Hội nghị tổng kết công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2021
và kế hoạch nhiệm vụ năm 2022 do Bộ Công Thương tổ chức (ảnh internet)
Để chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do tiên tai gây ra, ngày 14/4/2022, Bộ Công Thương Ban hành Chỉ thị số 04/CT-BCT về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022, theo đó yêu cầu các Sở Công Thương, Tập đoàn, Tổng Công ty, Công ty và các đơn vị trực thuộc Bộ tập trung triển khai thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; tích cực tuyên truyền, phổ biến kiến thức giúp nâng cao nhận thức về những nguy cơ, hiểm họa do thiên tai gây ra và trách nhiệm của các cá nhân, tập thể trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại đơn vị. Rà soát, cập nhật bổ sung, hiệu chỉnh phương án phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn phù hợp với đặc thù của đơn vị đối với tất cả hình thái thiên tai có thể xảy ra. Kiện toàn tổ chức, lực lượng, chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, hậu cần theo phương châm 4 tại chỗ (Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, hậu cần tại chỗ, phương tiện tại chỗ) để sẵn sàng ứng phó thiên tai với hiệu suất cao nhất; tổ chức diễn tập các phương án ứng phó đối với các tình huống thiên tai cơ bản để nâng cao khả năng sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai. Tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị, giữa các đơn vị với địa phương để thống nhất chỉ huy, điều hành và phát huy hiệu quả cao nhất về nguồn lực của các đơn vị trong quá trình ứng phó với các tình huống thiên tai, sự cố. Rà soát, lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, ra soát tiêu chuẩn, quy chuần kỹ thuật áp dụng thiết kế, xây dựng các công trình để bảo đảm an toàn cho công trình, cho cộng đồng đối với các hình thái thiên nhiên. Tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến các đợt thiên tai và thực hiện chế độ báo cáo nghiêm túc theo đúng quy định, đảm bảo thông tin, liên lạc thông suốt.
Đối với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố cần tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn công tác chuẩn bị ứng phó thiên tai trước mùa mưa bão tại các cơ sở, công trình trong ngành Công Thương trên địa bàn quản lý, đặc biệt là các đơn vị quản lý vận hành lưới điện, chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện. Chỉ đạo giám sát vận hành an toàn hồ đập thủy điện, tham mưu UBND tỉnh, thành phố tuyệt đối không cho tích nước đối với các hồ chứa nước không đảm bảo an toàn, tăng cường lắp đặt hệ thống theo dõi, giám sát, cung cấp số liệu cho các đơn vị chức năng theo quy định, thông tin cảnh báo đảm bảo an toàn hạ du khi xã lũ. Hỗ trợ các đơn vị điện lực, đơn vị truyền tải điện trên địa bàn nhằm đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão như vận động người dân chặt tỉa cây xanh, báo người dân sử dụng điện an toàn trong mùa mưa bão. Tham mưu, đề xuất UBND tỉnh, thành phố thực hiện thiết lập, quản lý hành lang thoát lũ của các hồ chứa và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn đập theo quy định của pháp luật. Triển khai kế hoạch dự trữ hàng hóa, vật tư, nhu yếu phẩm thiết yếu, chú trọng khu vực thường xuyên bị thiên tai, vùng sâu, vùng xa, vùng dễ bị chia cắt; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các cấp thực hiện tốt kế hoạch dự trữ tại chỗ, phương án bình ổn thị trường khi thiên tai xảy ra. Yêu cầu các công trình đang xây dựng dừng mọi hoạt động thi công, di dời người và thiết bị về vị trí an toàn trước khi bão lũ xảy ra, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và tài sản, không để xảy ra các sự cố sạt lở nghiêm trọng. Đối với địa phương có công trình điện gió và trang trại điện mặt trời cần chỉ đạo các chủ công trình thực hiện gia cố nền móng chống sạt trượt và có các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và thiết bị trong mùa mưa bão