Sở Công Thương Đắk Lắkhttps://socongthuong.daklak.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ năm - 07/04/2022 03:49
Nền kinh tế nước ta ngày phát triển, nhu cầu thực phẩm ngày càng tăng cao, yêu cầu đối với quy trình sản xuất thực phẩm càng khắt khe, chặt chẽ hơn nữa nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng cũng như sức khỏe xã hội và đây được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
Từ năm 1999, Chính phủ đã yêu cầu hàng năm tổ chức “Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm” để tăng cường truyền thông, huy động toàn thể nhân dân, các cấp chính quyền địa phương, các bộ ngành các cơ quan và cả cộng đồng tích cực tham gia vào công tác đảm bảo an toàn thực phẩm.
Thực hiện sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk về triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2022. Với chủ đề “Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nông sản thực phẩm trong tình hình mới”. Đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP), tỉnh Đắk Lắk đã thành lập 03 đoàn thanh, kiểm tra về ATTP trên địa bàn toàn tỉnh: Đoàn số 1: Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Sở Y tế; Đoàn số 2: Thanh tra Sở Công Thương; Đoàn số 3: Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm; Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; Cục quản lý thị trường tỉnh; Phòng Cảnh sát Môi trường - Công an tỉnh và Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật.
Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2022 triển khai trên phạm vi toàn tỉnh diễn ra từ ngày 15/4 đến ngày 15/5/2022 với các nội dung chính như sau:
Tổ chức triển khai “Tháng hành động”: Lễ phát động được tổ chức ở 03 cấp (tỉnh; huyện, xã,). Đây được xem là hoạt động mở đầu cho một loạt các chuỗi hoạt động có liên quan.
Triển khai chiến dịch truyền thông bảo đảm an toàn thực phẩm: nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đơn vị quản lý và của cả cộng đồng, đặc biệt tập trung đẩy mạnh vai trò và trách nhiệm cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm theo quy định của pháp luật.
Thanh tra, kiểm tra liên ngành trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2022:
Cấp tỉnh: Thành phố tổ chức giám sát công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm tại Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố trong đợt triển khai Tháng hành động năm 2022, quy định trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong việc quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm trên địa bàn quản lý; kiểm tra thực tế tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm. Kết thúc đợt thanh tra, kiểm tra, các đoàn thanh tra, kiểm tra nhận xét, đánh giá kết quả về việc triển khai Tháng hành động năm 2022, đồng thời đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả của quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.
Cấp huyện: Tổ chức các đoàn kiểm tra với đầy đủ thành phần chuyên môn, đủ thẩm quyền, chuẩn bị đầy đủ các văn bản có liên quan, trang thiết bị kỹ thuật lấy mẫu, dụng cụ kiểm tra nhanh tại hiện trường, xử lý nghiêm và kịp thời các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh và quảng cáo thực phẩm.
“Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2022 được xem như điểm nhấn trong năm, tạo nên đợt cao điểm, phát động một chiến dịch truyền thông tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm; giảm thiểu các hành vi vi phạm trong sản xuất kinh doanh thực phẩm; chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm. Gắn trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp để tập trung sự chỉ đạo và bố trí nguồn lực cho công tác an toàn thực phẩm; nâng cao hiệu quả sự phối hợp giữa chính quyền ở địa phương, giữa các cơ quan chức năng và các đoàn thể chính trị xã hội trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm; phát huy ý thức trách nhiệm với cộng đồng của cá nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng đối với công tác bảo đảm an toàn thực phẩm./.
Nguồn tin: Nguyễn Thị Cẩm Tú – PQLCN, Sở Công Thương