Doanh nghiệp cơ khí chờ cơ chế

Thứ hai - 16/05/2022 05:24
Theo các doanh nghiệp ngành cơ khí, vấn đề gây khó cho hoạt động sản xuất, kinh doanh không phải thị trường hay nguyên phụ liệu, mà là thiếu cơ chế và chiến lược tổng thể cho sự phát triển của ngành. Thiếu cơ chế, những chính sách hỗ trợ sẽ khó hiệu quả và thiết thực với các doanh nghiệp.
Tiền có, năng lực có, nhưng các doanh nghiệp cơ khí lo ngại khó tham gia thị trường mới vì thiếu cơ chế, chính sách.
Cơ hội nhiều nhưng cơ chế thiếu
Cơ khí là một trong những ngành xương sống cho sự phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong giai đoạn phục hồi tăng trưởng như hiện nay. Theo Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI), thị trường của lĩnh vực cơ khí trong những năm tới còn rất lớn, khi nhiều công trình trọng điểm quốc gia, cầu cảng, đường sắt, các công trình năng lượng, đóng tàu, nông nghiệp… đang tiếp tục được triển khai, đầu tư công cũng đang được Chính phủ thúc đẩy.
Trong tháng 4/2022 ngành chế biến, chế tạo tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 5,8% và 9,6% của cùng kỳ năm 2018 và 2019 (những năm chưa có dịch Covid-19). Theo Tổng cục Thống kê, các doanh nghiệp đã chủ động hơn về lao động và kế hoạch sản xuất kinh doanh, khắc phục khó khăn để phục hồi, mở rộng sản xuất.
Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, nếu ngành cơ khí có một chiến lược tổng thể để triển khai cụ thể thì sẽ tăng tính chủ động cho việc đón nhận các dự án lớn. Ông Nguyễn Quang Hiếu, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chế tạo giàn khoan dầu khí (PV Shipyard) cho biết, chỉ riêng mảng điện gió, các doanh nghiệp cơ khí có thể tham gia vào sản xuất cánh, cột gió, hệ thống power, hệ thống chân đế cả dự án trong và ngoài biển. Với 1 dự án, khối lượng sản phẩm cơ khí có thể lên tới vài trăm nghìn tấn. Riêng hệ thống chân đế, một dự án điện gió khoài khơi ít nhất cần 35-40 cột và mỗi cột là 120.000 tấn. Nên đây có thể là thị trường của 500.000 tấn thiết bị trong vòng 5 năm tới.
Tuy nhiên, ông Hiếu lại cho rằng, cơ hội trước mắt nhưng các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam có quy mô nhỏ, lại thiếu quy hoạch tổng thể, thiếu cơ chế để hợp tác cùng phát triển với doanh nghiệp lớn, nên chủ yếu là làm ăn tự phát, manh mún.
Cũng nói về việc thiếu cơ chế cho ngành cơ khí, ông Lê Văn An, Chủ tịch HĐQT Công ty Tổng công ty Cơ điện xây dựng Agrimeco cho biết, năm 2008, Chính phủ đã ký ban hành Chiến lược về phát triển ngành cơ khí đến năm 2035 và đã điều chỉnh vào năm 2018. Tuy nhiên, các cơ chế chính sách đi theo, các chiến lược cụ thể đến nay vẫn chưa có. Điều này dẫn đến thực tế là doanh nghiệp nhìn thấy cơ hội, nhưng lại e ngại nếu bỏ công sức, tiền bạc nghiên cứu công nghệ mới nhưng không có chính sách, văn bản từ cơ quan quản lý hỗ trợ. Vì thế, vị này cho biết đã nhiều lần kiến nghị về cơ chế, chính sách để giữ lại thị trường cơ khí cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Đồng quan điểm, ông Đào Phan Long, Chủ tịch VAMI cho hay, nhiều nhà máy của các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam hoàn toàn có thể tự đóng được các toa xe nhẹ cho đường sắt đô thị (metro) nếu được yêu cầu. Vì thế, các doanh nghiệp đang rất mong đợi chính sách và cơ chế hỗ trợ để có thể chủ động tham gia vào thị trường này, không thể để rơi vào tay các doanh nghiệp nước ngoài.
Cần “luật hóa” các chính sách
Một trong những vấn đề được các doanh nghiệp và chuyên gia trong lĩnh vực cơ khí kiến nghị để thúc đẩy phát triển và bảo vệ thị trường cơ khí Việt Nam là cần phải sớm có Luật Cơ khí. Theo ông Đào Phan Long, ngành cơ khí Việt Nam đang phải “tự bơi” trong cơ chế thị trường chưa hoàn thiện và chưa nhận được sự hỗ trợ từ chính sách nhà nước để có nhiều đơn hàng từ đầu tư công như các nước khác. Điều này khiến doanh nghiệp cơ khí thiếu đơn hàng, bị thua thiệt ngay trên “sân nhà”.
Trong khi đó, nhiều dự án sắp tới đây sẽ được thực hiện nên không để khiến các doanh nghiệp trong nước bỏ lỡ cơ hội. Ông Lê Văn Tuấn, Tổng giám đốc Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) nhận định, có chính sách tốt doanh nghiệp cơ khí sẽ có điều kiện thuận lợi để cho ra được những sản phẩm chất lượng tốt hơn, dịch vụ tốt hơn đủ sức cạnh tranh với các nước trong khu vực.
Chính vì thế, VAMI cho biết sẽ trình Chính phủ xin ý kiến về xây dựng Luật Cơ khí. Đại diện cho các doanh nghiệp ngành cơ khí cho rằng, chỉ khi tất cả được “luật hóa” thì các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho ngành cơ khí mới sớm thực thi. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần có chiến lược tổng thể về tổ chức sản xuất cơ khí, để tăng liên kết ngành cũng như có được cơ chế đấu thầu trong nước cho doanh nghiệp cơ khí…

 

Nguồn tin: (Theo haiquanonline.com.vn)

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây