Nền kinh tế Halal bao gồm một số các lĩnh vực có các sản phẩm và dịch vụ chủ đạo bị ảnh hưởng về mặt cấu trúc bởi hệ thống các quy định về luật pháp và đạo đức, phục vụ chủ yếu các nhu cầu mang tính đạo đức và giá trị của đạo Hồi, phục vụ cho những người theo đạo Hồi và đức tin trong cuộc sống hàng ngày.
Quy mô nền kinh tế Halal toàn cầu đạt 7.000 tỷ USD năm 2022 và dự kiến tăng lên khoảng 10.000 tỷ USD năm 2028. Phát triển kinh tế Halal đang trở thành một xu hướng và có tốc độ phát triển khá nhanh, đơn cử như hoạt động nhập khẩu các sản phẩm có liên quan đến Halal vào các quốc gia thuộc Tổ chức hợp tác Hồi giáo OIC được dự kiến sẽ tăng 7,9% tính theo tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm, đạt 492 tỷ đô la vào năm 2027 so với 359 tỷ đô la vào năm 2022. Top các nước nhập khẩu trong khối OIC bao gồm: UAE – các nước tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia, Malaysia, top các quốc gia xuất khẩu vào các thị trường này bao gồm: Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, Australia, Malaysia, Indonesia, Nga, Argentina.
Châu Á và châu Phi là hai khu vực thị trường thực phẩm Halal chủ chốt, chiếm 75% tổng giá trị toàn cầu. Ngoài ra, thực phẩm Halal cũng có tiềm năng không nhỏ tại những thị trường không có phần đông dân số là người Hồi giáo, dẫn đầu là thị trường châu Âu như Nga, Pháp và Vương quốc Anh.
Tiềm năng xuất khẩu sản phẩm Halal của Tỉnh Đắk Lắk
Xuất khẩu nông sản là thế mạnh của tỉnh Đắk Lắk trong nhiều năm qua. Hàng năm, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 1,5 tỷ USD, trong đó chủ yếu là giá trị xuất khẩu các sản phẩm nông sản. Hàng hóa xuất khẩu của tỉnh đã đến với hơn 70 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó thâm nhập được vào nhiều thị trường nổi tiếng khó tính như Nhật Bản, Mỹ, EU…Các mặt hàng xuất khẩu bao gồm các mặt hàng nông sản chủ lực như: cà phê nhân, cà phê hòa tan, hạt tiêu, hạt điều, sản phẩm ong, sản phẩm sắn, cao su…ngoài ra còn có các sản phẩm khác như chỉ thun, nghệ dạng khô, củ nghệ, cơm dừa, sản phẩm gỗ, phân bón, quế… và trong thời gian vừa qua các doanh nghiệp của tỉnh cũng đã xuất khẩu chính ngạch các mặt hàng rau, quả có giá trị cao như sầu riêng, macca…
Đối với thị trường Halal, nhiều sản phẩm nông sản của Tỉnh rất phù hợp và có nhu cầu tiêu thụ rất lớn tại các thị trường Halal. Có thể kể đến các sản phẩm nông sản dạng hạt như hạt điều, hạt tiêu, hạt Macca, các sản phẩm chế biến từ nông sản như cà phê hoà tan, bột ca cao, bột sắn hay các sản phẩm rau củ quả tươi...
Thời cơ và thách thức
Trong bối cảnh Việt Nam hiện đã tham gia ký kết các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới với nhiều nước lớn thuộc khối OIC như: Malaysia, Indonesia, Ấn Độ.., đồng thời Việt Nam cũng có quan hệ ngoại giao tốt với nước xuất khẩu lớn các sản phẩm Halal như Singapore…, thuận lợi cho hợp tác để phát triển hoạt động xuất khẩu. Các Doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Doanh nghiệp Đắk Lắk nói riêng sẽ có rất nhiều cơ hội thuận lợi để giao thương với các thị trường Halal.
Thời gian gần đây, để tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho việc hợp tác quốc tế phát triển ngành hàng Halal tại Việt Nam và đưa sản phẩm Halal của Việt Nam thâm nhập thị trường các nước, trong các cuộc họp Ủy ban hỗn hợp và Tiểu ban Thương mại hỗn hợp với các nước Hồi giao, các nước có ngành công nghiệp Halal phát triển do Bộ Công Thương chủ trì và tham gia, Bộ Công Thương đều chủ động thúc đẩy nội dung hợp tác về Halal với các nước này. Hiện nay Bộ Công Thương đang tích cực đàm phán, ký kết các hiệp định, thỏa thuận thương mại với các nước Hồi giáo, ví dụ như Hiệp định CEPA đang đàm phán với Các tiểu vương quốc A-rập thống nhất, trong đó Bộ Công Thương cũng đã lồng ghép các nội dung về việc tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu các sản phẩm Halal của Việt Nam.
Đắk Lắk với nhiều tiềm năng, thế mạnh của các sản phẩm nông sản được ưu đãi bởi điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để hình thành các vùng nguyên liệu lớn, chất lượng cao, nếu đáp ứng được các tiêu chuẩn Halal thì dư địa để xuất khẩu các sản phẩm này vào thị trường Halal là rất lớn.
Đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp
Đứng trước những cơ hội và thách thức của thị trường Halal, để khai thác tiềm năng thế mạnh sẵn có, sớm đưa các sản phẩm nông sản Đắk Lắk vào thị trường Halal, cần có sự nỗ lực cố gắng và sự phối hợp mạnh mẽ, quyết liệt giữa các doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước có liên quan.
