Sau khi đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020, Sở Công Thương đã nêu ra các nội dung chi tiết của Kế hoạch này trong giai đoạn 2021-2025. Kế hoạch với 04 mục tiêu cụ thể là đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin (máy tính, trang thiết bị CNTT…) đảm bảo triển khai các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh. 100% văn bản tài liệu trong cơ quan, đơn vị (trừ văn bản mật) được gửi nhận trên hệ thống điện tử, trong đó có 80% văn bản được sử dụng hoàn toàn dưới dạng điện tử thay thế văn bản giấy; triển khai ứng dụng chữ ký số trong văn bản điện tử. Nâng cao hiệu quả, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4; phục vụ người dân và doanh nghiệp theo hướng hiệu quả, tiết kiệm thời gian, chi phí; tăng cường tiếp nhận, xử lý hồ sơ trên môi trường mạng, đơn giản hóa hồ sơ, giấy tờ giải quyết thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp. Bảo đảm an toàn thông tin và an ninh mạng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; nâng cao nhận thức trong công tác đảm bảo an toàn hệ thống thông tin theo quy định của pháp luật, đặc biệt là bộ phận công chức, viên chức theo dõi lĩnh vực công nghệ thông tin, trang thông tin điện tử của Sở. Kế hoạch gồm 03 nhiệm vụ.
Nhiệm vụ đầu tiên, phát triển hạ tầng kỹ thuật, cần hoàn thiện đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật và các biện pháp đảm bảo an ninh thông tin để đảm bảo triển khai các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin do UBND tỉnh quy định. Nâng cấp mạng không dây, hệ thống mạng nội bộ, đường truyền băng thông rộng đáp ứng nhu cầu sử dụng của cơ quan.
Thứ hai, phát triển các ứng dụng, dịch vụ, phải tiếp tục triển khai áp dụng các dịch vụ CNTT phục vụ hoạt động nội bộ. Duy trì, nâng cấp Trang thông tin điện tử của Sở đảm bảo việc cung cấp thông. Áp dụng thực hiện tiếp nhận, giải quyết bộ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Công Thương trên Hệ thống Dịch vụ hành chính công trực tuyến, tích hợp Một cửa điện tử liên thông tỉnh Đắk Lắk. Thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích theo Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích. Tham gia tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về ứng dụng CNTT do Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức.
Cuối cùng phải đảm bảo an toàn thông tin, cần tăng cường phối hợp với một số đơn vị có năng lực đánh giá, nâng cấp hệ thống an toàn thông tin. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến phương pháp đảm bảo an toàn thông tin, phòng, chống mã độc. Nội dung tuyên truyền luôn bám sát vào hướng dẫn, cảnh báo của các cơ quan có thẩm quyền. Thường xuyên phổ biến, quán triệt người sử dụng hệ thống mạng, máy tính sao lưu dữ liệu theo định kỳ, 100% cán bộ, công chức, viên chức và người lao động sử dụng hộp thư điện tử công vụ để trao đổi công việc, không sử dụng hộp thư điện tử công vụ để đăng ký truy cập các trang mạng xã hội, không mở các liên kết, file đính kèm không rõ nguồn gốc...; khi có nghi ngờ hoặc phát hiện máy tính bị nhiễm mã độc, người sử dụng thực hiện ngay các biện pháp an toàn thông tin (như sao lưu dữ liệu, ngắt truy cập mạng, ...) và thông báo cho bộ phận chuyên trách về công nghệ thông tin để kịp thời xử lý. Định kỳ hàng năm, cử công chức viên chức theo dõi về công nghệ thông tin tham gia các khóa đào tạo về quản lý, kỹ thuật về an toàn thông tin.
Việc ứng dụng Công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền số và đảm bảo an toàn thông tin nhằm hiện đại công tác hành chính, cải thiện môi trường làm việc, nâng cao hiệu quả phục vụ nhân dân của chính quyền địa phương nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu ngày càng cao của nhân dân.