Quảng Ninh giữ ngôi vị "quán quân" 5 năm liên tiếp
Phát biểu tại Lễ công bố, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI cho biết: Khảo sát PCI 2021 đã diễn ra trong bối cảnh doanh nghiệp cả nước phải gồng mình chống chịu những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch. Trong bối cảnh khó khăn ấy, chúng ta ghi nhận sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ ngành và chính quyền các cấp đã đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp nhằm “vượt bão” Covid-19.
Tuy nhiên, khảo sát PCI 2021 vẫn nỗ lực thu thập được phản hồi từ 11.312 doanh nghiệp, trong đó 10.127 doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân tại 63 tỉnh, thành phố và 1.185 doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
Top 10 địa phương được vinh danh tại lễ công bố PCI 2021
Báo cáo PCI 2021 cũng ghi nhận những chuyển biến tích cực về chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh qua thời gian. Trong đó, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao chính quyền nhiều tỉnh, thành phố về sự năng động, tinh thần tiên phong, thái độ làm việc có trách nhiệm và khả năng giải quyết hiệu quả các vấn đề thực tiễn trong phát triển kinh tế.
Đặc biệt, theo ông Phạm Tấn Công, PCI 2021 cũng ghi nhận xu hướng chi phí không chính thức giảm trong nhiều lĩnh vực thủ tục liên quan đến doanh nghiệp. Dù vậy, công tác phòng chống tham nhũng vẫn cần những nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa để giảm bớt sự nhũng nhiễu trong một số lĩnh vực thủ tục hành chính thiết yếu với doanh nghiệp. Hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính đã có tiến bộ trong năm qua, đặc biệt là nhờ việc ứng dụng mạnh mẽ hơn công nghệ thông tin vào cung cấp dịch vụ công.
Quảng Ninh, Hải Phòng, Đồng Tháp, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc lần lượt là những địa phương có chất lượng điều hành kinh tế được đánh giá cao nhất trong bảng xếp hạng PCI 2021. Đây cũng là những địa phương có những chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế và kiểm soát dịch bệnh Covid-19 rất tốt theo đánh giá của doanh nghiệp.
Trong đó, Quảng Ninh là địa phương dẫn đầu 5 năm liên tiếp, đây cũng là tỉnh duy nhất được xếp hạng chất lượng đây cũng là điều hành kinh tế “Rất tốt”.
Kết quả này tới từ những nỗ lực đặc biệt của Quảng Ninh trong năm 2021, khi chính quyền tỉnh này đã luôn duy trì tinh thần chủ động, quyết liệt và đổi mới trong công tác chỉ đạo điều hành. Mục tiêu của tỉnh Quảng Ninh là xây dựng chính quyền kiến tạo, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo cho sự phục vụ.
Vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng năm nay là sự trở lại của tỉnh Vĩnh Phúc. Từ năm 2020, chính quyền tỉnh đã đề ra mục tiêu “3 tốt” gồm: Môi trường pháp lý tốt và toàn diện, hạ tầng kỹ thuật tốt, và phục vụ doanh nghiệp tốt. Trong đó, công tác cải cách thủ tục hành chính được coi là nhiệm vụ trọng tâm, được triển khai quyết liệt theo hướng giảm thiểu thời gian và đơn giản về thủ tục. Chẳng hạn, tỉnh cam kết cắt giảm thời gian kiểm tra trước hoàn thuế giá trị gia tăng tại trụ sở người nộp thuế xuống còn 40 ngày làm việc và cắt giảm thủ tục hành chính để thực hiện nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách nhà nước xuống dưới 115 giờ/năm.
Tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã xây dựng và đưa vào sử dụng bộ phận một cửa liên thông, hiện đại ở cả 3 cấp. Đặc biệt, hệ thống đường dây nóng của tỉnh được thiết lập và vận hành hiệu quả với 5 ngôn ngữ: Việt Nam, Trung Quốc, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Vĩnh Phúc cũng là một trong những tỉnh đầu tiên thành lập và phát huy có hiệu quả vai trò của Tổ giúp việc của Chủ tịch UBND tỉnh nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trong năm 2021, Tổ giúp việc đã tổng hợp được 97 nhóm ý kiến từ các doanh nghiệp trong tỉnh và trực tiếp hướng dẫn các thủ tục hành chính cho các nhà đầu tư, cũng như kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết các vướng mắc mà doanh nghiệp phản ánh. Chương trình “Cà phê doanh nhân” tỉnh triển khai gần đây cũng góp phần tháo gỡ khó khăn cho 1.794 lượt doanh nghiệp về nhiều vấn đề như giải phóng mặt bằng, hoạt động vận tải – giao nhận, thủ tục xuất nhập khẩu và các vấn đề liên kết chuỗi giá trị.
PCI năm 2021 ghi nhận những nỗ lực của chính quyền địa phương trong cải thiện môi trường kinh doanh
Doanh nghiệp chưa “thoát” gánh nặng thủ tục
Dù đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng theo ông Phạm Tấn Công, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp phiền hà với một số lĩnh vực như thuế, phí, đất đai, bảo hiểm xã hội và xây dựng.
PCI 2021 cũng chỉ ra những gánh nặng tuân thủ của doanh nghiệp với các thủ tục cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện và những trở ngại từ lâu mà doanh nghiệp gặp phải khi tiếp cận đất đai hoặc mở rộng mặt bằng kinh doanh. Đồng thời, PCI 2021 cũng khuyến nghị chính quyền các cấp cần triển khai kịp thời, thực chất và hiệu quả hơn các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trong khuôn khổ Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vốn còn có hiệu quả khiêm tốn trên thực tiễn.
Các doanh nghiệp trong nước cũng cần được tiếp cận thông tin thuận lợi hơn và được hướng dẫn đầy đủ hơn về tận dụng lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do. Báo cáo PCI 2021 cũng cung cấp những đánh giá về môi trường kinh doanh qua góc nhìn của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tất cả những nội dung này sẽ được đại diện nhóm nghiên cứu cung cấp chi tiết hơn trong các bài trình bày về kết quả PCI 2021.
Phát biểu tại lễ công bố, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng Ban Pháp chế (VCCI) cho biết: Sau 17 năm thực hiện công bố PCI, môi trường đầu tư của Việt Nam đã có sự cải thiện tích cực, tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho biết, họ vẫn đối mặt với những tồn tại của môi trường kinh doanh, cụ thể là tình trạng nhũng nhiễu vẫn còn xảy ra. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết, họ khó tiếp cận được với các chính sách hỗ trợ về đất đai, về vốn, theo đó thời gian tới, các địa phương cũng cần dành sự quan tâm đặc biệt hơn với khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đánh giá cao nỗ lực của chính quyền địa phương trong cải thiện môi trường kinh doanh thông qua cải thiện hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực, song GS, TS Edmund Malesky - Đại học Duke, Hoa Kỳ - cho rằng: Covid-19 đã khiến cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đối mặt với rất nhiều khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hoá, và khó khăn trong tuyển dụng lao động chất lượng cao, cùng với đó, doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với nhũng nhiễu trong môi trường kinh doanh.
Từ nhận định trên, ông Edmund Malesky cho rằng, tình trạng nhũng nhiễu trong môi trường kinh doanh vẫn còn dư địa để tiếp tục cải thiện trong thời gian tới, nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Các địa phương trong Top 10 PCI 2021 gồm: Hải Phòng, Đồng Tháp, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc, Bình Dương, Bắc Ninh, Thừa Thiên Huế, Bà Rịa - Vũng Tàu và Hà Nội.