Trước hết, đối với doanh nghiệp: để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng các sản phẩm có chứng nhận Halal trên toàn cầu nói chung và khối các quốc gia OIC nói riêng, chứng chỉ Halal là một điều kiện tiên quyết cần có, chứng chỉ này cho phép: làm rõ tình trạng Halal của nguyên liệu/sản phẩm; giúp đáp ứng yêu cầu của khách hàng và của một số quốc gia nhập khẩu như GCC, Indonesia, Pakistan…yêu cầu dành cho sản phẩm thực phẩm nhập khẩu. Cần lưu ý, hiện nay, chứng nhận Halal không có giá trị sử dụng lâu dài, không được công nhận như nhau ở các quốc gia với tất cả các mặt hàng và hiện đang tồn tại rất nhiều hệ thống Halal, nhiều tiêu chuẩn khác nhau cho từng sản phẩm. Ngoài ra, thủ tục cấp chứng nhận Halal tương đối phức tạp, chi phí cấp chứng nhận khá cao và được giám sát định kỳ 6 tháng/lần để bảo đảm tuân thủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm và không sử dụng dấu Halal cho các sản phẩm khác.
Doanh nghiệp cần có sự tìm hiểu về tôn giáo đạo Hồi, văn hoá, tập quán, phong tục, đặc điểm của con người nói chung, các thương nhân đạo Hồi nói riêng, nhu cầu và hành vi tiêu dùng, những điều cần lưu ý khi giao tiếp, kinh doanh với người đạo Hồi, tìm hiểu và nắm rõ những yếu tố có thể ảnh hưởng đến hoạt động giao thương, ký kết hợp đồng mà có liên quan đến giáo lý của đạo Hồi...
Về mặt kỹ thuật, doanh nghiệp cần có sự quan tâm và đầu tư nhiều hơn vào quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm để đạt được chứng nhận Halal. Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp có thể nghiên cứu khả năng hợp tác và phát triển lĩnh vực sản xuất thực phẩm Halal giữa Việt Nam và các nước trong khối ASEAN, tích cực giao lưu, học hỏi kinh nghiệm của các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã có sản phẩm được chứng nhận Halal và đã xuất khẩu.
Chi phí đầu tư trang thiết bị, dây chuyền sản xuất, nguồn nguyên liệu an toàn trong các khâu từ đóng gói, vận chuyển, bảo quản … theo tiêu chuẩn Halal cao hơn so với sản xuất, xuất khẩu sản phẩm thường, trong khi đa số doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên gặp khó khăn về tài chính, kỹ thuật để đầu tư sản xuất và đăng ký chứng nhận Halal và tìm kiếm thị trường xuất khẩu phù hợp. Do đó doanh nghiệp cần có chiến lược ưu tiên đầu tư và tìm giải pháp phù hợp cho mô hình kinh doanh của mình.
Đối với cơ quan quản lý nhà nước, để đưa các sản phẩm nông sản của tỉnh Đắk Lắk vào thị trường Halal cần tập trung vào các giải pháp như sau:
Một là, phối hợp nghiên cứu đề xuất các chính sách hỗ trợ để thúc đẩy sự phát triển của ngành Halal. Các chính sách có thể tập trung vào việc chọn lựa một số các doanh nghiệp với các sản phẩm chủ lực, có khả năng và năng lực tiệm cận để có thể tiếp cận với thị trường Halal, hỗ trợ về mặt tài chính, kỹ thuật để củng cố năng lực sản xuất sản phẩm, cải thiện và hoàn thiện quy trình trồng trọt, sản xuất, chế biến cũng như bao bì, nhãn mác sản phẩm, tạo thuận lợi cho quá trình cấp giấy chứng nhận Halal.
Hai là, hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt đầy đủ thông tin về thị trường Halal, nhất là các quy định liên quan đến thủ tục đăng ký cấp và công nhận chứng nhận Halal của các nước.
Ba là, hỗ trợ các doanh nghiệp kết nối, hợp tác với các doanh nghiệp ở các quốc gia thuộc nền kinh tế Halal có tiềm lực đầu tư vào công nghệ chế biến sâu, đổi mới khoa học, công nghệ, hỗ trợ xây dựng và cải thiện hệ thống truy nguồn gốc xuất xứ, minh bạch quá trình sản xuất, vận chuyển, đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chế biến, nâng cao giá trị thặng dư cho sản phẩm.
Bốn là, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia các hội chợ, hội nghị, hội thảo, tọa đàm để quảng bá sản phẩm, cũng như kịp thời nắm bắt thông tin, trao đổi, phối hợp giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm tại thị trường Halal.
Vừa qua, Sở Công Thương Đắk Lắk được tham gia cùng Đoàn công tác của Cục Công Thương địa phương – Bộ Công Thương làm việc tại Ả Rập Xê Út và Tiểu các Vương quốc Ả Rập thống nhất ( UAE). Thông qua các buổi làm việc, Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại hai nước, một số cơ quan tổ chức của hai nước Ả Rập Xê Út và UAE đã chấp nhận đề nghị về việc hỗ trợ các doanh nghiệp của Việt Nam làm việc với các cơ quan, hệ thống phân phối của các nước để trao đổi thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực Halal, như: hợp tác đào tạo Halal cho cơ sở cấp chứng nhận Halal, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, hợp tác đầu tư, sản xuất các sản phẩm Halal tại Việt Nam.