, kinh nghiệm của các nước về xây dựng, quản lý và thực thi các cơ chế, chính sách hỗ trợ ngành/doanh nghiệp để hạn chế/tránh bị cáo buộc là trợ cấp; đề xuất, khuyến nghị đối với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong nước.
Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với các thị trường ngoài nước tháng 9/2024 với chủ đề “Khuyến nghị liên quan đến việc điều tra chống trợ cấp đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam” đã giúp doanh nghiệp được cập nhật về các quy định, chính sách liên quan đến điều tra chống trợ cấp, giúp họ nắm bắt được những thay đổi trong môi trường thương mại quốc tế, có cơ hội lắng nghe và học hỏi từ những kinh nghiệm thực tiễn của các doanh nghiệp khác đã từng đối mặt với điều tra chống trợ cấp; giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc minh bạch trong hoạt động kinh doanh, từ đó nâng cao uy tín và khả năng cạnh tranh. Hội nghị tạo điều kiện cho doanh nghiệp kết nối với các đối tác, cơ quan quản lý, và tổ chức liên quan, mở rộng cơ hội hợp tác trong thương mại, nâng cao nhận thức và chuẩn bị tốt hơn cho các thách thức trong xuất khẩu.