Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị tại điểm cầu Trung ương. Cùng tham dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành; đại diện các bộ, ngành. Dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk có Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh; cùng lãnh đạo các sở, ngành, địa phương.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Chinhphu.vn)
Theo đánh giá tại hội nghị, từ đầu năm đến nay, tình hình kinh tế - xã hội cả nước có nhiều khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát.
Cụ thể, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,37%; thu ngân sách nhà nước 460,6 nghìn tỷ đồng, đạt 32,6% dự toán, tăng 7,7% so cùng kỳ năm trước; vốn đầu tư toàn xã hội đạt 562,2 nghìn tỷ đồng, tăng 8,9%...
Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, GDP quý I năm nay tăng 5,03%, cao hơn tốc độ tăng năm 2021 (4,72%) và năm 2020 (3,66%), dần tiệm cận năm 2019 (6,85%); dịch bệnh COVID-19 vẫn được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, số ca mắc mới, chuyển nặng, tử vong có xu hướng giảm nhanh, giảm sâu.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk. |
Về giải ngân vốn đầu công từ nguồn ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính cho biết, tổng số vốn đã thanh toán trong 3 tháng đầu năm đạt hơn 61.536 tỷ đồng, đạt 11,88% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, vốn trong nước gần 61.193 tỷ đồng, vốn nước ngoài 343,3 tỷ đồng; 4 bộ và 15 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 20%; 46/51 bộ, cơ quan Trung ương và 27/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức bình quân của cả nước (11,88%); có 29 bộ, cơ quan Trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn năm 2022.
Việc chậm giải ngân là do có một số dự án khởi công mới đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục đấu thầu, chấm thầu, thương thảo hợp đồng; một số bộ, cơ quan Trung ương và địa phương chưa thật sự quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kịp thời ban hành các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công.
Đối với các dự án giao thông quan trọng quốc gia, Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020, khối lượng xây lắp đã hoàn thành 18.886 tỷ đồng (tương đương 33,3% giá trị hợp đồng); Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025, hiện đã hoàn thành công tác lập hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa, khảo sát hiện trường, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường…; Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đã bàn giao 1.613 ha mặt bằng, đạt hơn 89%, đang thực hiện chuẩn bị đầu tư, thủ tục lựa chọn nhà thầu thực hiện các dự án thành phần…
Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị tham gia ý kiến tại hội nghị. |
Tham gia ý kiến tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị cho biết, thời gian qua, địa phương đã ban hành và triển khai hiệu quả kế hoạch thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 11/NQ-CP, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, khôi phục, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh và thực hiện đầu tư công.
Đầu năm đến nay, giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh đạt 11.576 tỷ đồng, tăng 6,06% so với cùng kỳ năm 2021; huy động vốn đầu tư toàn xã hội hơn 6.410 tỷ đồng, tăng 3,54%; thu cân đối ngân sách nhà nước tăng 24% so với cùng kỳ năm 2021; kim ngạch xuất khẩu tăng 56%; môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện.
Về cao tốc Buôn Ma Thuột – Khánh Hoà, sau khi được Chính phủ giao làm chủ đầu tư dự án thành phần số 3, tỉnh đã thành lập ban quản lý dự án, khảo sát diện tích đất rừng phải chuyển đổi để thực hiện dự án để báo cáo Bộ NN-PTNT; khoanh vùng đất đai để tích hợp vào quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 và kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 – 2025, đồng thời, chuẩn bị các mỏ nguyên vật liệu cho dự án.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 3 tháng đầu năm 2022.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn; tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển thị trường trong nước và quốc tế; đẩy mạnh cải cách hành chính và chú trọng thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, hoá đơn điện tử; cơ cấu lại, nâng qua hiệu quả, sức chống chịu của các ngành, lĩnh vực gắn với chuyển đổi số, kinh tế số và tăng trưởng xanh.
Đối với công tác đầu tư công, các bộ, ngành, địa phương cần rà soát nguồn lực, tập trung cho những công trình trọng điểm, những lĩnh vực ưu tiên như y tế, giáo dục; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn gắn với trách nhiệm người đứng đầu, không để xảy ra tình trạng bị cắt, điều chuyển vốn sau này.