Một địa phương được coi là có chất lượng điều hành tốt khi có: Chi phí gia nhập thị trường thấp; Tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định; Môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin kinh doanh công khai; Chi phí không chính thức thấp; Thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quy định, thủ tục hành chính nhanh chóng; Môi trường cạnh tranh bình đẳng; Chính quyền tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp; Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; Chính sách đào tạo lao động tốt và Thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả và an ninh trật tự được duy trì.
Năm 2021, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI 2021) của tỉnh Đắk Lắk đạt 64,2 điểm, xếp thứ 34/63 tỉnh, thành phố trên cả nước, tăng 0,98 điểm và tăng 01 bậc so với PCI năm 2020, xếp thứ 3 khu vực Tây Nguyên, thuộc nhóm có chất lượng điều hành kinh tế trung bình, tuy nhiên kết quả này còn cách mục tiêu thứ hạng cần đạt đề ra theo Kế hoạch của UBND tỉnh là 06 bậc và vẫn còn 02 chỉ số có số điểm dưới 6 điểm, đó là chỉ số Tính minh bạch và chỉ số Đào tạo lao động. Điểm nổi bật về cải thiện chỉ số các thành phần của PCI năm 2021 là 3/4 chỉ số thuộc nhóm chỉ số thành phần tiếp tục cải thiện tăng điểm và thứ hạng tiếp tục cải thiện điểm số, bức phá để xếp vào vị trí thuộc nhóm đứng đầu bảng xếp hạng PCI cả nước gồm các chỉ số: Tiếp cận đất đai tăng 21 bậc, xếp thứ 3/63, chỉ số Cạnh tranh bình đẳng tăng 25 bậc, xếp thứ 6/63, chỉ số Thiết chế pháp lý và ANTT tăng 14 bậc, xếp thứ 9/63. Nhìn chung nhóm chỉ số chưa có sự cải thiện hoặc cải thiện không đáng kể, thiếu sự ổn định. Điểm cải thiện nổi bật của nhóm chỉ số này là chỉ số Chi phí không chính thức đã cải thiện tăng 0,82 điểm, vượt qua điểm số dưới 6 điểm và tăng 10 bậc, chỉ số Đào tạo lao động đã cải thiện tăng 19 bậc để có được xếp hạng 26/63. Các chỉ số còn lại gồm: 03/06 chỉ số giảm điểm, giảm thứ hạng (Chi phí gia nhập thị trường, Tính minh bạch, Chi phí thời gian; 01/06 chỉ số tăng điểm nhưng giảm thứ hạng (Tính năng động).
Có 02 chỉ số cần có giải pháp để cải thiện mạnh về điểm số là: Tính minh bạch và Đào tạo lao động (có điểm số dưới 6 điểm), cụ thể: Chỉ số tính minh bạch đạt 5,34 điểm, đứng thứ 54/63 (giảm 0,37 điểm, giảm 14 bậc so với năm 2020), chưa đạt điểm số và thứ hạng so kế hoạch đề ra, Năm 2021, các cơ quan, đơn vị của tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện chỉ số này, như: Thực hiện rà soát, cập nhật đầy đủ, kịp thời các TTHC của tỉnh lên Hệ thống dịch vụ hành chính công trực tuyến tích hợp một cửa điện tử liên thông; công khai, minh bạch các TTHC về thuế tại Bộ phận một cửa và trên Trang thông tin điện tử của Cục Thuế tỉnh; các thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước được cập nhật kịp thời trên Cổng thông tin điện tử tỉnh, cổng/trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị để kịp thời phổ biến rộng rãi đến doanh nghiệp. Các cơ quan, đơn vị đã phối hợp xây dựng bộ câu hỏi và trả lời những vấn đề thường gặp trong giải quyết TTHC đăng tải trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh; tập trung thực hiện các giải pháp tăng cường sử dụng hiệu quả hệ thống iGate trong tiếp nhận và trả kết quả giải quyết hồ sơ TTHC, sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 phục vụ người dân và doanh nghiệp.... Nguyên nhân chủ yếu chỉ số Tính minh bạch chưa được cải thiện là do chất lượng Website tỉnh chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp; một số các cơ quan, đơn vị chưa quan tâm trả lời các văn bản và cung cấp thông tin cho doanh nghiệp khi được yêu cầu. Chỉ số Đào tạo lao động đạt 5,97 điểm, đứng thứ 26/63 (giảm 0,23 điểm, tăng 19 bậc so với năm 2020); có mức điểm dưới 6, điểm số chưa đạt so kế hoạch đề ra. Nguyên nhân được xác định là trong quý I năm 2021, thị trường lao động của tỉnh duy trì ở trạng thái ổn định và phát triển nên có nhiều thuận lợi trong công tác giải quyết việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, từ tháng 4/2021 đến cuối năm 2021 đại dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng nặng nề đến công tác giải quyết việc làm cho người lao động: các doanh nghiệp trong tỉnh, ngoài tỉnh gặp nhiều khó khăn, việc làm không phát triển; bên cạnh đó các tỉnh, thành phố phía Nam, đặc biệt là tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch làm cho người lao động bị mất việc làm, tạm dừng việc phải trở về nơi thường trú; Sản phẩm, hàng hóa của chăn nuôi, nông sản gặp khó khăn trong việc tiêu thụ; Các hoạt động hỗ trợ trực tiếp cho người lao động như tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm bị hạn chế; Thị trường lao động ngoài nước đóng cửa, trong đó có các thị trường truyền thống như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, làm cho người lao động không xuất cảnh để đi làm việc ở nước ngoài được. Ngoài ra, các cơ sở GDNN phải tạm ngưng tổ chức đào tạo khi thực hiện biện pháp giãn cách xã hội kéo dài để phòng dịch; các hoạt động chuyển dần từ trực tiếp sang trực tuyến, tuy nhiên cơ sở vật chất, thiết bị của nhà trường cũng như người học không đủ đáp ứng dẫn đến chất lượng và hiệu quả đào tạo cũng như mục tiêu trong năm không đạt theo kế hoạch đề ra.