Tại hội nghị, các doanh nghiệp đã được nghe chuyên gia báo cáo một số nội dung gồm: cơ hội, thách thức và lợi ích khi việt nam tham gia các FTA thế hệ mới (CPTPP, EVFTA, UKVFTA); khuyến nghị chính sách về hội nhập kinh tế quốc tế thời gian tới; giải pháp để khai thác và phát triển thị trường xuất khẩu nông sản của việt nam khi tham gia các FTA thế hệ mới; tận dụng cam kết của việt nam trong các FTA để nâng cao năng lực cạnh tranh và xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường tiềm năng.
Theo các chuyên gia đánh giá, hội nhập kinh tế quốc tế khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đóng vai trò hết sức quan trọng, tạo cơ sở vững chắc cho việc tăng cường và thúc đẩy trao đổi thương mại, tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế trong khu vực và trên toàn cầu.
Việc tham gia các FTA thế hệ mới như là CPTPP, EVFTA là bước tập duyệt và làm quen với các quy định mới, ghi dấu nền kinh tế Việt Nam trên bản đồ hội nhập kinh tế quốc tế. Doanh nghiệp có cơ hội thích ứng với sự chuyển dịch trật tự kinh tế thế giới, chủ động tích cực tham gia quá trình định hình những “luật chơi”, đổi mới, cải tổ, cải cách hay thiết lập các định chế toàn cầu và khu vực.
Tuy nhiên, thách thức hiện nay đối với nông sản Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng như: các đối tác yêu cầu ngày càng cao về chất lượng; vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như các yêu cầu xử lý kiểm dịch động thực vật; tính tương đồng với các quốc gia khác trong khu vực còn khá thấp; ngoài ra, năng lực cạnh tranh về chất lượng và giá thành của nông sản Việt Nam đang trong giai đoạn cải thiện và đẩy mạnh; sản phẩm nông sản qua chế biến sâu còn ít; hoạt động xây thương hiệu nông sản Việt Nam chưa được đầu tư đúng mức.
Riêng đối với ngành cà phê của tỉnh, các chuyên gia đánh giá, qua quá trình làm việc và nắm bắt thực tế tại các doanh nghiệp địa phương, để chuẩn bị và thích ứng với điều kiện mới, các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê của tỉnh đã và đang xây dựng các nền móng vững chắc, mang tính lâu dài và bền vững, cụ thể là việc xây dựng, mở rộng và phát triển hoạt động xuất khẩu cà phê có chứng nhận, số lượng các nông dân trồng và sản xuất cà phê ngày càng tăng lên, diện tích thu hoạch cà phê có chứng nhận đạt chuẩn đúng theo yêu cầu của các thị trường có kí kết các hiệp định thương mại tự do, đạt giá trị cao về giá thành xuất khẩu.
Các chuyên gia khuyến nghị, các địa phương, doanh nghiệp cần nghiên cứu - bám sát diễn biến kinh tế - chính trị thế giới, khu vực và các nước lớn, các vấn đề về HNKTQT để dự báo và tham mưu có hiệu quả; tổ chức các hình thức hướng dẫn nâng cao hiểu biết chuyên sâu cho các doanh nghiệp, cán bộ chuyên trách về làm thế nào để tận dụng được các FTA (quy tắc xuất xứ, các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm, các giấy chứng nhận cần thiết…), về khả năng pháp lý, năng lực cạnh tranh...
Ngoài ra, doanh nghiệp cần có đội ngũ nhân sự pháp lý đủ khả năng, chủ động tìm hiểu thông tin các cam kết về các FTA, nắm chắc những thông tin về lộ trình cắt giảm thuế liên quan đến các mặt hàng kinh doanh; nghiên cứu thủ tục, quy định, thị hiếu của thị trường để có chiến lược điều chỉnh sản xuất, chất lượng sản phẩm, kế hoạch kinh doanh và cạnh tranh phù hợp nhằm tận dụng tối đa các cơ hội do các FTA mang lại.
Đối với tỉnh Đắk Lắk, sản xuất và xuất khẩu hàng hoá nông sản vẫn là ưu tiên hàng đầu. Vì vậy, địa phương cần quan tâm nâng cao giá trị xuất khẩu hàng hoá, hàm lượng chế biến, tận dụng tốt và hiệu quả nhất những lợi ích mà các hiệp định này mang lại, giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến quy tắc xuất xứ hàng hoá, hiểu rõ hơn về các cam kết mở cửa thị trường nông sản nhằm đưa nông sản Đắk Lắk ra thị trường toàn cầu. Trong thời gian tới, làm thế nào để các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp cận được nhiều hơn nữa các thị trường lớn mà Việt Nam đã và đang nhận được các ưu đãi từ các hiệp định này là một trong các ưu tiên hàng đầu.