Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Chủ nhật - 06/09/2020 22:14

Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Ngày 26/8/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đối tượng bị xử phạt hành chính: Cá nhân, tổ chức Việt Nam hoặc cá nhân, tổ chức nước ngoài thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này trên lãnh thổ Việt Nam. Hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật; hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật vi phạm các quy định tại Nghị định này bị xử phạt như đối với cá nhân vi phạm.
Nghị định quy định mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là 100.000.000 đồng đối với cá nhân và 200.000.000 đồng đối với tổ chức; mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm là 200.000.000 đồng đối với cá nhân và 400.000.000 đồng đối với tổ chức.
Cụ thể, cá nhân có hành vi buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng bị phạt tiền từ 1 triệu đến 70 triệu đồng phụ thuộc vào giá trị hàng giả tương đương với hàng thật. Đối với hành buôn bán hàng giả là thực phẩm, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế… mức phạt tiền sẽ tăng gấp đôi.
Đối với hành vi sản xuất hàng giả, mức phạt tiền tối đa là 100 triệu đồng đối với cá nhân. Tương tự mức phạt tối đa 200 triệu đồng nếu sản xuất hàng giả là thực phẩm, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế.
Trong lĩnh vực kinh doanh rượu, phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng với hành vi bán, cung cấp rượu cho người dưới 18 tuổi. Trường hợp bán rượu, bia bằng máy bán hàng tự động; sử dụng lao động dưới 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, kinh doanh rượu mức phạt từ 03 triệu đến 05 triệu đồng.
Nghị định cũng quy định các mức phạt đối với hành vi kinh doanh dịch vụ thuộc ngành nghề đầu tư cấm, đầu cơ hàng hóa và găm hàng; xúc tiến thương mại, vi phạm về thương mại điện tử…
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 10 năm 2020.
Nghị định này thay thế: Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Nghị định số 141/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Tải văn bản Nghị định số 98/2020/NĐ-CP tại đây./.

Tác giả: Lê Bích-TTKC

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây