Sở Công Thương Đắk Lắkhttps://socongthuong.daklak.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ năm - 27/10/2022 04:06
Thực hiện Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia năm 2022 được Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 1633/QĐ-BCT ngày 17 tháng 8 năm 2022, Cục Xúc tiến thương mại (Cục XTTM) phối hợp với Vụ Thị trường Châu Á - Châu Phi (Bộ Công Thương) tổ chức Đoàn giao dịch thương mại tại Bangladesh.
Với các mục tiêu nhằm tìm hiểu về tiềm năng xuất khẩu hàng Việt Nam sang Bangladesh; nhu cầu, yêu cầu và tiêu chuẩn của thị trường; quảng bá, giới thiệu hàng hàng hóa của Việt Nam; tham dự Hội thảo giao thương, kết nối trực tiếp doanh nghiệp Việt Nam – Bangladesh; gặp gỡ và làm việc với một số nhà phân phối lớn tại thị trường Bangladesh;…nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Bangladesh, địa điểm cụ thể tại hai thành phố: Dahka và Chitagong, Bangladesh.
Trưởng đoàn Việt Nam, đồng chí Đỗ Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Á Phi – Bộ Công Thương cùng với hơn 30 doanh nghiệp từ các tỉnh thành trên cả nước như: Đắk Lắk, Hà Nội...Doanh nghiệp của tỉnh Đắk Lắk có Công ty TNHH Thương mại Epis với sản phẩm tinh bột và và các sản phẩm từ tinh bột, mỹ phẩm, xà phòng, chất tẩy rửa và chế phẩm vệ sinh, tinh dầu thiên nhiên.
Băng-la-đét là thị trường lớn thứ hai trong khu vực Nam Á, với dân số trên 166 triệu người. Đây là thị trường tiêu thụ khá rộng lớn với phân khúc thị trường đa dạng, nhu cầu nhập khẩu không ngừng gia tăng ở mức cao, yêu cầu chất lượng hàng hóa ở mức độ vừa phải. Về ngoại thương, nhập khẩu của Băng-la-đét tăng qua các năm do nhu cầu đầu tư cho sản xuất trong nước và giá nhập khẩu của một số mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, lúa mì, phân bón tăng cao. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của Băng-la-đét gồm máy móc thiết bị nông nghiệp, thiết bị điện, gạo, hóa chất, phân bón, sắt thép, hàng may mặc, đá xây dựng, clanhke, xi măng, hàng tiêu dùng, đồ gia dụng, nông thủy sản…Hầu hết các sản phẩm này đều có nhập khẩu từ Việt Nam. Không chỉ là một thị trường tiêu thụ lớn, Băng-la-đét còn là quốc gia có thể cung ứng nhiều nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất. Với các thế mạnh kinh tế của mình trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp cùng với giá nhân công rẻ nhất trong khu vực Nam Á, Băng-la-đét được coi là một nguồn cung dồi dào với giá cả hợp lý, chất lượng phù hợp như nguyên phụ liệu dệt may, vải cotton, sợi, bông, đay, da, thủy sản phục vụ công nghiệp chế biến… Đa dạng hóa nguồn cung nhập khẩu nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất sẽ giúp doanh nghiệp các nước nhập khẩu tránh bị động trong quá trình sản xuất, cũng như giá cả góp phần nâng cao tính cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam.
Những năm gần đây, quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Băng-la-đét phát triển tốt đẹp. Mặc dù có thời điểm, kim ngạch thương mại giữa hai nước có sự giảm sút, tuy nhiên, tính chung trong những năm gần đây, trao đổi thương mại liên tục tăng trưởng. Trong cơ cấu ngoại thương với Băng-la-đét, Việt Nam luôn ở thế xuất siêu. Trong năm 2020, tổng kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Băng-la-đét đạt khoảng 780 triệu USD, trong đó chủ yếu là Việt Nam xuất khẩu sang Bangladesh. Năm 2021, kim ngạch thương mại hai chiều đạt gần 1,4 tỷ USD, tăng gần gấp đôi năm 2020; trong đó xuất khẩu sang Bangladesh đạt gần 1,3 tỷ USD. Năm 2022, dự kiến mức kim ngạch tiếp tục tăng cao.
Trong suốt quá trình của đoàn làm việc, đoàn đã tham gia Hội thảo giới thiệu và hỏi đáp về môi trường đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam và phiên giao thương trực tiếp giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp Bangladesh về từng nhóm hàng cụ thể.
Các doanh nghiệp mang hàng mẫu và ấn phẩm giới thiệu thông tin về hàng hóa, quảng bá sản phẩm để có thể tiến hành làm việc với Tập đoàn bán lẻ, các nhà phân phối tại Bangladesh, Ban tổ chức đã sắp xếp để đoàn công tác làm việc với một số nhà phân phối lớn tại Bangladesh như Tập đoàn Shwapno (chiếm 45% thị phần siêu thị bán lẻ tại Bangladesh), Tập đoàn bán lẻ Agora (chiếm 22% thị phần siêu thị bán lẻ tại Bangladesh)…để thiết lập bạn hàng lâu dài, kênh phân phối ổn định, doanh nghiệp Việt Nam còn có điều kiện nắm vững những yêu cầu, tiêu chuẩn đối với hàng hóa khi xuất khẩu vào các thị trường này. Điều đó sẽ góp phần đáng kể vào việc củng cố mối quan hệ kinh tế, thương mại song phương đang được thắt chặt và phát triển.
Trong những ngày làm việc tại Bangladesh, đoàn đã, đang tiến hành khảo sát các chợ đầu mối, hệ thống phân phối tại Bangladesh, đồng thời làm việc với Phòng thương mại và công nghiệp Dhaka và Phòng Thương mại Công nghiệp Chitagong, một số Hiệp hội ngành hàng phù hợp.
Nguồn tin: Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - Phòng Quản lý thương mại